Khám phá những điều thú vị tại Long An

08/10/2018 16:44

Theo dõi trên

Đến Long An, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một vùng quê thanh bình, cùng hòa mình vào không khí sôi nổi của lễ hội, thả hồn theo từng cung bậc cảm xúc của những làn điệu đờn ca tài tử hay trải nghiệm du lịch sinh thái...

Tháng giêng - Mùa lễ hội

Với những người thích khám phá văn hóa truyền thống, có lẽ khó bỏ qua những lễ hội đặc sắc tại Long An, trong đó có Lễ hội Làm Chay. Lễ hội Làm Chay được biết đến qua câu ca dao “Dù ai mua bán trăm bề/ Làm Chay mười sáu nhớ về Tầm Vu”. Lễ hội diễn ra trong ngày 15 và 16 tháng Giêng (âm lịch). Đây là lễ hội được người dân Tầm Vu, huyện Châu Thành duy trì từ hơn 100 năm nay với ý nghĩa tưởng nhớ tiền nhân, cầu siêu cho vong linh liệt sĩ, những người đã khuất và cầu mong mưa thuận, gió hòa, đất nước bình an.


 
Lễ hội Làm Chay được công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2015

Trong ngày khai lễ (15 tháng Giêng) có các hoạt động thỉnh rước ông Tiêu (Tiêu diện Đại sĩ) từ chùa Linh Phước về chùa Ông; thỉnh Phật, thỉnh Thầy, khai kinh tụng niệm cầu an; cúng tế và đề phan liệt sĩ. Đến ngày 16, phần hội và phần lễ cùng diễn ra với các trò chơi dân gian như bịt mắt đập nồi, nhảy bao bố, kéo co, thả - bắt vịt; cúng miếu Âm Nhơn; thỉnh ông Tiêu lên giàn; chiêu u; thầy trò Đường Tăng trong Tây du ký đi thỉnh kinh và diễn đánh các động yêu quái,... Lễ hội kết thúc vào đúng 0 giờ với nghi thức xô giàn, đốt hình nộm ông Tiêu.

Lễ Vía bà Ngũ Hành (Ngũ Hành Nương nương) diễn ra hàng năm từ ngày 18 đến 21 tháng Giêng (âm lịch) tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc. Lễ hội được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2014, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương đến dự và cúng bái. Với nghi thức trang trọng của lễ cầu an, lễ hội là dịp để người dân địa phương thể hiện ước vọng về cuộc sống no đủ, mùa màng bội thu. Nhiều nghệ thuật diễn xướng dân gian: Chầu mời, thỉnh bà, múa bóng rỗi, hát chặp địa nàng,... được lưu giữ tại lễ hội.

Một lễ hội khác cũng diễn ra trong tháng Giêng là Lễ hội cầu an tại đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) và Lễ húy kỵ Đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại - nhạc quan tài hoa của triều đình nhà Nguyễn. Ông là người có công lớn trong việc khai sáng ra dòng nhạc tài tử và nhạc lễ Nam bộ độc đáo ngày nay. Hàng năm, Lễ húy kỵ Đức nghệ nhân được tổ chức với hoạt động nổi bật là liên hoan, giao lưu đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Long An. Có dịp về đình Vạn Phước những ngày này, du khách sẽ được thưởng thức những làn điệu đờn ca tài tử đặc trưng của Nam bộ.


 
Hát rỗi là một trong những hoạt động đặc sắc tại Lễ Vía bà Ngũ Hành

Trải nghiệm du lịch sinh thái

Đặt chân đến mảnh đất Long An, sẽ là một thiếu sót lớn nếu du khách không dành thời gian chiêm ngưỡng khung cảnh thơ mộng và yên bình của Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa). Điểm nổi bật tại đây là khu rừng tràm nguyên sinh rộng với con đường đal có nhiều nhánh rẽ xuyên qua khu rừng.

Du khách có thể tản bộ trên đường đal hoặc chèo xuồng ngắm thiên nhiên hoang dã với bông súng, chim, cò,... trong ngan ngát hương tràm. Hiện nay, Làng nổi Tân Lập tiếp tục triển khai thi công các hạng mục: Mở rộng nhà hàng buffet và nâng cấp hệ thống cáp kéo thuyền.

Khu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) thuộc Công ty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười khiến không ít người ngỡ ngàng và mê mẩn. Đến đây, du khách không chỉ được khám phá du lịch miệt vườn như câu cá, chèo thuyền, ngắm cảnh đẹp vùng sông nước mà còn có cơ hội tham quan, nghiên cứu về hệ thực vật và các loại cây dược liệu.


 
Điểm nổi bật tại Làng nổi Tân Lập là khu rừng tràm nguyên sinh rộng bao la với những con đường “bí ẩn” dẫn vào rừng tràm

Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười - Bùi Đắc Thắng cho biết: “Từ đầu năm 2018 đến nay, Khu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười đón gần 3.000 lượt khách tham quan. Chúng tôi đang nâng cấp hồ bơi thiên nhiên bằng nước mưa, ở dưới đáy hồ là thảm cỏ năn, chiều ngang của hồ hơn 30m, dài 800m; nâng cấp khu nhà hàng; cải tạo và xây mới phòng ngủ lưu trú (đưa tổng số phòng nghỉ lưu trú lên 25 phòng, có 1 phòng tập thể với sức chứa 30 người). Công ty phối hợp các đơn vị lữ hành du lịch mở tour “tắm rừng” - liệu pháp giúp cơ thể thư giãn, hạ huyết áp, giảm stress hiệu quả. “Tắm rừng” còn giúp du khách tăng cường hệ thống miễn dịch cơ thể, nâng cao sức đề kháng, phòng, chống một số bệnh. Hiện công ty tu bổ xong hơn 7km đường bộ để phục vụ hoạt động này”.

Ngoài ra, Làng cổ Phước Lộc Thọ; Khu đô thị, thương mại, dịch vụ Cát Tường Phú Sinh với “thế giới 7 kỳ quan” thu nhỏ hay Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen,... cũng là những điểm đến hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua.

Đến Long An, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một vùng quê thanh bình, cùng hòa mình vào không khí sôi nổi của lễ hội, thả hồn theo từng cung bậc cảm xúc của những làn điệu đờn ca tài tử hay trải nghiệm du lịch sinh thái. Nếu có dịp, du khách hãy thử một lần ghé thăm nơi đây để hiểu thêm về vùng đất “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”./.

"Nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan và đưa du lịch sinh thái của tỉnh đến gần hơn với du khách, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch nói riêng và tỉnh nói chung nỗ lực tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hoàn thiện những công trình, dự án về du lịch. Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Làng nổi Tân Lập; Khu Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười;... được đầu tư, trang bị các hạng mục, dịch vụ phục vụ hoạt động du lịch sinh thái. Hy vọng đây sẽ là điểm tham quan đầy thú vị thu hút du khách". Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thành Thanh.

Huỳnh Hương
Theo Báo Long An

Bạn đang đọc bài viết "Khám phá những điều thú vị tại Long An" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.