Huyền thoại về nghĩa sỹ Cần Vương đạn bắn không xuyên

07/03/2017 16:04

Theo dõi trên

Theo truyền thuyết dân gian, trong người Đốc binh Lang Văn Thiết luôn mang theo một vật hộ thân gọi là “chộng khụt”. Nhờ đó không cung tên, súng đạn nào có thể hại được ông.

Theo sử sách thì Đốc binh Lang Văn Thiết là một trong số rất ít nghĩa sỹ người dân tộc thiểu số hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, khởi binh chống Pháp cuối thế kỷ 19. Người bản địa quen gọi ông là Đốc Thiết.

Đốc Thiết sinh năm 1850 ở bản Chiềng, làng Gia Hội, tổng Đồng Lạc nay là xã Châu Hội huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Là con nhà gia thế, từ thời trẻ Đốc Thiết giao du rộng rãi với các chức sắc phong kiến miền tây bắc Nghệ An và tây Thanh Hóa. Ông có công lãnh đạo người dân chống nạn người Xá xâm lấn.



 
Khu tưởng niệm Đốc binh Lang Văn Thiết ở xã Châu Hội huyện Quỳ Châu. Di tích này được bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1998. Ảnh: Trần Ngọc Lan.

Trong chuyến đi sang Trung Quốc, vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết dừng chân ở doanh trại của Đốc Thiết. Tại đây nhà vua đã giao nhiệm vụ cho ông phối hợp cùng nghĩa quân của Cầm Bá Thước ở miền núi Thanh Hóa nổi dây chống Pháp.

Cuộc khởi nghĩa do Đốc binh Lang Văn Thiết lãnh đạo cuối cùng đã bị chính quyền phong kiến – thực dân tắm máu. Đốc Thiết bị sát hạ hại tại làng Thanh Nga (xã Châu Nga – Quỳ Châu ngày nay) khi mới 47 tuổi. Tên ông hiện được đặt cho một con phố ở TP Vinh (Nghệ An).

Trong dân gia ngày nay vẫn truyền tụng nhiều có những giai thoại mà ở đó, Đốc Thiết là một anh hùng có sức mạnh vô song. Những huyền tích có phần khác so với sử sách ghi lại. Nhưng qua đó ta có thể thấy được sức sống bền lầu của hình tượng người anh hùng Lang Văn Thiết.

Bà Sầm Thị Khiêm trú bản Xăng 2 xã Châu Bính huyện Quỳ Châu dược dân bản xem như nguồn tư liệu sống về tri thức dân gian của cộng đồng. Bà nhớ được hang tram truyện dân gian, trong đó có cả chuyện về dân gian về Đốc Thiết.

Bà Khiêm ngày trước người Thái ở Quỳ Châu xưa có truyền tụng “Lai Đốc Thiết”. (truyện Đốc Thiết). Trong truyện này Đốc Thiết không cầm quân chồng Pháp mà đánh giặc Hoàn, Thưa. Đây là một bộ tộc thiện chiến chuyên cướp bóc các làng bản miền núi do hai người tên là Hoàn và Thưa đứng đầu.

Đốc Thiết luôn mang theo trong người một vật hộ thân gọi là “chộng khụt”. Nhờ thứ thần kỳ này mà ông có sức mạnh vô song, không gươm giáo, cung tên nào có thể hại được. Nhờ “chộng khụt” cùng sợ hỗ trợ của một đội quân ông đã đánh tan được “giặc Hoàn, Thưa”.




Ngôi mộ Đốc Thiết. Theo truyền thuyết thì ông bị sát hại ở làng Thanh Nga cách đó gần 10km. Sau này, con cháu của ông đã chuyển phần mộ về vị trí hiện tại. Ảnh: Trần Ngọc Lan.

