Hộp cơm thịt chuột

18/09/2022 10:54

Theo dõi trên

Tôi lấy làm lạ trước bữa ăn chỉ có chút rau, thịt và bát nước lạnh trong veo của Lầu Y Mái và chúng bạn.

2-1663293951.jpg
Có những bản làng vùng cao, học sinh từng ở trong những lán tạm để đi học - Ảnh minh họa

Y Mái gần 19 tuổi, học lớp 12 ở thị trấn Mường Xén, huyện vùng cao Kỳ Sơn, Nghệ An. Cô gái có mái tóc dài, mắt một mí, đận quần bò, sơ mi chào và hỏi tôi có phải đang đi tìm phòng trọ. Cô nói cạnh đó còn trống một phòng. Có lẽ chiếc ba lô và dáng vẻ bỡ ngỡ khiến cô nhầm tôi với một anh chàng từ miền xuôi lên tìm việc gì đó làm. Có khi chỉ cô gái bất ngờ thấy người lạ mà bối rối hỏi vậy cho có chuyện. Tôi bảo chỉ là đến thăm người bạn làm giáo viên ở bên hàng xóm nhà cô.

Đã chạng vạng tối. Theo lời mời của Y Mái và mấy người bạn có cả trai lẫn gái ở khu trọ, tôi bước vào căn phòng. Một gã phóng viên thử việc có chăng cũng chỉ chững chạ hơn lũ học trò tại khu trọ một chút. Đám thanh niên nhanh chóng xem tôi như bạn cùng trang lứa. Qua vài câu chuyện Lầu Y Mái thổ lộ cô đến từ bản người Mông ở xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn.

Cách trường gần 40km, Lầu Bá Mai. Cậu chàng học sau Y Mái 1, 2 năm gì đó nói thêm.

Trong lúc chuyện trò, nhím học sinh ở xóm trọ chuẩn bị bữa tối. Tôi lôi chiếc máy chụp hình du lịch ghi lại cảnh lũ trò nấu ăn trong căn bếp củi cuối dẫy phòng. Bữa ăn có ít thịt, rau cha mẹ gửi cho.

Giữa mâm cơm của nhóm học trò là một bát nước lạnh to tướng.

Điều này gây ấn tượng mạnh với tôi, một gã viết về văn hóa, xã hội miền núi, nhưng chỉ mới có những tiếp xúc ban đầu với người Mông. Tôi hỏi về bát nước lạnh. Không có rau, thịt để nấu hay sao? Lũ trò bảo bọn em ăn vậy đấy. Đúng nguyên văn là “bọn em ăn rứa đó”. Một người trong nhóm diễn đạt bằng tiếng Kinh hơi lơ lớ.

Câu chuyện về bát nước lạnh của bầy trẻ vùng cao đã đi vào một bài báo của tôi. Đó là những bài đầu tiên tôi viết về người Mông ở miền núi Nghệ An. Tôi có nói đại ý trong bài rằng vì hoàn cảnh khó khăn, thị trấn đất chật người đông, cha mẹ gửi ít tiền, các em học sinh đã phải “ăn cơm với nước lạnh”.

Đó là một nhầm lẫn. Lỗi do tôi không tìm hiểu ra đầu ra đũa.

Về sau tôi lấy làm xấu hổ với bài báo đã hơn 10 năm về trước. Nhưng rồi tôi cũng nhận ra mình không phải người nhầm lẫn duy nhất. Không chỉ có tôi đem câu chuyện như vậy đăng lên báo. Có một vài phóng viên khác khi viết về học sinh người Mông cũng nhấn vào cái bát nước lạnh trong bữa ăn của các học trò nơi lán trọ.

Một thời gian không lâu sau, bài báo kể trên đã khiến tôi xấu hổ. Đó là những lần đến các bản người Mông ở Na Ngoi, Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn. Ăn cùng người bản, tôi thấy hầu như nhà nào cũng để một bát nước lạnh giữa mâm cơm. Dù có mâm cao cỗ đầy đến mấy thì nhiều người thuộc cộng đồng dân tộc Mông ở Nghệ An vẫn để bát nước lạnh giữa mâm cơm. Trong khi ăn, thỉnh thoảng lại múc một thìa, như người miền xuôi uống nước canh vậy.

Một già bản ở gần nhà Y Mái nói rằng không chỉ người Mông xứ này. Ông từng qua nhiều vùng miền, thấy cộng đồng người Mông có ăn uống như vậy.

Lúc ấy tôi mới biết rằng, ăn cơm với nước lã chỉ là thói quen, nó chẳng liên quan gì đến chuyện sướng khổ. Chỉ là tôi không hiểu tập tục cho rằng ăn vậy là khổ lắm.

Chuyện lâu rồi và tôi cũng quên béng bài báo ngày nào. Thế nhưng mấy ngày trước, một sự kiện trên mạng xã hội khiến tôi nhớ lại chuyện cũ. Đó là “trend” về hộp cơm thịt chuột. Nghe đâu, một số học sinh ở Nam Giang, Quảng Nam phải dùng những bữa ăn chỉ có cơm với thịt chuột được chế biến khá sơ sài. Có người dùng mạng xã hội cho đó là chuyện gây “rớt nước mắt”. Chính quyền huyện Nam Giang sau thì nói với báo chí là không hề có chuyện như vậy. Bức ảnh lan truyền trên mạng thực ra đã có từ 3 năm về trước.

Nhưng tôi thì cho rằng nếu có đúng là món thịt chuột trong hộp cơm của học sinh như trong ảnh cũng không phải là chuyện đáng lưu tâm. Nhiều người dùng mạng xã hội có lẽ cũng như tôi chẳng hiều về tập tục ăn uống của các cộng đồng thiểu số mà ngộ nhận rằng ăn cơm với nước lã hay thịt chuột là kham khổ, đáng thương. Thậm chí có người lên án cả ngành giáo dục địa phương rằng như vậy là có lỗi với các em.

Thịt chuột lại là món khoái khẩu của không ít cộng đồng thiểu số. Có người không để ý. Có thể người ta cố tình làm vậy để thu hút chú ý trên mạng. Và dù còn những tranh cãi rằng ăn thịt thú rằng là không nên, dễ lây nhiễm bệnh dịch. Nhưng với nhiều cộng đồng thiểu số thì ăn thịt chuột, sóc, chim thú rừng là thói quen truyền thống mà đến giớ nhiều cộng đồng thiểu số vẫn duy trì.

Nam Giang là huyện biên giới của tỉnh Quảng Nam, phía Tây giáp nước bạn Lào. Đây là chốn cư ngụ lâu đời của người Cơ Tu và Giẻ Triêng. Để làm rõ hơn tôi liên lạc lại với một người bạn học chung đại học quê xã Chà Vàl, huyện Nam Giang. Từ nhiều năm nay, cô phóng viên nhà đài này lặn lội khắp các vùng đất quê hương Quảng Nam lại là người bản địa nêm rất rõ tập tục cũng như ẩm thực ngượi thiểu số nơi đây. Cô bảo ở Nam Giang, người Cơ Tu và Giẻ Triêng đều coi thịt chuột như một thứ thực phẩm bình thường.

Lúc này tôi chợt nghĩ liệu khi biết về thú nhận này, Lầu Y Mái có cười tôi không nhỉ. Cũng như lúc này đây, tôi có cười nhẹ, cười tủm tỉm về câu chuyện hộp cơm thịt chuột trên không gian mạng.

Hữu Vi
Bạn đang đọc bài viết "Hộp cơm thịt chuột" tại chuyên mục Phát triển. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.