Hội hát Sắc bùa ở người Mường

23/06/2019 14:05

Theo dõi trên

Sắc bùa[1] là một hình thức sinh hoạt, một bộ phận trong hệ thống những hoạt động cần có trong dịp chúc mừng năm mới từng gia đình và trong cả làng. Sắc bùa còn tham gia một số nghi lễ khác như đám cưới, hội mùa (Xớc pông kơm c’lải lỏ). Khi các gia đình giàu có có việc vui mừng lớn, họ cũng mời các đoàn cồng đến đánh cho thêm phần vui vẻ.

Nhưng trước hết, đối với tộc Mường nói chung và Mường ở Mường Vang- Lạc Sơn nói riêng, sắc bùa gắn liền với mùa xuân. Đã một thời, nó là phong tục đón mừng năm mới không thể thiếu được của họ.
 

Hằng năm, vào những ngày cuối cùng của năm cũ, trước khi vào một vụ cày mới, trong các làng người Mường nói chung và trong từng gia đình Mường nói riêng đều nhộn nhịp chuẩn bị đón mừng cái Tết sắp đến. Người ta quét dọn nhà cửa, sân ngõ, chuẩn bị quần áo đẹp, gạo, rượu, thịt gà và gói bánh penhpang[2]. Trong ngày cuối năm, mỗi gia đình đều soạn một lễ nhỏ gọi là wải hộp (tập hợp các vía lại) để tập trung một số vía của các thành viên trong gia đình đang lang thang vào thân chủ của chúng để cầu khẩn trời phù hộ cho chúng và thông qua chúng, cho chủ của chúng có một sức khoẻ dồi dào.[3]
 
Ngày mồng một tết hàng năm là ngày thờ cúng tổ tiên của người Mường. Mùng hai tết mới là ngày các phường bùa bắt đầu đi chúc tết.
 
Gọi là phường bùa, nhưng thực tế đây chỉ là sự tập hợp những người biết đánh cồng lại, tính chất phường hội chưa rõ ràng. Những người có vợ có chồng cũng có thể tham dự. tuy nhiên, trai thanh gái lịch chưa vợ chưa chồng vẫn chiếm đa số. Phường không có quy chế: ngày thường không có đóng góp, hội họp, luyện tập. Sinh ra và lớn lên trong các làng Mường, ngay từ nhỏ họ đã được nghe, được thấy, được đánh thử tiếng cồng, sắc bùa đã ngấm vào tâm khảm để đến độ 15-17 tuổi, họ đã bắt đầu gia nhập phường bùa để đi chúc tết trong làng và khắp làng trên xóm dưới. tuy nhiên, khi đi chúc tết những làng khác thì con gái thường không tham gia. Nhìn chung, quy trình của một cuộc sắc bùa chúc tết trong làng cũng tương tự như quy trình của một cuộc sắc bùa chúc tết ngoài làng.
 
Phường bùa gồm có 12 người thạo đánh cồng (người Mường gọi là chiêng). Ngoài ra, còn có hai người đi sau cùng đoàn, chuyên khiêng một chiếc thúng để đựng gạo. Tuy nhiên, con số của phường bùa có thể xê xích ít nhiều tuỳ theo số lượng cồng hiện có và số người muốn tham gia. Trước tết ít hôm, họ tập trung những cồng tốt trong làng lại thành một bộ, để ở một nhà chắc chắn, rộng rãi trong làng. Thông thường, một bộ cồng gồm có những loại sau:
 
- Bốn chiêng dóng. Loại này thường phân cho những người thạo đánh cồng nhất sử dụng. 

- Hai chiêng giàm (số lượng chiêng giàm không bắt buộc, có thể 3-4 cái). trong số này người ta chọn lấy cái có tiếng vang hay nhất để làm chiêng cái (chiêng dẫn). Chiêng này thường được sử dụng ở các đầu bài để lên con hay còn gọi là lên cái chiêng do thầy thường[4] đảm nhận. 