Theo lời kể của bà Khiêm thì tù trưởng của bộ tộc Hoàn, Thưa là Hiền Mương (chủ mường) vùng Quỳ Châu ngày nay và có cuộc đời éo le đến nỗi phải trốn sang Lào sinh sống và lập nên một bộ tộc chuyên cướp bóc. Sau này thuộc hạ của ông ta xua quân về quê hương cũ cướp phá, giết hại người lành.

Đồn của Hoàn, Thưa ở cánh đồng Tổng Tàu thuộc xã Châu Tiến huyện Quỳ Châu này nay. Lúc đó ông Lang Văn Thiết giữ chức Đốc binh ở trong vùng mới cầm quân đi đánh dẹp. Ông tuyển chọn những người giỏi võ nghệ, gan dạ trong vùng ngày đêm luyện tập để chuẩn bị đánh trận. Sau cùng Đốc Thiết chỉ chọn 3 người cùng mình đi đánh úp đồn giặc. Một người là quan Thừa phái, 2 người còn lại là lý trưởng tên là Phu và Quỳnh.

Nhờ có sự bảo vệ của “chộng khụt”, đội quân 4 người của Đốc Thiết đã đánh cho toán quân cướp bóc phải bỏ đồn rời đi. Sau khi trở về, Đốc Thiết nghĩ rằng, giặc sẽ quay lại báo thù. Ông liền đem theo vợ con trốn sang quê vợ ở miền tây Thanh Hóa. Lý Quỳnh và vị Thừa phái họ Sầm đưa gia đình Đốc Thiết trốn đi.

Trên đường chạy đến vùng giáp ranh với Thanh Hóa, Đốc Thiết chợt xây xẩm mặt mày và chảy máu cam. Ông biết số mệnh mình đã tận liền giao vợ con cho Lý Quỳnh và dặn: “Tôi biết mình sẽ chết. Anh hãy đưa vợ con tôi về họ ngoại, đừng để  dòng giống tuyệt tự. Rồi anh hãy lấy vợ tôi, thay tôi yêu thương, săn sóc.”

Đốc Thiết trở về đến Mường Mừn (xã Châu Nga – Quỳ Châu ngày nay) thì dừng nghỉ qua đêm trong một căn nhà sàn. Tối đó, trong lúc Đốc Thiết chủ quan, trút bỏ kiếm và “chộng khụt” đi ra ngoài thì bị bắn chết. Lúc đó tướng giặc bắt quân lính cắt lấy đầu Đốc Thiết đem treo trên cây táo. Ngày nay nơi là khu di tích Đền thờ Đốc Thiết ở xã Châu Hội (Quỳ Châu).




Cạnh ngôi mộ của Đốc binh Lang Văn Thiết là cây táo, tương truyền là nơi người Pháp đã cho treo thủ cấp của ông để thị uy. Theo người dân bản địa cây táo này có sức sống mạnh mẽ.. Nó đã nhiều lần bị đốn hạ nhưng đã mọc lại chỉ sau một thời gian ngắn. Ảnh: Trần Ngọc Lan.

Người dân Phủ Quỳ Châu còn truyền tụng khá nhiều câu chuyện về Đốc Thiết hầu hết đều mang màu sắc huyền thoại. Người ta kể rằng trên người Đốc Thiết lúc nào cũng mang theo thứ bùa phép khiến ông trở nên mình đồng da sắt, súng đạn, cung tên không bắn thủng. Ngoài ra còn chuyện Đốc Thiết đánh nàng Xanh Hanh, tuy là nữ nhưng có sức khỏe hơn người, chuyên gây điều ác.  

Hàng năm vào ngày thương binh – liệt sỹ (27/7) chính quyền địa phương vẫn tổ chức cho các em học sinh chăm ngoan, học giỏi tề tựu về di tích mộ Đốc Thiết để ôn lại truyền thống oai hùng trong công cuộc giữ nước của người vùng cao xứ Nghệ.


Hữu Vi

Nguồn: Báo Nghệ An
Bạn đang đọc bài viết "Huyền thoại về nghĩa sỹ Cần Vương đạn bắn không xuyên" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.