Huỳnh Thúc Kháng: Tấm gương sáng ngời về nhân cách và trí tuệ của dân tộc Việt Nam

23/09/2016 08:55

Theo dõi trên

Trong thư gửi vĩnh biệt cụ Huỳnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà Cụ trước đây bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường gian nan cực khổ, nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của Cụ chẳng những không sờn, mà lại thêm cương quyết. Chính vì lẽ đó mà người dân Việt Nam vẫn gọi ông với cái tên trừu mến “Cụ Huỳnh”.

Nhiều hoạt động kỷ niệm 140 năm ngày sinh "Cụ Huỳnh"

Theo như kế hoạch, từ ngày 23 - 9 đến ngày 1 - 10 Bộ VH, TT&DL và tỉnh Quảng Nam (quê hương của cụ Huỳnh Thúc Kháng) sẽ phối hợp để tổ chức các hoạt động kỷ niệm 140 năm ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 


Họp báo giới thiệu các hoạt động Kỷ niệm 140 năm Ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (1876-2016) - Ảnh Cinet.vn

Cũng trong ngày 23 - 9 tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề Huỳnh Thúc Kháng với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam.

Ngoài ra, hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương xây dựng bộ phim tài liệu Huỳnh Thúc Kháng - Chí sĩ nhiệt thành lo nước thương dân, bộ phim sẽ được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam và các đài truyền hình địa phương trong dịp kỷ niệm.

Bên cạnh đó là các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích cấp quốc gia Nhà Lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng; các cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng; sưu tầm, trưng bày tài liệu về cụ;… 

Lễ kỷ niệm 140 năm ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng sẽ được tổ chức với quy mô quốc gia tại hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam vào ngày 1 - 10 tới đây. Đây chính là dịp để bày tỏ sự tri ân của Đảng và nhân dân ta đối với nhà trí thức yêu nước nước nhiệt thành, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng, đồng thời tạo điều kiện để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử đấu tranh bất khuất, kiên cường của các thế hệ cha, anh trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Học hành rất rộng, chí khí rất bền...

Ông sinh 1 tháng 10 năm 1876, là người làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước), tỉnh Quảng Nam.

Ông bắt đầu học chữ Nho từ năm 8 tuổi dưới sự dạy dỗ của người cậu ruột là Tế tửu quốc tử giám Nguyễn Đình Tựu, đổi tên là Huỳnh Hanh, tự là Giới Sanh. Năm 13 tuổi đã văn hay chữ tốt. Năm 1900, ông đậu Giải nguyên kỳ thi hương năm Canh Tý 1900, được xưng tụng là một trong Thập Ngũ Phụng Tề Phi của đất Quảng Nam xưa. Năm 1904, ông đỗ Đệ Tam giáp tiến sĩ đồng xuất thân.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cụ đã giữ nhiều chức vụ quan trọng khác nhau như: Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thành viên Chính phủ, Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, Chủ nhiệm kiêm chủ bút Báo Tiếng dân, Quyền Chủ tịch nước trong thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp, Chủ tịch Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, Đặc phái viên Chính phủ tại miền Trung,… Với cương vị nào, Cụ cũng tỏ rõ lập trường kiên quyết và dồn hết tâm lực và trí tuệ để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, góp phần to lớn trong công cuộc bảo vệ và giữ gìn độc lập dân tộc.

Ngoài ra, ông còn là một nhà thơ, một nhà nghiên cứu văn học và lịch sử. Ông còn có nhiều bút danh khác như: Sử Bình Tử, Tha Sơn Thạch, Khi Ưu Sinh, Xà Túc Tử, Thức Tự Dân, Ưu Thời Khách, Hải Âu, Ngu Sơn, Khách Quan.

Để tỏ lòng biết ơn và ghi nhận công lao của Cụ đối với dân tộc Việt Nam Ngày 19 tháng 2 năm 2013, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định truy tặng Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước cho Cụ Huỳnh Thúc Kháng.


Linh Linh (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Huỳnh Thúc Kháng: Tấm gương sáng ngời về nhân cách và trí tuệ của dân tộc Việt Nam " tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.