- Ba chiêng đúc. 

- Hai chiêng thau. 


- Một thanh la.

Khi chiêng đã đủ bộ, thầy thường phân những chiếc chiêng đã mượn cho từng người. Người được giao đánh thử xem chiêng tốt hay xấu và chịu trách nhiệm về chiếc chiêng được giao. Nếu làm hỏng chiêng sẽ bị đền bằng trâu hoặc bò. Sau khi nhận chiêng, họ bắt đầu tiến hành việc luyện chiêng. Sáng và chiều ngoài vài tiếng đi bừa, họ tập trung lại ở nhà giữ cồng. Buổi luyện tập kéo dài nhiều khi thâu đêm đến sáng.

Sáng mồng hai tết, phường bùa tập trung đông đủ ở nhà để cồng. Ai nấy đều chỉnh tề trong những bộ trang phục truyền thống đẹp đẽ của dân tộc. Con gái bịt đầu bằng một mảnh khăn trắng (bít trốc); khoác một chiếc áo chùng đen, phía trong mặc một chiếc áo ngắn không cúc, màu trắng hoặc màu sáng (;) trong cùng là chiếc yếm màu xanh hoặc màu đỏ; mặc váy màu chàm; cạp váy dệt hoa văn con rồng, đồng tiền hoặc quả mê (quả và dây mây). Con trai thường mặc áo cánh ngắn sáng màu, khoác áo chùng đen, mặc quần trắng, đầu quấn khăn nhiễu. Họ bàn nhau xem ở trong làng sẽ đến nhà nào trước và sau đó nếu ra khỏi làng sẽ đến làng nào trước. sự lựa chọn đó là tuỳ hứng, không theo một quy định nào cả.
 
Phường bùa xuất phát từ nhà để cồng, theo thứ tự sau: thầy thường đi trước, tiếp đến là những người cầm chiêng dóng, đến những người cầm chiêng giàm, chiêng đúc, chiêng thau, thanh la, cuối cùng là hai người khiêng thúng. trước khi xuất phát, từ vị trí của mình trong sân nhà để cồng, thầy thường đọc:
 
Từ đụn đi ra
Từ nhà đi đến
Đi hết bốn mươi khoảng ruộng
Ba mươi đồi tranh
Vùng ông đạo mường này
Vui lắm rồi lại vui nhiều.

Dứt lời, thầy thường vừa lên cái chiêng vừa dẫn đầu đoàn bùa tiến ra cổng. Ra đến đường, họ có thể vừa đi vừa đánh bài cồng đi đường hoặc do hứng thú, họ có thể đánh một trong những bài cồng khác như bài lên chiêng, bồng một, bồng hai, bồng ba, bồng bốn, lộn cồng. Nhìn chung trong ngày hội này họ có thể đánh tuỳ hứng những bài có sẵn chứ không bắt buộc phải đánh theo một quy định, bài bản nào.

Đến cổng ngôi nhà định vào, thầy thường lên cái chiêng. Cả đoàn tiến vào sân. Thầy thường lên đứng ở hè nhà, cạnh chiếc cối đặt dưới chân cầu thang. Cả đoàn bùa đi vòng từ bên tay phải sang phía bên tay trái của ông (ngược chiều kim đồng hồ) và cuốn thành một vòng xung quanh thầy thường. hai người khiêng gạo đứng ở ngoài đội hình đó. Sau khi ổn định vị trí, họ dập chiêng sáu lần (ba lần lên, ba lần xuống). Tiếng chiêng vừa ngừng, thầy thường đọc bài Phát rác[3]. Cũng như toàn bộ các bài hát khác trong sắc bùa, dựa trên một chủ đề đã được ước định từ trước, Phát rác được sáng tác theo phương pháp ngẫu hứng. Tuỳ tài ứng khẩu của thầy thường cao hay thấp, tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể của gia chủ mà độ dài ngắn, sự phong phú, chải chuốt của lời ca có khác nhau nhưng nội dung của nó bao giờ cũng gồm những vấn đề: ca ngợi gia cảnh (khang trang bề thế), đời sống sung túc, ăn nên làm ra của chủ nhà:
 
