Hội thảo khoa học đồng chí Lê Hồng Sơn với cách mạng và quê hương Nghệ An

15/07/2022 14:08

Theo dõi trên

Sáng 15/7, tại TP Vinh, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với UBND huyện Nam Đàn tổ chức hội thảo khoa học đồng chí Lê Hồng Sơn với cách mạng và quê hương Nghệ An.

z3568570296516-c0f0c305ba6d3bfa7b68a4c129934510-1657867326.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn...

Tại hội thảo đã trình bày những tham luận về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Lê Hồng Sơn. Cùng với đó là những đóng góp của Lê Hồng Sơn cho cách mạng Việt Nam tại thời điểm đó. Đồng thời, có những kiến nghị, đề xuất quan trọng liên quan đến Di tích Đền Tán Sơn và mộ đồng chí Lê Hồng Sơn; nhà lưu niệm... trong việc bảo tồn và phát huy giá trị hiện có của di tích. 

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Hồng Sơn là một di sản quý báu trong việc đấu tranh trong cuộc đấu tranh cách mạng Việt Nam thời cận - hiện đại. Nghiên cứu, lưu giữ, bảo tồn di sản liên quan đến đồng chí Lê Hồng Sơn làm tấm gương để giáo dục truyền thống mai sau là việc làm cần thiết mang nhiều ý nghĩa. 

Với ba địa điểm chính trên mảnh đất Nam Đàn; Mộ, Khu lưu niệm đồng chí Lê Hồng Sơn, Đền Tán Sơn và Nhà lao Vinh, việc bảo tồn và phát huy các công trình này càng được chính quyền và nhân dân quan tâm. Tuy nhiên, quy mô và công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích liên quan vẫn chưa thật sự xứng tầm với công lao, đóng góp của danh nhân. Đặc biệt là nguyện vọng của chính quyền địa phương trong việc lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia cho khu lưu niệm đồng chí Lê Hồng Sơn tại xã Xuân Hòa (Nam Đàn, Nghệ An).

Tại hội thảo đã tiếp tục luận giải, khẳng định và làm sâu sắc thêm nhiều nội dung về Lê Hồng Sơn với cách mạng và quê hương Nghệ An.

Tác động của lịch sử hình thành nên nhân cách và lý tưởng của đồng chí Lê Hồng Sơn. Quá trình giác ngộ và tham gia cách mạng của Lê Hồng Sơn trong và ngoài nước. Đánh giá, nhận định vai trò của Lê Hồng Sơn với sự ra đời của Đảng cũng như tầm ảnh hưởng của đồng chí với phong trào cách mạng Việt Nam. 

Bên cạnh đó đưa ra những giải pháp, định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di tích, địa điểm liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Hồng Sơn trên quê hương Nghệ An. 

z3568310035108-b88033fddbbd293b20220f650ed21920-1657867281.jpg
Chủ trì hội thảo

Hội thảo nhằm đánh giá, khẳng định một cách toàn diện, khách quan về tầm vóc của đồng chí Lê Hồng Sơn và việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản về danh nhân, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các thế hệ. 

Vì sao hễ nhắc đến Đền Tán Sơn người ta lại nhắc đến Lê Hồng Sơn và ngược lại. Đành rằng Lê Hồng Sơn là hậu duệ đời thứ 11 của hệ tổ Mạc Đăng Lượng nhưng sự hi sinh của người chiến sỹ cộng sản kiên trung đáng để hậu thế ngàn năm hương khói, thờ phụng. 

Lê Hồng Sơn là hậu duệ đời thứ 11 của hệ tổ Mạc Đăng Lượng đã góp phần làm rạng danh cho tông tộc, quê hương. Đồng chí là một trong những sáng lập viên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. 

Lê Hồng Sơn tên thật là Lê Văn Phơn (thường gọi là Lê Văn Phan), sinh ngày 29/6/1899 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước tại làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu (nay là xã Xuân Hòa). 34 năm cuộc đời, Lê Hồng Sơn đã giành 13 năm cho cách mạng, chiến đấu không mệt mỏi, kiên cường cho đến phút chót. 

