Chùa Hạ trong quần thể chùa Am Các mới được trùng tu.
Cổ tự trên non cao
Ngay tại vùng đồng bằng ven biển, nhiều người không nghĩ rằng lại có hệ thống núi Các thuộc các xã Định Hải và Các Sơn (huyện Tĩnh Gia) trùng điệp, cao khoảng 1.000 m so với mực nước biển. Nơi đây, được xem như nơi thâm sơn cùng cốc của vùng Nam Thanh Bắc Nghệ, nên từ nhiều đời nay, rất ít người chinh phục hết dãy núi có thế nhọn, cong hình cánh cung gồm 9 ngọn cao chót vót ở về phía Tây Bắc của huyện Tĩnh Gia này. Không biết từ khi nào, hệ thống quần thể chùa cổ trên các triền núi cao ở đây đã bị phá hủy, chỉ còn lại nền móng và các cổ vật rơi rớt lại, sau đó bị thảm thực vật um tùm che kín. Duy chỉ có ngôi chùa Hạ nằm trên lưng chừng núi Các, cách chân núi khoảng 4 km thì nhiều đời nay, người dân địa phương thỉnh thoảng vẫn men theo đường mòn, lên hương khói. Khoảng năm 2005, một số người dân địa phương đã phát hiện thêm nhiều nền móng và các hiện vật bằng đá trên phía gần đỉnh các ngọn núi. Một số nhà nghiên cứu lịch sử đã tìm về đây, dần khám phá ra những điều thú vị về lịch sử qua những nền móng, cổ vật lộ thiên và trong lòng núi. Người có công lớn nhất trong việc tìm các dấu tích và nghiên cứu các tài liệu, thư tịch cổ về quần thể di tích Am Các này là sư thầy Thích Nguyên Đại, trụ trì chùa Yên Cát ở xã Quảng Cát (TP Thanh Hóa).
Để khám phá quần thể di tích này, chúng tôi về xã Định Hải, qua con đập Hao Hao rộng hàng chục héc ta, quanh năm nước xanh mát và dòng suối sâu vắt ngang đường ngay phía chân núi, dãy Các Sơn đã hiện lên sừng sững. Khu rừng thông cổ thụ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tĩnh Gia tỏa bóng mát rượi, vẫn vi vu trong gió ngàn khiến người đi thêm phần hứng thú. Tiếp tục men theo các triền núi, những rừng trúc dại, cây cỏ phủ màu xanh ngút ngàn - những rừng sim bung nở hoa, nhuộm tím các trảng rừng, như lôi cuốn những đôi chân bước tiếp để chinh phục thêm những triền núi cao. Chừng 1 giờ vượt những con dốc trên con đường mới mở, chiếc xe mô tô cũng ì ạch đưa chúng tôi đến với đền Hạ. Theo chân sư thầy Lê Đức Thảo – người thường trực tại đây, chúng tôi được giới thiệu từng cổ vật với niên đại trên dưới nghìn năm, những hình khắc, chạm khảm trên đá dấu ấn từ thời Lý – Trần. Tại quần thể chùa Hạ này, một vài năm gần đây, nhiều công trình đã được phục dựng ngay trên nền những móng đá cổ.
Tiếp tục đi theo những con đường mòn, chúng tôi còn được xem những dấu tích của hệ thống đền Trung, đền Thượng, khu thờ Tứ phủ... mới được phát hiện trong ít năm gần đây, nằm rải rác cách đó từ 1 đến 3 km. Không chỉ ngỡ ngàng trước cảnh đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh, nhiều người đến đây còn khâm phục cách chọn địa điểm xây dựng các công trình của người xưa. Các công trình trước kia đều tọa lạc trên những “mặt bằng” rộng hàng héc ta ngay tại các triền núi. Từ đây, phóng tầm mắt có thể nhìn rõ Khu Kinh tế Nghi Sơn, tàu thuyền trên biển và đảo Hòn Mê mờ ảo xa xa. Những điểm đứng cao, lại không bị che chắn bởi các đỉnh núi khác nên bao quát được cả một vùng rộng lớn gồm các huyện Tĩnh Gia, Nông Cống, Như Thanh, Như Xuân và Quảng Xương. Bằng việc kêu gọi đầu tư xã hội hóa của chính quyền huyện Tĩnh Gia và sư thầy Thích Nguyên Đại, những con đường lên núi đang được mở, nhiều công trình kiến trúc đã và đang được phục dựng.
Giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật
Các hiện vật và nền móng của quần thể các chùa như: Tượng pháp, chân tảng đá hoa sen, bàn thờ đá, bệ đá hoa sen, bát hương, gạch ngói cổ... và nền móng nhà Tổ, nhà Mẫu, chùa Chính cùng với cảnh quan cho thấy hệ thống chùa Am Các trước đây được xây dựng quy mô to lớn. Trải qua sự biến thiên của lịch sử và xã hội, tuy quần thể chùa không còn nguyên vẹn, nhưng những khu đất và các dấu vết các ngôi chùa cổ trước đây đang được nhân dân địa phương và du khách thập phương lập bàn thờ để thờ cúng Đức Phật. Lần tìm các thư tịch cổ như: sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn đều nhắc đến cái tên Am Các nhưng không nói rõ được xây dựng từ khi nào. Trong quá trình tìm hiểu lịch sử quần thể chùa Am Các, chúng tôi đã thu thập được nhiều thông tin quý đang được lưu trữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa. “Địa điểm chùa Am Các trước đây nằm án ngữ trên con đường giao thông đường bộ quan trọng nối liền vùng đất phía Bắc Thanh Hóa với vùng đất phía Nam thuộc địa bàn hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh. Chính vì thế mà dưới thời Lý - Trần và đến thời Lê Trung hưng, nhân dân địa phương đã chú tâm xây dựng ngôi chùa Am Các thành một trung tâm tôn giáo lớn, một cơ sở quan trọng của việc thờ Đạo Phật ở đây. Đó chính là điều kiện thuận lợi để quần thể chùa Am Các tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân”.
Về vấn đề này, sư thầy Thích Nguyên Đại cũng cho biết: Qua một số tư liệu và nhận định qua hoa văn, các hiện vật còn lại, một số ngôi chùa cổ của quần thể chùa Am Các được xây dựng ít nhất cũng cách đây hơn 1.000 năm trước. Lúc đó, nơi đây rất gần biển, người Ấn Độ về đây truyền giáo nên chắc chắn đây là một trong những cái nôi đầu tiên để đưa Đạo Phật vào Thanh Hóa và các tỉnh lân cận. Một số nhà khảo cổ cũng đang nhận định theo hướng này.
Trong quá trình nghiên cứu để xếp hạng di tích, bà Nguyễn Thị Khuyến, quyền trưởng phòng nghiệp vụ, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa, nhận định: “Nằm trên vùng đất có bề dày truyền thống của đạo Phật mà Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu (sử sách chép ông là người huyện Tĩnh Gia) - là vị Tăng Thống đứng đầu các nhà sư trong nước dưới triều Đinh – Lê, cùng với nhiều ngôi chùa thờ Phật nổi tiếng như chùa Đót Tiên, xã Hải Thanh, chùa Phúc Long, xã Hải Ninh..., chùa Am Các được xây dựng trong các thế kỷ sau đó đã khẳng định sự nhập thế của đạo Phật, hòa đồng với tinh thần độc lập dân tộc, là nét nổi trội trong lịch sử Phật giáo ở vùng đất này và nó chi phối mọi hoạt động văn hóa tín ngưỡng của cư dân ở đây diễn ra một thời kỳ dài trong lịch sử dân tộc”.
Còn nhiều bức màn bí mật sau những cổ vật và hệ thống nền móng chưa được biết đến. Tuy nhiên, bước đầu có thể khẳng định, hệ thống chùa Am Các là một quần thể công trình phật giáo tầm cỡ và cổ xưa bậc nhất tại xứ Thanh từng được phát hiện. Công tác kêu gọi trùng tu tôn tạo, mở đường phát triển du lịch đang có những bước tiến đáng mừng, mở ra kỳ vọng lớn về phát triển khu du lịch văn hóa - tâm linh phía Nam của tỉnh, gắn với sự phát triển kinh tế chung của Khu Kinh tế Nghi Sơn.
(Theo Báo Thanh Hóa)