Phường bùa chúng tôi
Đi chúc đi chơi
Đi chơi đi nhởi
Đi đến đây chơi đây,
Đến đây dưới sân
Dưới xướng làm ăn nhà ông
Tôi ngồi dưới sân tôi trông
Trông đi ngó đi
Trông đi ngó lại
Nhìn thấy nhà ông
Khang khang ngút dậu
Không biết nhà ông,
Là ậu chẩu1 hay ậu vá2
Không biết nhà ông là cai xã3
Hay là cai đạo quyền anh4
Thấy rào xung quanh xỏ rộ5
Cột cổng nhà ông
Cột cổng có hình con cá
Má cổng nhà ông
Má cổng có hình con rồng
Không biết ông rước được thợ bên bắc
ở đâu khéo nhiều
không biết ông rước được thợ bên đông
ở đâu khéo chạm
Chạm thành tổ ong bò vẽ
Chạm thành bày ong miện6
Chạm nên kiến đen
Chạm nên kiến vàng
Chạm nên lợn lòi con hoãng
Đi ăn trái roỏng rẹch7
Chạm nên trống chim khiếu8
Mái chim kẹc9
Đi ăn trái mí, mùi xanh10
Chạm nên chim hoàng anh xuống tắm giá.
Chạm nên vẩy cá con rồng
Chạm nên hoa văn cánh xẻ.
Ông ở liếp sập, giường đồng11
Ông nhìn quần tiền trắng,
Dãy tiền đồng
Ông đem ra ông thưởng.
Phải năm được mùa ông thưởng quan bảy
Phải năm không được mùa ông thưởng quan ba
Ông không cho chú nào ra không ra suông
Ra khôn, rủi ro mùa năm mới
Phát rác.[5]

Khi thầy thường bắt đầu đọc Phát rác, chủ nhà đã ra đứng ở đầu cầu thang và chăm chú lắng nghe. Nghe xong, nếu không mời đoàn bùa hát thường thì chủ nhà trao cho thầy thường một thung thóc nhỏ. Thầy thường trân trọng bưng ngửa chiếc chiêng giàm để đỡ lấy thóc do chủ nhà trút vào: xong ông trao lại cho những người khiêng gạo. Những người này đổ thóc vào chiếc thúng mà họ vẫn khiêng theo. Sau những động tác trên, thầy thường đọc bài Phát rác tạ ơn gia chủ:
 
Tạ ơn, có lòng tạ ơn
Ơn bà cũng đã có công
Ơn ông cũng đã có phúc
Tôi chúc, tôi lại truyền
Chúc truyền cho ông cùng bà
Ăn lại ở lại ngày sau
Làm năm ăn, giàu có
Có chín bịch lúa nếp
Mười bịch lúa tẻ
Hết năm này, năm sau phường bùa chúng tôi lại đến.
Phát rác.
Dứt lời, phường bùa tiếp tục đến những nhà khác trong làng.

Nếu một gia đình nào đó muốn giữ đoàn bùa lại, hát thường thì sau bài Phát rác, chủ nhà bê ra và đặt ở ngoài cầu thang một chiếc mâm. Trên mâm có một chai rượu, vài chiếc cốc, hai bát to đựng gạo, trên mỗi bát có cắm bốn nén hương; một đĩa trầu cau. Chủ nhà nói: "nhân dịp phường bùa đi mừng năm mới, mời phường bùa hát một bài thường cho người già được nghe". Vẫn đứng ở vị trí cũ, giữa vòng tròn do đoàn bùa tạo thành, thầy thường hát một bài thường tạ ơn.
 
Tiếp đó, thầy thường hát những bài thường kể lại chặng đường đã qua của đoàn bùa, đồng thời khen ngợi gia thế của ông chủ.
 
