Hướng đi nào để bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống trong dòng chảy đương đại

27/05/2023 15:10

Theo dõi trên

Câu chuyện bảo tồn và làm mới âm nhạc truyền thống sao cho đúng hướng trong dòng chảy đương đại vẫn là băn khoăn của giới nghiên cứu và cả những người trong nghề. Nhiều ý kiến cho rằng, để âm nhạc truyền thống được lưu giữ lâu bền cần có sự kết hợp của nhiều bên liên quan, tổ chức nhiều các cuộc liên hoan, sân chơi…

vna-u3464634-1685174912.jpg
Tiết mục biểu diễn âm nhạc truyền thống kết hợp với hiện đại của dự án Nhã âm

Đưa âm nhạc truyền thống vào trường học

Hiện nay, âm nhạc truyền thống đang phải đối mặt với những thách thức của thời đại, thế hệ trẻ chưa quan tâm nhiều đến âm nhạc truyền thống, bởi ngày nay đất nước chúng ta đang du nhập rất nhiều các thể loại âm nhạc khác nhau, sôi động, hiện đại nên dễ dàng thu hút giới trẻ thưởng thức. Chính vì thế, âm nhạc truyền thống đang có sự "lép vế" hơn so với các loại hình nghệ thuật khác, vậy làm thế nào để cho giới trẻ quan tâm đến âm nhạc truyền thống cũng là một vấn đề chúng ta lưu tâm.

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan chia sẻ: "Ngày nay, việc truyền dạy âm nhạc truyền thống tại các địa phương gặp nhiều khó khăn, những làn điệu dân ca đã được tạo dựng và gìn giữ từ bao thế hệ cha ông giờ chỉ còn được kế thừa ở những nghệ nhân lớn tuổi. Mặc dù nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ, vẫn có thái độ trân trọng di sản âm nhạc dân gian truyền thống của quê hương nhưng không có khả năng diễn xướng những giai điệu đó một cách chính xác và đúng phong cách.

Chính vì thế, tôi cho rằng, để có thể nối tiếp được những làn điệu tinh hoa của dân tộc, chúng ta cần phải tập trung tổ chức các lớp truyền dạy, tổ chức các lớp tại địa phương để những nghệ sĩ trẻ hát hay, đàn giỏi truyền dạy lại cho các em nhỏ hơn. Bởi nghệ thuật dân gian là nghệ thuật truyền khẩu, nghệ thuật tự cọ sát, tự sáng tạo".

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long chia sẻ, muốn bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống cần phải bắt đầu từ giáo dục. Giáo dục không nhất thiết phải gò bó vào một cái gì đó quá cứng nhắc mà cần thật thoải mái, nhưng phải nằm trong quy định của các bộ môn học. Ví dụ như các em học lịch sử, cứ thỉnh thoảng có một tốp ngồi vòng tròn xung quanh một ông giáo để kể những câu chuyện lịch sử, đấy cũng là giáo dục. Hay ở địa phương có nghệ thuật truyền thống nào thì hãy cho các em làm quen bằng các tiết học ngoại khóa truyền thống đó. Ví dụ các em ở Bắc Ninh thì buộc phải học quan họ. Từ đó, ngành Văn hóa và Giáo dục cùng nghiên cứu để cho thật hấp dẫn và phù hợp với các em.

"Khi âm nhạc truyền thống được nằm trong giáo trình cũng giống như việc chúng ta đào tạo các môn kỹ năng để các em biết được giá trị của nó. Qua đó, khi các em lớn lên, dù khám phá điều mới lạ nhưng không quên giá trị truyền thống. Thậm chí, kể cả khi các em khám phá cái mới lạ nhưng đến một thời điểm nào đó nhìn lại và sẽ nhận ra rằng âm nhạc truyền thống Việt Nam rất là thú vị. Tôi nghĩ nếu giới trẻ có điều kiện tiếp xúc nhiều thì nhiều bạn trẻ sẽ không từ chối nghệ thuật truyền thống đâu. Và nếu họ thích với tâm thế thưởng thức nghệ thuật thì sẽ là cách bảo tồn thiết thực nhất" - nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long nhấn mạnh.

Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam Cồ Huy Hùng cho biết: "Để âm nhạc truyền thống có sức sống lan tỏa hơn nữa trong xã hội, cũng như thu hút được nhiều thế hệ trẻ theo đuổi thì phải đưa âm nhạc truyền thống vào giảng dạy trong nhà trường ngay từ bậc tiểu học. Từ đó giúp các em hiểu về ý nghĩa cũng như gắn bó, học hỏi lâu dài với bộ môn này. Tôi thấy như trường Đại học FPT đã đi đúng hướng khi đưa âm nhạc truyền thống trở thành môn học bắt buộc tại nhà trường. Trong quá trình học hỏi đó, đã phát hiện ra rất nhiều sinh viên tài năng trong việc sử dụng và chơi nhạc cụ truyền thống".

vn-23634636737-1685174951.jpg
Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam Cồ Huy Hùng có niềm đam mê với đàn nguyệt

Tổ chức nhiều sân chơi cũng như các cuộc liên hoan

Với nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, âm nhạc truyền thống không phải là âm nhạc biểu diễn mà là âm nhạc sinh hoạt. Nếu không hoạt động trong đời sống, âm nhạc truyền thống sẽ dần biến mất. Còn nếu con người tạo ra được điều kiện sinh hoạt thì sự "sống" lại của âm nhạc truyền thống cũng là lẽ đương nhiên.

