Hồng Nhu văn dậy hồn xưa đầm phá

26/06/2017 16:23

Theo dõi trên

Sinh năm Nhâm Thân (1932), tính theo tuổi mụ, năm nay nhà văn Hồng Nhu bước sang tuổi 86, thuộc vào hàng “cây đa, cây đề” của làng văn Thừa Thiên Huế.



Nhà văn Hồng Nhu

“Thắp hương khấn vái xong, ông già lại hô:

-  Xuống đầm!

Đôi trai gái đến nhót từ trong thau ra mỗi người một con cá ngậm ngang mồm, trút bỏ áo quần, trần truồng dắt tay nhau xuống nước. Hai con cá ấy là lễ vật dâng thần đầm. Chúng sẽ chứng kiến cái giờ phút thiêng liêng hòa nhập vào làm một của đôi vợ chồng mới cưới, ngay trong lòng nước...

Cuộc giao phối xong, đôi trai gái mới được há miệng. Hai chú cá liền bơi đi. Thế là kết thúc buổi tân hôn” (“Lễ hội ăn mày”).

Sau ba lần tai biến, từ đầu năm nay, nhà văn Hồng Nhu không viết nữa. Bây giờ, buổi sáng ông chậm rãi đi ra quán cà phê đầu ngõ, nhìn ngắm thiên hạ rồi về nhà. Ông nói chuyện hơi khó khăn nhưng vẫn dí dỏm khi nghe tôi hỏi về lễ hợp cẩn của người dân đầm phá quê hương ông: “ Xưa là vậy đó. Bây giờ không ai làm lễ vậy nữa”. Trong ánh mắt gói ghém nét cười tinh nghịch, tôi như thấy cả một vùng đầm phá Cầu Hai mênh mông quê ông, làng Mỹ Lợi - xã Vinh Mỹ - huyện Phú Lộc. Trên mặt đầm mênh mông ấy, như còn thấy rõ hình ảnh anh vạn chài nghèo khổ “vạm vỡ, có vẻ bặm trợn nhưng hiền như cọng rong” - những chàng trai ấy nghèo đến nỗi phải lên bờ đi bắt vợ, nếu không họ sẽ chết già vì gái trên bờ không ai dám lấy họ cả và họ cũng tin rằng Hà Bá cho phép họ làm như vậy.

Người ta bảo Hồng Nhu là nhà văn đầm phá, tôi nghĩ những trang viết của ông còn mang thêm một giá trị nữa, đó là giá trị tư liệu về những phong tục, nếp sống của người dân vùng nước lợ này thời cách đây gần một trăm năm và có thể hơn thế nữa. Nhiều phong tục nay không còn như lễ hợp cẩn dưới nước, lễ nhập vạn chài, lễ dâng thần đầm, đặc biệt là lễ hội dành cho người ăn mày tứ xứ vào ngày mồng 2 Tết của bà con làng Mỹ Lợi mà ông viết thành truyện ngắn “Lễ hội ăn mày”.

Có thể nói “Lễ hội ăn mày” là đỉnh cao của Hồng Nhu khi viết về đề tài đầm phá. Ở đó, người đọc nhận ra những phong tục làm nên đời sống tâm linh thiêng liêng và nhân bản, làm nên nét văn hóa độc đáo của người dân đầm phá. Những mâm cơm tình nghĩa không chỉ là để ăn cho no mà còn thể hiện sự tôn trọng dành cho người nghèo khó, lang thang cơ nhỡ: “Từ tinh sương, các gia chủ trong làng, mỗi nhà một mâm cỗ, to nhỏ tùy theo hoàn cảnh và lòng thiện của từng nhà, bưng ra bày ở chợ Cồn, kèm theo mâm cỗ là những câu đối chúc tết, bộ bài thẻ ghi phúc - lộc - thọ hoặc phú – quý - an... Chủ lễ do dân làng cử ra hàng năm, thường là một cụ già. Cụ khăn áo đàng hoàng làm nhiệm vụ khấn vái thổ thần phù hộ cho những người nghèo đói bất hạnh phải lâm vào cảnh ăn mày ăn xin được may mắn, mau chóng thoát cảnh đầu đường xó chợ, sống có cửa nhà, có cái ăn, cái để...” (“Lễ hội ăn mày”).




Những tác phẩm của nhà văn Hồng Nhu

“Khu vực chợ Cồn nơi diễn ra lễ hội ăn mày đó bây giờ còn không chú?”, câu hỏi gợi ký ức của tôi đưa ông về miền xa xăm. Vợ nhà văn Hồng Nhu đỡ lời: “Đó là một cồn đất ở cạnh chợ mà bây giờ là trường tiểu học”.