Thầy thường dứt lời, chủ nhà lúc đó đứng ở đầu cầu thang, liền hát thường đáp lại.
 
Từ lúc này, cuộc hát bắt đầu chuyển sang phần hát đối đáp. Hai bên dò ý, thử lòng, thông qua rằng thường để ướm hỏi nhau.
 
Nam:

"ở dưới sân trông lên nhà
Thấy dăm ba chiếc nôi trẻ
Nghe sợ lắm hãi nhiều"
Nữ:
"Anh rằng trông lên nhà
Thấy dăm ba chiếc nôi trẻ
Nôi bên dưới, chiếc nôi chú nó,
Nôi bên trong, nôi họ đấy thôi
Em còn ăn không ở rồi
Tìm đàng chơi nơi nhởi"

Cuộc hát đối đáp cứ như vậy mà tiếp diễn. Nếu bên trai hát kém, họ có thể bị "giam" ở dưới sân cho đến khi đói bụng mà vẫn chưa được mời lên nhà. hát cho đến kỳ cùng mà vẫn bị thua, phường bùa đành lặng lẽ rút lui để tìm đối thủ khác ngang sức. Trong trường hợp phường bùa thắng, nếu không muốn lên nhà đó, có thể rút quân một cách êm thấm với niềm hãnh diện trước bà con đang đứng xem quanh đó:
 
Em nói thông điều tiếng ấy
Anh lên chơi cửa một lần
Lên chơi nhà một buổi
Nói không thông điều ấy
Cho anh xin gạo trắng gạo vàng
về đàng xa xăm kẻo trời tối lại
Nếu muốn lên nhà để tiếp tục cuộc vui, thầy thường hát tiếp bài thường xin lên nhà.
Chủ nhà đáp lời bằng bài hát thường mời phường bùa lên chơi.

Sau đó phường bùa bắt đầu bước chân lên nhà. Thầy thường lên trước, mọi người lần lượt theo sau, vẫn theo đúng như vị trí khi đi đường. Họ được tiếp ở gian khách, trước chiếc cửa sổ của gian thứ nhất (tính từ cầu thang chính lên). Thầy thường và chủ nhà ngồi đối diện với nhau, sát cạnh cửa sổ. Những người còn lại ngồi tiếp theo, làm thành một vòng tròn. Chiêng được xếp ở gian thứ hai. Trước cửa sổ của gian thứ hai này, người ta xếp chiêng dóng, chiêng giàm và các loại chiêng khác làm hai hàng dọc. Chiêng được xếp ngửa. Người ta rất cấm kỵ việc xếp cồng chiêng vào nhau. Khi đã ổn định vị trí, thầy thường xin phép gia đình, bố mẹ, chồng (nếu có) để được đối đáp với bên gái.
 
Hát xin phép bố mẹ:
Thương thiết lại thương nồng
Thương không ở đồng năm vui tháng tốt
Ngày này đôi anh đi chúc đi chơi
Đến cửa bố thang mẹ
Chốn chỗ nơi này
Thấy cây bằng lứa bằng đôi
Thấy cây hợp nơi vui đùa
Xin bố mẹ trong nhà
Bằng những câu ví von so sánh, bên trai dò ý xem bên gái có chồng chưa:
Cái này đôi anh thấy áo đẹp anh cũng muốn thay
Thấy áo sạch anh cũng muốn quàng
Thấy đàng sạch anh cũng muốn đi
Mà chỉ sợ chồng em mắng mỏ
Con gái trả lời:
Dù rằng em đã có cửa
Dù rằng em đã có nhà
Xếp cửa lại đồi gianh già
Xếp nhà lại đồi gianh non
Để làm đường cùng anh ăn chơi.
Nếu chưa chồng, cô gái có thể trả lời bằng câu hát:
Em đây vẫn chưa có chồng
Còn ăn không thoải mái
 
Rồi cô gái cũng hỏi lại chàng trai những câu tương tự. Sau đó bên trai lần lượt hát tiếp những câu hỏi thăm ông chủ và toàn thể gia đình, hỏi thăm những người đứng đầu và các cụ ông, cụ bà, rồi hỏi thăm xem các em bé có ngoan ngoãn chăm chỉ chăn trâu, chăn vịt hay không?
 