Qua đó, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cho rằng, biện pháp quan trọng nhất, để âm nhạc truyền thống tồn tại và phát triển trong cộng đồng, phải tổ chức các buổi biểu diễn, liên hoan, tạo ra các sân chơi để quần chúng tham gia, thưởng thức. Chúng ta có thể tổ chức các liên hoan cấp tỉnh, cấp huyện và cấp quốc gia để khích lệ người yêu âm nhạc một cách mạnh mẽ và lớn nhất. Bởi đằng sau sự trình diễn trong các cuộc liên hoan của cộng đồng là sự háo hức của những người yêu nghệ thuật khi biết sắp có liên hoan. Họ rất náo nức, hồi hộp với công tác chuẩn bị, "bếp núc" của hậu trường… Cái quá trình tập luyện đó chính là sự phục hồi lại và nó làm cho nghệ thuật mới mẻ hơn

Và để thực hiện được điều này rất cần có sự vào cuộc của truyền thông. Truyền thông đây không phải là cung cấp và đưa thông tin mà tạo ra nhiều sân chơi cho các thể loại âm nhạc, nghệ thuật truyền thống. Có được sân chơi trên truyền hình thì cộng đồng cùng được thưởng thức, cùng với đó là sự phấn khởi của người được trình diễn trên truyền hình để bản làng xem, con cháu xem, dân mình xem… Tâm lý của người dân, sự khát khao của người dân được biểu diễn trên truyền hình là rất lớn. Khi sân chơi được tổ chức càng nhiều thì người dân càng quan tâm và người tham gia các loại hình âm nhạc truyền thống sẽ càng đông.

"Chúng ta tổ chức được nhiều hơn nữa các sân chơi, ca hát cộng đồng với các quy mô khác nhau, chúng ta sẽ càng kích động và tập hợp được nhiều hơn nữa lực lượng thế hệ trẻ tham gia. Ở đó, họ chính là người chơi, là nghệ sĩ và là người biểu diễn, góp phần tạo nên một sân khấu vô cùng hấp dẫn. Hơn hết, người trẻ biểu diễn sẽ thu hút được người trẻ đến xem. Điều này đang dần được chứng minh qua các câu lạc bộ nghệ thuật hiện nay" – nhạc sĩ Đặng Hoành Loan nhấn mạnh.

v-23634634734-1685174982.jpg
Câu lạc bộ hát Xẩm của dự án Chèo 48h

Tuy nhiên, hiện nay, âm nhạc truyền thống vẫn đang đứng trước nguy cơ thiếu nguồn nhân lực kế cận bởi thế hệ trẻ bây giờ có nhiều lựa chọn, các em sẽ nhìn vào đầu ra để chọn lựa ngành nghề mình theo đuổi. Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam Cồ Huy Hùng cho biết: "Đây là một thách thức với chúng tôi, những người đang làm đào tạo cho môn nghệ thuật này. Nhưng tôi tin tưởng rằng, nếu cứ yêu nghề, cứ đam mê, say sưa thì sẽ có ngày "đơm hoa kết trái". Sinh viên của khoa Âm nhạc truyền thống ra trường không nhất thiết phải vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, họ có nhiều cách để cống hiến, làm nghề, sống bằng nghề nếu thực sự có tài, có tâm.

Các em sinh viên ở đây có thể đi diễn thêm ở ngoài, ra trường các em có thể làm việc ở các đoàn nghệ thuật, nhà văn hóa, cung thiếu nhi hay đi dạy. Không phải cứ học đàn là chỉ biết đánh đàn, các em có thể làm biên tập, dàn dựng,… vì trong quá trình giảng dạy chúng tôi đã trang bị đầy đủ những kiến thức này cho các em"- ông Cồ Huy Hùng nhấn mạnh.

Ông Cồ Huy Hùng cho rằng, các cấp lãnh đạo có những chủ trương, định hướng cho sự phát triển âm nhạc truyền thống rõ hơn nữa bằng việc đầu tư, khuyến khích các nhạc sĩ sáng tác nhiều tác phẩm dân tộc mang hơi thở đương đại, quảng bá để âm nhạc truyền thống đến được với khán giả. Đồng thời, vẫn cần đến sự đầu tư đúng mức để các nghệ nhân, nghệ sĩ - những người đang trực tiếp lưu giữ những giá trị truyền thống vững tâm hơn vào con đường mình đã lựa chọn. Để từ đó, âm nhạc truyền thống sẽ ngày càng phát triển hơn, xứng với tầm vóc của một nền văn hóa lâu đời của dân tộc.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long cho biết: "Chúng ta cần phải quan tâm hơn đến các nghệ sĩ của âm nhạc truyền thống, bởi hiện nay, do nhiều yếu tố tác động mà các nghệ sĩ của âm nhạc truyền thống chưa có sự an tâm với nghề, hay nói cách khác họ vẫn còn trăn trở về bài toán của thị trường. Họ phải đấu tranh để tồn tại với nghề hay không gắn bó với nghề nữa. Chúng ta nên có những chính sách thích hợp để nghệ sĩ yên tâm cống hiến. Đồng thời, cần quan tâm hơn các hoạt động các nhóm, các câu lạc bộ, nhóm chèo, xẩm, ca trù, tuồng... ở các địa phương có nghệ thuật truyền thống với nghệ nhân và giới trẻ".

Có thể nói, để bảo tồn những giá trị của âm nhạc dân tộc và phát huy trong thời đại mới thì bên cạnh sự sáng tạo không ngừng của nhiều thế hệ nghệ sĩ, còn có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa cho những người làm nghề của các Bộ, ban ngành thông qua chính sách, đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật truyền thống. Với sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, văn nghệ sĩ và cộng đồng sẽ giúp âm nhạc truyền thống sẽ tiếp tục phát triển, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Hướng đi nào để bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống trong dòng chảy đương đại" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.