Khai thác Vịnh Hạ Long: cách nào tốt thì làm

01/08/2014 13:02

Theo dõi trên

Việc một doanh nghiệp đề nghị nhượng quyền khai thác Vịnh Hạ Long trong thời gian 50 năm đang dấy lên trong dư luận nhiều băn khoăn. Liệu di sản thế giới này sẽ được khai thác như thế nào, đem lại lợi ích cho cộng đồng ra sao hay lại trở thành “mỏ vàng” cho những ông chủ nhiều tiền.

Khai thác chưa hiệu quả

Với vẻ đẹp phong phú từ biển, núi, đến hang động… Vịnh Hạ Long có thể trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất cả nước nếu được khai thác hiệu quả. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, dịch vụ du lịch ở đây còn nghèo nàn, du khách đến vịnh Hạ Long chỉ ngủ một đêm trên tàu hoặc sáng đi rồi chiều về lại Hà Nội. Thậm chí, khách quốc tế theo tàu biển đến Hạ Long, cũng chỉ ghé vào buổi sáng, chiều lại nhổ neo… Ngoài chèo thuyền kayak (một loại thuyền nhựa nhỏ chèo trên vùng nước êm), các dịch vụ mang tính trải nghiệm như thể thao trên vịnh, câu cá, lặn biển… không phát triển. Đặc biệt, việc tiếp thị Vịnh Hạ Long ra nước ngoài trong thời gian qua vẫn chưa có chiến lược, chưa được thực hiện đồng bộ, bài bản.

Chưa có sản phẩm du lịch hấp dẫn giữ chân du khách, chưa khiến du khách sẵn sàng “móc hầu bao chi tiêu”…di sản Vịnh Hạ Long chưa được khai thác hiệu quả so với tiềm năng, vẻ đẹp và danh hiệu vốn có.

Cũng cần nói rõ hơn, chủ trương mời các doanh nghiệp vào đấu thầu thu phí, khai thác du lịch trên vịnh Hạ Long đã có từ năm 2013, tuy nhiên chưa có doanh nghiệp nào đề xuất, cho đến khi tập đoàn Bitexco lên tiếng, muốn nhượng quyền quản lý, thu phí vịnh Hạ Long.

Theo đó, tập đoàn này đề nghị nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch vịnh Hạ Long trong vòng 50 năm. Mục tiêu đặt ra của đề án nhằm phát triển Hạ Long thành điểm đến hàng đầu trong khu vực Đông Á và tạo thương hiệu du lịch đẳng cấp quốc tế cho vịnh Hạ Long; hướng tới khai thác, quản lý tổng thể, đồng bộ, chuyên nghiệp... Tập đoàn Tuần Châu cũng đã có công văn đề nghị UNBD tỉnh Quảng Ninh đề nghị cho phép tham gia đấu thầu quyền quản lý khai thác Vịnh Hạ Long.

Trước thông tin này, không ít người kỳ vọng sẽ có sự “đột biến” trong công tác quản lý, khai thác ở Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, cũng có nhiều băn khoăn, liệu di sản có bị tận thu, trở thành “mỏ vàng” cho các doanh nghiệp kiếm lợi.

Hiện, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh mới nghe Tập đoàn Bitexco trình bày, báo cáo về đề án quản lý, thu phí Vịnh Hạ Long chứ chưa có một quyết định gì. Ngoài ra, chủ trương của tỉnh Quảng Ninh là thực hiện hình thức hợp tác công- tư, quản lý, khai thác Vịnh Hạ Long sẽ áp dụng theo mô hình đầu tư công- quản lý tư nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long hiện nay. Phí thăm quan vịnh Hạ Long và kinh doanh dịch vụ cùng với việc bảo tồn di sản sẽ được tách bạch. Theo đó việc bảo tồn di sản sẽ giao cho Ban quản lý Vịnh Hạ Long, còn việc thu phí, dịch vụ kinh doanh sẽ để doanh nghiệp đấu thầu. Việc giao cho doanh nghiệp là quyền quản trị về thu phí và dịch vụ chứ không giao Vịnh Hạ Long cho doanh nghiệp.

Mô hình nào tốt thì làm

Theo ông Nguyễn Văn Đọc- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh trong cuộc họp báo về vấn đề này thì: “Quan điểm chung của tỉnh là tách toàn bộ mảng quản lý nhà nước và phát huy bảo tồn di sản, nâng cao chất lượng Vịnh Hạ Long. Mảng dịch vụ và khai thác, sẽ có một đơn vị chuyên nghiệp để nâng cao việc khai thác Vịnh Hạ Long”.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội Đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho rằng: “Việc khai thác, phát huy giá trị của di sản một cách có hiệu quả và chủ trương xã hội hóa nên khuyến khích thực hiện. Tuy nhiên, đề án của Bitexco phải được lấy ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia du lịch…để thấy được cái nào tốt, cái nào chưa tốt. Nếu tư nhân thực hiện tốt hơn thì sao không để tư nhân làm? Đây chỉ là ở phần dịch vụ khai thác. Còn công tác quản lý vẫn phải thuộc Nhà nước”.

TS Bài cũng nhấn mạnh: “Không nên độc quyền là công ty nào. Phải có đấu thầu và có đề án rõ ràng. Thêm nữa, quyết định này ảnh hướng đến nhiều người đã tham gia công tác dịch vụ tại Vịnh Hạ Long nên càng phải cân nhắc kỹ lưỡng. Đặc biệt, thời gian 50 năm là quá dài, phải tính toán lại”.

Vấn đề thời gian, theo nguyên tắc đầu thầu và chủ trương của tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ cho phép doanh nghiệp được “nhượng” quyền quản trị hoạt động dịch vụ du lịch ở vịnh Hạ Long không quá 10 năm. Tập đoàn Bitexco có đưa ra tên gọi là: Đề xuất phương án đầu tư, quản lý du lịch Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và đưa ra thời gian “nhượng” quyền 50 năm chưa hợp lý  tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu Bitexco sửa hoàn chỉnh để tỉnh sẽ xem xét lại.

Việc doanh nghiệp được nhượng quyền khai thác di sản đã không còn xa lạ trên thế giới và ngay tại Việt Nam. Di sản Angkor Wat của nước láng giềng Campuchia từng là nơi xảy ra nạn cướp cổ vật, cả thập kỉ không được ngành du lịch kiểm soát đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng thế giới sau khi một doanh nghiệp đứng ra “thuê” lại di sản. Còn ở ta, doanh nghiệp Xuân Trường cũng đang khai thác khu danh thắng Tràng An. Đương nhiên, nói như PGS.TS Đặng Văn Bài, không phải mô hình nào cũng có thể áp dụng nguyên mẫu cho mô hình khác, nên rõ ràng, rất cần một cuộc khảo sát, nghiên cứu nghiêm túc và hội thảo để tìm ra hướng khai thác hiệu quả di sản Vịnh Hạ Long.

Theo Báo Tổ quốc
Bạn đang đọc bài viết "Khai thác Vịnh Hạ Long: cách nào tốt thì làm" tại chuyên mục Địa phương. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.