Hết đoạn hỏi thăm, thầy thường hát một câu để ngắt đoạn:
 
Hết tiếng ấy ta bỏ
Để bắt sang lời khác.

Bên gái mang trầu, nước, thuốc lào ra mời: bên trai hát khen ngợi những thứ đó để đáp lễ.
 
Tiếp đó, gia chủ mang một bình rượu cần ra đặt vào giữa vòng đoàn bùa đang ngồi. Khi được mời, thầy thường đáp lời: "Năm mới, chúng tôi lên chúc mừng gia đình, mong gia đình phát đạt. Chủ nhà có vò rượu cần cho chúng tôi uống, chúng tôi xin cảm ơn". Tiếp đó, thầy thường hát một bài thường mô tả lại quá trình làm rượu cần và khen ngợi bình rượu của chủ nhà.
 
Khi uống rượu thì chủ nhà, thầy thường và những người cao tuổi uống trước, phường bùa và những người khác uống tiếp đợt hai, đợt ba. Ngồi cạnh vò rượu là chú trám, người chuyên cầm sừng trâu để tiếp nước vào vò, liên tục, ứng với số rượu bị vơi đi trong vò. Khi ai nấy đã cầm cần trong tay, mọi người cùng đồng thanh "hù" lên một tiếng thật to rồi mới bắt đầu uống. Sau những hiệp uống đông người, người ta bắt đầu uống từng người một. Mỗi người phải uống một số rượu tương ứng với một hoặc hai sừng trâu nước. Phải uống trong một khoảng thời gian đủ để cho nước trong một chiếc sừng trâu (có thủng một lỗ nhỏ ở dưới đáy vò) hết hai lượt. nếu hết số thời gian quy định đó mà nước trong vò hãy còn lấp xấp trên mặt lá thì người uống sẽ bị phạt. Số rượu phạt nhiều gấp đôi số rượu phải uống lúc ban đầu. Xong cuộc rượu, gia đình nào muốn giữ phường bùa lâu hơn nữa thì làm cơm mời họ lại.
 
Mời các anh đi đường xa khá dài
Về đến cửa cùng nhà nhà em
Để em dọn bàn cơm cho anh ăn
Bên trai đáp lại:
Em anh có chín bụng thảo
Chín dạ lòng thương
Em dọn bàn cơm cho anh nhá
Bàn cá cho anh ăn
Em đừng nói điều tiếng ấy
Anh đây nghe phải ý thương nhiều.
Rồi họ hát thường khen mâm cơm vừa dọn.
Sau bữa cơm, cuộc hát chuyển sang phần hát giao duyên.
 
Bên trai mở đầu:
 
Thương thiết lại thương nồng
Thương không ở đồng bậu vỉ
Lý họ lại nói rằng
Lứa mình đôi anh em ta
Cùng ăn cùng chơi với nhau
Từ lúc cây si mới có một cành
Cây đa mới có một chồi
Chúng ta như những đôi hoa cùng một cành
Chơi bên nhau khi chưa hé nụ
Em gái đẹp, tóc dài, da trắng.
Đang lớn lên vùn vụt
Còn mình lứa đôi anh
Cái mình còi còi, cái mình anh còn bé
Vậy nên anh không sánh nổi đường bừa
Không đưa nổi đường cày
Em đã bỏ anh lại một mình
Bỏ anh lại giữa mường
Để em đi chọn un đi giàu có
Chọn con lang đạo phó
Bởi nó giàu có hơn anh hỡi em.

