Huyện Bá Thước: Đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Mường Khô và khai hội Lễ hội Mường Khô năm 2024

29/02/2024 09:33

Theo dõi trên

Tại sân vận động thôn Mường Do, xã Điền Trung, UBND huyện Bá Thước (Thanh Hóa) tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Mường Khô và khai hội Lễ hội Mường Khô năm 2024.

muong-kho-190224-1709173954.jpg
Gần 300 thiếu nữ Mường mặc trang phục truyền thống mang theo gần 300 chiếc cồng vừa đi, vừa diễn tấu, hát múa. Ảnh tư liệu: TTXVN

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng trao Chứng nhận công nhận Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Mường Khô cho lãnh đạo huyện Bá Thước và xã Điền Trung.

Lễ hội Mường Khô năm 2024 diễn ra trong 2 ngày 18-19/2 có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần của nhân dân xã Điền Trung nói riêng và người dân huyện Bá Thước nói chung. Việc Lễ hội Mường Khô được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Đến với lễ hội Mường Khô 2024, du khách được hòa mình vào không khí nhộn nhịp của phiên chợ vùng cao, được thưởng thức những món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường như: rượu cần, cơm lam, canh đắng…, những trò chơi, trò diễn đặc sắc như tung còn, chơi mảng, chọi gà, đánh đu, đánh cồng chiêng.

Đặc biệt, trong khuôn khổ Lễ hội có hoạt động trình diễn Séc bùa và màn hòa tấu của 460 cồng, chiêng. Các thiếu nữ Mường trong sắc phục dân tộc mang theo 460 chiếc cồng, chiêng vừa đi vừa diễn tấu, hát múa đã tạo nên tiết mục hợp xướng quy mô lớn, mang đậm bản sắc dân tộc, thu hút nhiều người xem. Tiếng cồng chiêng vang vọng giữa không gian núi rừng là một trong những thứ không thể thiếu trong lễ hội Mường Khô, thể hiện sức mạnh và khát vọng của bà con xứ Mường.

Vùng đất Mường Khô là nơi cư trú của dòng họ Hà Công, một trong những dòng họ có uy tín của người Mường. Thời vua Gia Long, vua Minh Mạng, ông Hà Công Thái có công đánh giặc ở trấn Hưng Hóa và dẹp giặc cỏ ở vùng biên giới Việt - Lào, đặc biệt là giúp nhà Nguyễn thống nhất giang sơn. Ông Hà Công Thái được triều đình phong tước Quận công, có quyền cai quản từ dốc Eo Lê, chợ Mầu, chợ Bãi, Mường Ne cho đến ngọn nguồn sông Mã.

Lễ hội Mường Khô lúc đầu chỉ là việc thờ cúng của gia đình, một dòng họ, sau trở thành lễ hội lớn của cả một vùng, thể hiện nét đẹp trong đời sống tình cảm, tâm linh của đồng bào dân tộc Mường ở vùng cao xứ Thanh. Ngày nay, Mường Khô được chia tách thành 4 xã Điền Trung, Điền Lư, Điền Quang, Điền Hạ của huyện Bá Thước. Vùng đất Mường Khô còn lưu giữ được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Mường, các lễ hội tâm linh, các trò chơi, trò diễn dân gian nhạc cụ cồng chiêng...

Thành thông lệ, cứ đến ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm, người dân làng Muỗng Do, xã Điền Trung và các vùng lân cận huyện Bá Thước lại tổ chức Lễ hội Mường Khô để tri ân Quận công Hà Công Thái và các vị tướng dòng họ Hà đã có công dẹp loạn ở vùng biên giới phía Tây tỉnh Thanh Hóa.

X.V
Bạn đang đọc bài viết "Huyện Bá Thước: Đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Mường Khô và khai hội Lễ hội Mường Khô năm 2024" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.