Sinh ra trong thời khắc bi hùng của lịch sử dân tộc: thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Bắc Kỳ, Kinh thành Huế thất thủ, phong trào chống Pháp dưới ngọn cờ “Cần Vương phục quốc” của Phan Đình Phùng vừa bị dập tắt trong máu và nước mắt. Quê hương Nam Đàn đã trở thành nơi quy tụ các văn thân sỹ phu yêu nước và sục sôi với phong trào Đông Du.

Không khí của làn sóng yêu nước những năm đầu thế kỷ XX đã tác động vào tâm trí Lê Văn Phan, thôi thúc đồng chí sớm xác định cho mình một hướng đi đúng đắn. Năm 1920, theo tiếng gọi của Phong trào Đông Du và Hội Duy Tân do cụ Phan Bội Châu thành lập, Lê Văn Phan đã từ giã gia đình, bạn bè, quê hương lên đường sang Thái Lan bắt đầu sự nghiệp cứu nước. Tại Trại Cày - Thái Lan (một cơ sở yêu nước của người Việt Nam do cụ Phan Bội Châu và Đặng Thúc Hứa gây dựng), Lê Văn Phan đổi tên là Lê Hồng Sơn.

Năm 1921 Lê Hồng Sơn cùng Phan Bội Châu sang Quảng Châu (Trung Quốc) để hoạt động. Năm 1922, được tổ chức phân công, Lê Hồng Sơn đã dùng súng ngắn trừ khử tên phản bội Phan Bá Ngọc. Năm 1923, cùng với Hồ Tùng Mậu và một số đồng chí khác như Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Lưu Quốc Long, Trương Vân Lĩnh... lập ra “Tâm Tâm xã” (một tổ chức cách mạng của nhóm thanh niên Việt Nam yêu nước trong những năm 20 thế kỉ 20). Ngày 19/6/1924 được Tâm Tâm xã giao trách nhiệm, Lê Hồng Sơn đã giúp sức cho Phạm Hồng Thái ném tạc đạn ám sát Méc - Lanh - tên Toàn quyền Đông Dương, khi tên này tới dự tiệc ở khách sạn Victoria tại Sa Diện (thuộc Quảng Châu, Trung Quốc).

20140430075633000000-lehongson-1657867406.jpg
Lê Hồng Sơn (1899 - 1933) - Người chiến sỹ cộng sản kiên trung

Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về Quảng Châu đã tiếp xúc với nhóm Tâm Tâm xã. Đầu năm 1925, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội được thành lập, Lê Hồng Sơn là một trong những người đầu tiên tham gia hội và được cử vào Tổng bộ. Tháng 3/1925, Lê Hồng Sơn được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào học khóa đầu tiên tại trường Quân sự Hoàng Phố. Đồng chí còn là một trong những thành viên của nhóm Cộng sản Đoàn - hạt nhân của tổ chức Đảng Cộng sản sau này. Lê Hồng Sơn cùng Nguyễn Ái Quốc xuất bản tờ “Thanh niên”, tổ chức mở các lớp huấn luyện cán bộ và là ủy viên “chưởng ấn” (người giữ con dấu) của “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông” -  một tổ chức do Nguyễn Ái Quốc thành lập.

Năm 1927, khi lực lượng phản cách mạng làm đảo chính ở Quảng Châu, các thành viên của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội đều bị liên lụy, Lê Hồng Sơn và một số đồng chí bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Cuối năm 1927, trước sự phản đối của dư luận, chính quyền Tưởng Giới Thạch buộc phải thả Lê Hồng Sơn cùng các đồng chí. Sau đó, Lê Hồng Sơn đến Hồng Kông. Tại đây, đồng chí đựơc Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ củng cố cơ quan Tổng bộ Thanh niên, mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ.