Bên gái đáp:
 
Thương thiết lại thương nồng
Thương không ở đồng thiếng vỉ
Đàng mình đòi anh nói câu nhân nghĩa ấy
Mà phải năn nỉ lòng thương
Anh lớn nên trai giữa bãi
Em lớn lên gái giữa mường
Mà lứa đôi anh không mượn người đến mối
Không nhờ người già đến hỏi
Cho em được đến ở với bố trong cửa, mẹ trong nhà
Để lứa mình đôi ta được đi ra đồng từ cùng một nhà
Khi về vào cùng chung một cửa...

Nhìn chung, cuộc hát giao duyên này thường cũng gồm những chặng như những cuộc hát ví giao duyên ở đồng bằng. Nó diễn ra theo trình tự: ướm hỏi, ngỏ lời, thổ lộ tình cảm, thề thốt ước hẹn hoặc nói lên những nỗi niềm riêng khi tình duyên trắc trở, hát chia tay. Sau đó thường bùa ra về. trước khi về, thầy thường chào và chúc chủ nhà.
 
Dứt lời, thầy thường bước chân xuống trước, phường bùa lần lượt theo sau. Khi người khiêng gạo đi cuối cùng. Đến chân thang, hai người này quay lại đỡ lấy vật tặng do chủ nhà trao cho (mà đầu buổi vẫn để ở đầu cầu thang) và để vào thúng của mình. Đoàn bùa ra về, khi ra cổng, họ không đánh chiêng. Họ có thể đánh chiêng lúc đã ra đến đường. Đến cổng những nhà còn lại trong làng, trình tự cũ lại lặp lại.
 
Những cuộc sắc bùa này được tiếp diễn cho đến hết ngày mùng 7 tết. Sau đó, dân làng tiến hành nghi lễ cày luống đất đầu tiên trên ruộng đất của mình. Trước đây, ậu châu- trong bộ y phục dân tộc đẹp đẽ: áo chùng đen, quần trắng, đầu quấn khăn nhiễu- vác cày dắt trâu đi ra mảnh rộng chuyên trồng lúa dùng cho việc thờ cúng của thổ lang. Ông thay mặt thổ lang cày luống đất đầu tiên trong năm mới trên thửa ruộng đó. Hành động trên còn có ý nghĩa lớn hơn: đây chính là luống cày đầu tiên có tính chất nghi lễ của toàn thể dân làng trên ruộng đất của làng[6]. Sau đó, tất cả mọi người đều bắt tay vào công việc cầy bừa. Một vụ sản xuất mới lại bắt đầu.

Nhìn lại toàn bộ cuộc sắc bùa: về thời gian, cách thức trình diễn và nội dung các lời ca trong buổi lễ, ta thấy có nhiều yếu tố liên quan đến nông nghiệp.
 
Trước hết, chính sắc bùa đã mở đầu như một nghi thức cầu chúc, cầu mong cho một năm, một mùa làm ăn thịnh vượng. Kế ngay sau đó là một loạt những ngày lễ khác mang rất đậm tín ngưỡng nông nghiệp: lễ rước bông cơm trái lúa, nghi lễ cày luống cày đầu tiên, rồi sau đó, mọi quy trình sản xuất của vụ mùa mới chính thức bắt đầu. Ngay chính lời ca thường sử dụng trong sắc bùa cũng mang nhiều dấu tích của một nghi lễ nông nghiệp. Nội dung chủ đạo của lời ca là cầu cho người an vật thịnh, nhà nhà giàu có, làm ăn tấn tới: có "tiền trắng", "tiền đồng", nhà cửa "khang trang ngút dậu", người người khoẻ mạnh sống lâu và mùa màng bội thu. Muốn được như vậy, gia chủ phải trả ơn những người mang điều cầu chúc đó đến cho gia đình mình. Tiếp đó, là hát đối đáp giao duyên giữa hai bên trai gái.
 