Còn nhớ lần về thăm làng Mỹ Lợi quê ông cùng nhà văn Nguyễn Quang Hà.  Những trảng cát trắng bao quanh, nghe tiếng gió lồng lộng trên những hàng dương liễu, nhà ông ở gần phá. Đi băng qua vài nhà hàng xóm và ra ngắm phá, chẳng hiểu sao tôi như cũng nghe rõ tiếng “chèo chém nước nhịp đôi một, ngọt và hơi ngâm” của người đàn ông bị vợ bỏ và như đang thấy rõ cảnh anh ấy “quẳng chèo, nhảy xuống nước, như một con rái tơ, chỉ vài ba vòng rướn đã một tay quặp lấy vợ, một tay ấp con vào ngực, dùng hai chân quẫy nước, bơi ngồi về thuyền”. Cảnh đoàn viên của họ được Hồng Nhu viết kỹ từng chi tiết, đẹp như một thước phim mà không cần kỹ xảo. Nắng, gió, mặt trời và niềm hạnh phúc vô bờ của người đàn ông đã làm tất cả.

Sinh năm Nhâm Thân  (1932), tính theo tuổi mụ, năm nay nhà văn Hồng Nhu bước sang tuổi 86, thuộc vào hàng “cây đa, cây đề” của làng văn Thừa Thiên Huế. Ngẫm lại cuộc đời mình, ông từng nói “Nghiệp văn chương đến với tôi rất sớm, từ những ngày còn tuổi thiếu niên. Năm 1948, khi làm liên lạc cho bộ đội, tôi đã viết văn, làm thơ và còn viết cả ca khúc cho bộ đội hát”. Hơn 60 năm cầm bút, đến nay nhà văn Hồng Nhu đã cho xuất bản 16 tập truyện ngắn và thơ, đạt nhiều giải thưởng. Đặc biệt, ông là người đạt 3 giải A liên tiếp của Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô 5 năm trong ba kỳ trao giải đầu tiên (1987-1992; 1992-1997; 1998-2003). Nhìn ông lần giở từng tờ bìa, có tập truyện màu giấy đã cũ, nâng niu hai tập truyện ngắn “Vịt trời lông tía bay về” và “Trà thiếu phụ” – hai tác phẩm giúp ông đạt Giải thưởng Nhà nước năm 2012 -  tôi nhận ra tình yêu nghề vẫn cháy trong ông, rằng cuộc đời người cầm bút, cái cuối cùng còn lại phải là tác phẩm.

Hồng Như nổi tiếng là người viết kỹ. Ông rất “khó tính” khi cho trình làng mỗi truyện ngắn của mình. Năm 1958, lần đầu tiên ông đạt giải với truyện ngắn “Những người trên đồng cỏ”, thành công đến sớm nhưng ông không tự mãn mà luôn cố gắng. Ông từng chia sẻ với tôi rằng ông là người “khắc nghiệt với bản thân” nhưng tôi tin đó là một biểu hiện về tinh thần trách nhiệm của một người cầm bút yêu nghề. Trân trọng tác phẩm của mình cũng chính là trân trọng bạn đọc.

Những năm tháng đi bộ đội, rồi kinh qua nhiều công việc, tiếp xúc với nhiều mẫu người, ông lắng đọng “phù sa” cuộc đời thành những vốn sống, kiến thức về xã hội quý báu và ông đưa vào trang viết “thật ngọt”, thật tự nhiên như cuộc sống vốn vậy. Đó là cái tài của nhà văn Hồng Nhu. Nhưng nổi bật trong văn ông là một tấm lòng nhân hậu. Cuộc sống tuy gian nan, vất vả nhưng cuộc sống luôn đẹp và ấm áp tình người. Với cái tâm như thế nên truyện ngắn của Hồng Nhu, cái kết luôn là một bến bờ bình yên. Và cũng đừng nghĩ đó là những kết thúc dễ dãi mà là cái kết có hậu dành cho những con người đã sống hết mình, trải qua nội tâm gay gắt, đã chọn lựa thật khó khăn trong cuộc đời để cuối cùng tình yêu thương lên tiếng, bỏ qua những giận hờn, căm hận, bằng đạo lý ông đã tháo gỡ thật nhẹ nhàng những “nút thắt” của câu chuyện (“Lễ hội ăn mày”, “Đêm hạ huyền yên tĩnh”…).

Trong cuộc đời viết văn, mỗi người thường nổi trội về một mảng nào đó, với Hồng Nhu, đầm phá là thế mạnh, dù rằng ông cũng viết nhiều về các đề tài xây dựng cuộc sống mới. Những phong tục của cư dân đầm phá trong các truyện ngắn của ông bây giờ trở thành nguồn tư liệu về một thời đầm phá đã qua. Ông có lẽ cũng thuộc vào hàng những người cuối cùng đã từng chứng kiến những lễ nghi xưa cũ và lưu giữ ký ức về đầm phá trong các trang viết của mình.  

Không chỉ trong “Lễ hội ăn mày”, “Vịt trời lông tía bay về” mà chất đầm phá như bao phủ toàn bộ các sáng tác của Hồng Nhu, có khi đó là cơn gió, là cát, bao nhiêu là cát, là tính cách khoáng đạt, là đuôi mắt hình con cá chình của thằng bé con, là những món ăn vùng đầm phá… những chi tiết ấy đến tự nhiên trong từng trang viết của Hồng Nhu bởi một lẽ thật đơn giản ông là người con của đầm phá.


Hạ An

Nguồn: Thừa Thiên Huế Online
Bạn đang đọc bài viết "Hồng Nhu văn dậy hồn xưa đầm phá" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.