Tại hội thảo đã trình bày những tham luận về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Lê Hồng Sơn. Cùng với đó là những đóng góp của Lê Hồng Sơn cho cách mạng Việt Nam tại thời điểm đó

z3568310604434-91ce39986da278e3bfff2e1590aee43f-1657867483.jpg
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An phát biểu tại hội thảo

Năm 1929, phong trào công nhân trong nước phát triển, ba tổ chức Cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời, Lê Hồng Sơn thuộc tổ chức An Nam Cộng sản Đảng. Đồng chí là một trong những người đã tích cực vận động hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng cộng sản duy nhất. Sau khi Đảng được thành lập, Lê Hồng Sơn được phân công ở lại hoạt động trong Chi hội Việt Nam của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông. Cuối năm 1931, Lê Hồng Sơn bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam lần thứ 2, nhờ sự can thiệp của cụ Hồ Ngọc Lãm, Lê Hồng Sơn được ra tù nhưng không được ở lại Trung Quốc. Rời Trung Quốc, Lê Hồng Sơn qua Miến Điện, Thái Lan, cuối cùng bí mật trở lại Thượng Hải để tiếp tục nhiệm vụ.

Sau vụ rải truyền đơn kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1932, Lê Hồng Sơn một lần nữa bị nhà chức trách Thượng Hải bắt giam, ngày 25/9/1932, đồng chí bị chuyển cho nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương quản thúc và xử lý, đưa về giam ở nhà lao Vinh. Biết Lê Hồng Sơn là người đã trừ khử tên phản bội Phan Bá Ngọc, là người cùng nhóm Tâm Tâm xã với Phạm Hồng Thái (đã mưu sát toàn quyền Đông Dương Méc - Lanh), nên đồng chí đã bị Tòa án Nam Triều tại Nghệ An kết án tử hình. Ngày 20/2/1933, bọn Thực dân Phong kiến đã đưa đồng chí Lê Hồng Sơn về xử bắn tại Chợ Tro, làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu (nay là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, Nghệ An). 

Mặc cho kẻ thù hăm doạ, bà con nhân dân vẫn đưa Lê Hồng Sơn về an táng tại một gò cao ở Dăm Nêu, cách nơi xử bắn 300m. Năm 1947, chính quyền địa phương tổ chức cải táng đưa thi hài liệt sỹ Lê Hồng Sơn cùng hai liệt sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh về an táng tại đình làng. Năm 1958, hài cốt Lê Hồng Sơn tiếp tục được đưa về nơi trước đây đồng chí bị xử bắn.  

z3568310618428-344d7da79e02ff3131d0dabf18e76565-1657867592.jpg
Tại hội thảo đã trình bày những tham luận về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Lê Hồng Sơn. Cùng với đó là những đóng góp của Lê Hồng Sơn cho cách mạng Việt Nam tại thời điểm đó

Khu mộ đồng chí Lê Hồng Sơn nằm cạnh đường Quốc lộ 46, trong khuôn viên đẹp với diện tích 805m2. Cổng vào khu mộ được xây gạch chỉ ốp gralitô cao 2,1m, trên đỉnh cột cổng có gắn quả cầu 20m. Nối liền 2 cột cổng là 2 mảnh tường rào hình cánh cung, tạo cho dáng cổng vừa khoẻ vừa đẹp. Phần mộ dài 3,8m, đài bia cao 4m, mặt trước gắn bia dẫn tích dài 1,2m, rộng 0,8m bằng đá ốp lát màu đen, khắc chữ gương vàng. Xung quanh mộ có hàng rào, vườn cây ao, cá quanh năm xanh tươi mát mẻ. Ngày nay khu mộ đồng chí Lê Hồng Sơn trở thành nơi tưởng niệm của Đảng và nhân dân trong dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn. Đền Tán Sơn và mộ đồng chí Lê Hồng Sơn được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là di tích Lịch sử Văn hoá Quốc gia (quyết định số 1423/QĐ - VH ngày 23/07/1998).

Khu mộ Lê Hồng Sơn và những tài liệu, hiện vật còn lưu giữ được giúp ta khẳng định thân thế, sự nghiệp người chiến sỹ cách mạng tiền bối - Một trong những người sáng lập Đảng ta. 

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Hội thảo khoa học đồng chí Lê Hồng Sơn với cách mạng và quê hương Nghệ An" tại chuyên mục Địa phương. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.