Nhìn chung, trong mọi bước tiến hành, toàn bộ lời ca và cách thức tiến hành của sắc bùa, tư tưởng chủ đạo của ngày hội này đã bộc lộ khá rõ nét: người ta đã gửi gắm vào đó niềm cầu mong cho đất đai phì nhiêu, gắn liền với quan niệm về sự phồn vinh của bản thân con người và khả năng tái tạo của con người. thông qua các biện pháp tiến hành, đồng bào mong muốn làm tăng tác dụng của sức sinh sản truyền sang ruộng đất. Có lẽ chính vì bao hàm nội dung đó mà các yếu tố của sắc bùa (cơ cấu đoàn bùa, số lượng chiêng, các bài bản) đã được lễ hội rước bông cơm trái lúa - một nghi lễ nông nghiệp- sử dụng như một lễ thức không thể thiếu trong quá trình tiến hành. Bởi vậy, tuy giờ đây, sắc bùa chỉ còn tồn tại như một hình thức vui chơi, sinh hoạt văn nghệ dân gian nhân dịp đón xuân, nhưng ta có những cứ liệu đáng tin cậy để có thể nghĩ rằng, trước đây nó đã từng là một nghi lễ nông nghiệp quan trọng, có vai trò tác dụng như chính bản thân ý nghĩa của từ phát rác, tên gọi của bài hát có tính chất khai trương ngày hội này, mở ra một khoảng thời gian, một năm mới, một vụ mùa mới mà trong đó, thời tiết thuận lợi cho trồng trọt: mưa thuận gió hoà, mùa màng, người và vật đều sinh sôi phát triển.

CHÚ THÍCH
 
[1] Theo đồng bào, từ Sắc bùa có thể hiểu theo nghĩa là đánh cồng. Tuy nhiên, người ta chỉ sử dụng từ trên trong trường hợp cồng được đánh một cách tập trung nhất, với một số lượng cồng nhất định nào đó (mà trong đó, các loại cồng khác nhau được tập hợp lại theo một tỷ lệ đã được quy ước) trong dịp tết đón mừng xuân mới. Nếu cồng được đánh một cách riêng rẽ từng chiếc hoặc vài chiếc một thì người ta chỉ gọi là đánh cồng.
 
[2] Giống bánh chưng của người Việt.
 
[3] Theo quan niệm của đồng bào, mỗi người có 90 vía "bốn mươi wai bên đăm, năm mươi wai bên chiêu" (bốn mươi vía bên phải, năm mươi vía bên trái). Những vía này nhiều khi rời khỏi cơ thể để đi chơi. trong những ngày tết, phải tập trung chúng lại trong thể xác thì con người mới khoẻ mạnh được.
 
[4] Thầy thường: Người có giọng hát tốt, hát nhiều bài hát và giỏi đặt lời khi hát đối đáp.
 
[5] Phát rác: Phát: nghĩa đen là tung ra, phá ra, mở ra; rác: là nước. Từ phát rác có thể hiểu theo nghĩa là : mở ra một khoảng thời gian mà trong đó mưa thuận gió hoà.
 
1,2,3,4: Những chức vị do nhà lang đặt ra.
 
5 Một cách vào vườn có những đầu nhọn chĩa ra ngoài.
 
6 Tên một loại ong rừng.
 
7 Tên một loại quả rừng mà chim thú thích ăn
 
8 Tên những loại chim rừng.
 
9 Tên những loại chim rừng.
 
10 Tên hai loại quả cùng loài cọ.
 
11 Liếp sập: Sập đan bằng cây sậy hay nứa tép. Giường đồng: Giường có màu giống như màu đồng.
 
[6] Do cơ chế xã hội, người thổ lang được coi là đại diện của lang trong nhiều lĩnh vực (thần quyền, tộc quyền, chính quyền). Chính vì vậy nên việc tiến hành nghi lễ trên mảnh đất của nhà lang, đồng thời cũng đem lại hiệu quả cho ruộng đất các gia đình khác thuộc quyền thổ lang cai quản.
 
Vũ Hoa

Bạn đang đọc bài viết "Hội hát Sắc bùa ở người Mường" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.