Khám phá “Cửu vị thần công” thời Nguyễn ở Huế

01/07/2019 15:51

Theo dõi trên

Căn cứ vào hiện vật là các khẩu súng “thần công” thời nhà Nguyễn, đều đã ngoài 200 năm tuổi, thì nghệ thuật và kỹ thuật đúc đồng của người xưa đã đạt đến mức tinh xảo cực kỳ.



Cửu vị thần công đặt ở cửa Hiển Nhơn và Quảng Đức

Đến Huế, nếu không đi xem “Cửu vị thần công” danh tiếng lẫy lừng, để ghi lại vài bức ảnh kỷ niệm thì đúng là một thiếu sót không nhỏ. Ý thức được điều này nên các du khách nước ngoài, có bận bịu đến đâu, họ vẫn yêu cầu người hướng dẫn (HDV) đưa đến cửa Quảng Đức và cửa Thể Nhơn để xem “súng”.

Trong một ngày Chủ nhật trời quang đãng, đầy nắng và gió, tôi dạo một vòng đến thăm thú mấy “ngài” đại tướng quân, mà tiêu biểu nhất hạng không ai khác: là “Cửu vị thần công” (đúc vào năm1803 - 1804) đang “ngự” ở cửa  Thể Nhơn và Quảng Đức. Nếu bạn lần đầu đến thăm Huế thì nhớ lưu ý đây là đường một chiều, từ bên ngoài (đường Trần Hưng Đạo và Lê Duẩn) chỉ được đi vào Thành nội, khi đi ra thì phải theo đường Đinh Tiên Hoàng và ra cửa Thượng Tứ.

 


Trên thân súng đúc nổi hai hình đầu rồng, bên dưới có hai giá đỡ rất tinh xảo.

Muốn chụp vài tấm ảnh kỷ niệm bên “Cửu vị thần công” bạn phải chịu khó chờ đợi hơi lâu, bởi du khách, nhất là khách nước ngoài họ đi tới đi lui, sờ mó, rờ rẫm, ngắm nghía khá kĩ càng trước khi quay phim và chụp ảnh “các ngài”. Theo “Lịch sử triều Nguyễn” ghi chép rằng sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, vua Gia Long ra lệnh tập trung tất cả khí dụng bằng đồng tịch thu được, chọn các nghệ nhân đúc đồng giỏi nhất nước (làng nghề Đại Bái, Ngũ Xã, Phước Kiều, Diên Khánh) về kinh đô để đúc thành 9 khẩu thần công “làm kỷ niệm muôn đời” chiến thắng oanh liệt của mình.

Chưa hết, vào năm 1816, vua Gia Long còn sắc phong cho cả 9 “Ngài” (Cửu vị) danh hiệu: "Thần oai Vô địch Thượng tướng quân". Danh hiệu và nội dung bài sắc phong này được khắc rành rành trên cả 9 khẩu cho đến nay vẫn còn rõ ràng, và nhà vua lệnh đem “Cửu vị” đặt trước cửa Ngọ Môn, đến đời vua Khải Định mới dời ra chỗ Quảng Đức và Thể Nhơn như hiện nay. Cả chín khẩu súng nặng hàng chục tấn có một đội lính thường xuyên túc trực để bảo vệ. Hàng năm triều đình cấp tiền để tổ chức lễ cúng tế cho các “ngài”, có đủ cả trâu (hoặc bò), lợn và dê. Đến năm 1886 lễ cúng tế này mới bị triều đình bãi bỏ do ngân khố khó khăn về tài chính.



Các khẩu súng này chỉ dùng trong nghi lễ

Theo các nhà nghiên cứu Huế thì “Cửu vị” mỗi cây dài 5,1 mét và nặng khoảng 17.000 cân. Phía dưới các khẩu thần công là giá súng và bệ súng cũng được chạm trổ cực kỳ công phu và tỉ mỉ. Tên gọi theo 4 vị bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Ðông và 5 vị kia là ngũ hành: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Trên thân súng chạm trổ tỉ mỉ, khắc danh hiệu, vị thứ, trọng lượng, cách dùng súng, bài ký việc thu đồng đúc súng. Uy dũng như thế nhưng tất cả ‘ Cửu vị’ chưa từng ra chiến trường lần nào, chỉ có đứng “diễu võ dương oai” trấn giữ cổng cho kinh thành, và đến bây giờ làm “mẫu” cho du khách chụp ảnh lưu niệm. Trong dân gian ở Huế, người xưa còn kể rằng đứa trẻ con nào hay bị ốm đau, sài đẹn, dặt dẹo và khó nuôi thì cha mẹ sẽ bồng đến dâng lễ cúng “Cửu vị”. Rồi dứ dứ đứa trẻ vào trong miệng khẩu súng (rất lớn) làm phép rằng nó đã được các ngài tái sinh, từ đó về sau trẻ sẽ hết bệnh tật và khỏe mạnh.

Muốn “mục sở thị” đại bác thời Nguyễn nhiều hơn nữa thì vào “Bảo tàng Cung đình” ở số 3 đường Lê Trực, chỉ cách cửa Quảng Đức 500 mét. Trong sân nhà ‘”Bảo tàng” rộng lớn trưng bày những khẩu súng dài, ngắn đủ loại. thời Nguyễn mà các nhà khảo cổ nghiên cứu, phát hiện, sưu tầm được từ khắp nơi đem về.

 


Súng bắn đạn tròn làm bằng gang, có tầm bắn ngắn dưới 1.000m

Trên thân súng đều giống nhau, đúc nổi hai hình đầu rồng, bên dưới có hai giá đỡ để đặt súng vững vàng, chắc chắn trên bệ. Kỹ thuật đúc đồng thời đó đã rất tinh xảo, các đường viền sắc sảo nổi bật trên nền láng mượt không một tì vết. Có những khẩu miệng và thân súng lớn hơn. Thân súng để trơn và tạo dáng thô ráp rất mạnh mẽ. Kỹ thuật đúc đồng như thế dường như để phô trương khí thế hùng dũng của khí giới. Lại thấy những khẩu súng miệng rộng cực kỳ, dễ chừng trái đạn phải lớn bằng trái bóng đá. Thân súng ngắn cỡ 1 mét, đặt trên đế súng có bánh xe, chạm trổ hoa văn đẹp mắt. Tôi nghĩ các khẩu súng này chỉ dùng trong nghi lễ. Chủ yếu là dùng thuốc súng bắn ra tiếng nổ thật lớn chào mừng, vì theo kích cỡ và nòng súng thì không có thể bắn ra đạn thật.

Nói chung, những khẩu súng thần công bằng đồng giữ vai trò khá quan trọng trong đời sống chính trị, quân sự, quốc phòng của nhà Nguyễn, lại được triều đình tôn vinh và thần thánh hóa. Do đó đây là những di sản quý báu hấp dẫn, thu hút khá đông đảo du khách thăm Huế.

Vũ Hào
Theo baodulich.net.vn

Bạn đang đọc bài viết "Khám phá “Cửu vị thần công” thời Nguyễn ở Huế" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.