Ngược miền Tây Nghệ An, về với Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn những ngày tháng Bảy lịch sử, trong làn khói hương trầm quyện vào không gian linh thiêng như đưa du khách trở về miền đất huyền thoại, một thời hào hùng của dân tộc. Cung đường độc đạo Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng với độ cao 70m trên dãy núi Thung Nưa. Nằm trên tuyến đường chiến lược 15A đi qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Đỉnh cao nhất lên đến 450m so với mực nước biển. Địa hình rất hiểm trở, nhiều dãy núi dọc hai bên đường như: Núi Voi, Cột Cờ, Mồng Gà… và trở thành nơi ẩn náu kín đáo, an toàn. Vì vậy, đây là nơi kết nối các huyết mạch giao thông từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Truông Bồn được ví như “tọa độ lửa” trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, nơi đây được xem là tuyến lửa ác liệt nhất. Nắm được vị trí chiến lược của Truông Bồn, đế quốc Mỹ ném bom hòng cắt đứt mạch máu giao thông của ta. Trong những năm 1965 - 1968, chúng đã trút xuống nơi đây hàng ngàn quả bom và tên lửa các loại. Với số lượng bom đạn khủng khiếp như vậy, Truông Bồn được ví là “hố bom” của miền Bắc. Giữa mảnh đất bom cày đạn xới, khi mà cái chết luôn cận kề, nhưng hàng vạn con người nơi đây đã vượt lên, ngày đêm bám trận địa đến cùng. Với quyết tâm sắt đá: “tim có thể ngừng đập, nhưng đường không thể tắc”, quân và dân Nghệ An vẫn giữ vững mạch máu giao thông, đào đắp hàng triệu mét khối đất đá, đưa hàng chục ngàn lượt xe cơ giới, vận chuyển hàng triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men vượt qua mưa bom, bão đạn theo sát các đoàn quân vào chiến trường miền Nam. Trong cuộc chiến sinh tử này, có hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh, tiêu biểu là sự hy sinh của 13 chiến sỹ Thanh niên xung phong Đại đội 317.
Đứng giữa cái nắng buổi chiều “nắng xiên khoai”, anh Mạo kể cho chúng tôi nghe về những năm chiến tranh đạn lửa, ai cũng rưng rưng xúc động nghẹn ngào, dâng trào nước mắt. Đó là một buổi sáng đặc biệt, ngày 31/10/1968, các đơn vị nhận được mật lệnh bảo đảm thông đường để đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn trước khi trời sáng, mọi người hồ hởi, náo nức ra trận địa. Trời vừa hửng sáng, khi công việc sắp hoàn thành, bất ngờ nhiều tốp máy bay gầm rú, lao tới oanh tạc Truông Bồn, những tiếng nổ xé toang cả bầu trời, mặt đất rung chuyển, đội hình Tiểu đội 2 đã không kịp rút về hầm trú ẩn, lập tức đã bị vùi nát dưới trận bom dữ dội, đồng đội chưa kịp ứng cứu thì những loạt bom vẫn liên tục giội xuống, trên đoạn đường chỉ có chiều dài 120m này thôi nhưng đã phải hứng chịu 170 quả bom tàn phá. Mặc khói bom nồng nặc, mặt đất bốc cháy, đồng đội lao ra tìm kiếm, từng lớp đất, hòn đá được lật tung, may mắn tìm thấy chị Trần Thị Thông (Tiểu đội trưởng) bị vùi sâu bên cạnh hố bom và vẫn còn cơ hội sống sót, còn lại 13 chiến sỹ thân thể đã hòa lẫn vào đất đá, cỏ cây, tất cả những gì tìm được chỉ là những phần thi thể không còn nguyên vẹn hình hài. Gạt nước mắt, đồng đội gom về những mẩu xương thịt trộn lẫn bùn đất, không biết của ai, đành ngậm ngùi đắp cho các chị, các anh một ngôi mộ chung. Đau đớn không chỉ bởi trận bom khủng khiếp và tàn khốc ấy đã cướp đi sinh mạng của 13 chiến sĩ khi mà chỉ còn ít giờ nữa, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom trên toàn miền Bắc, chỉ còn ít giờ nữa thôi họ sẽ được sống trong hòa bình với nhiều dự định cho tương lai. Hầu hết trong số họ có người định đi học, có người định cả ngày cưới nhưng ước mơ của 13/14 chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ đã bị dập tắt trước trận mưa bom ác liệt của kẻ thù.
Hoa mua Truông Bồn bấy giờ trong mưa bom, bão đạn vẫn đua nhau nở tím ngát quanh các ngọn đồi, ở ngay các con đường ngày đêm xe ra tiền tuyến. Và họ vẫn thanh thản ra mặt đường như mọi ngày chỉ dẫn cho xe bộ đội hành quân qua. Nhưng ngày đó đã không chỉ là ngày cuối cùng của họ tại đơn vị... Sự hy sinh của các chị, các anh đã làm nên huyền thoại Truông Bồn!
Chúng tôi đang trầm ngâm theo làn khói hương lan tỏa, bất chợt anh Mạo cất lên giọng ngâm một đoạn thơ của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ viết về những Thanh niên xung phong thời ấy: “Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực/ Soi cho tôi/ Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài/ Tên con đường là tên em gửi lại/ Cái chết em xanh khoảng trời con gái/ Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em”. Hôm nay, về với Truông Bồn, anh em đã chuẩn bị cẩn thận mọi thứ, chẳng hạn như đồ lễ viếng giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa: những chiếc nón trắng, cái kẹp tóc, chùm bồ kết, quyển vở và mấy lọ dầu xoa… Và hơn hết chúng tôi đến Truông Bồn, mang theo tấm lòng biết ơn và những “vật thiêng” gắn liền với cuộc sống đời thường của những người con trai, con gái trong chiến tranh, dâng lên bàn thờ chung tưởng niệm những người đã anh dũng hy sinh vì quê hương, đất nước. Như thường lệ vẫn là những hình ảnh xúc động với đôi mắt rưng rưng biết ơn, những bó hương nghi ngút, cay xè. Nhưng bất ngờ xuất hiện sau tượng đài cao vút, tên tuổi những người ngã xuống và khói hương trầm mặc là những chùm hoa mua nở tím lặng lẽ trong gió chiều trên đất mẹ Mỹ Sơn trơ cằn sỏi đá… Hình ảnh hoa mua tím Truông Bồn tím lịm, bầm đỏ nở tươi, nở bung đã đem lại niềm xúc động lớn lao, gây ấn tượng trong lòng mọi người. Và từ đó, nghe đâu đây ngân vang lời bài hát “Hoa mua tím Truông Bồn” mà tác giả phần lời, ông Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, từng là người lính băng qua tọa độ lửa Truông Bồn những năm 1967 - 1968, từng nhìn rõ trong đêm chiến tranh những gương mặt, những nụ cười thanh niên xung phong, từng có những phút giây bồi hồi khi bắt gặp ánh mắt trẻ trung, những cánh hoa mua tím, sau khói bom là trời xanh Mỹ Sơn và chân trời màu tím. Bài hát ấy, màu hoa ấy vẫn ngân vang, nở thắm nơi đây, đâu đây… Hoa hoa mua tím Truông Bồn từng nở tím lịm trên đất mẹ cỗi cằn suốt thời tuổi trẻ của các chị, các anh, vẫn một màu hoa thủy chung, bầm đỏ ấy bên ngôi mộ chung lồng lộng nắng gió. Màu tím ấy như hằn sâu trong tâm trí của mỗi chúng ta, đồng hành cùng thời gian, năm tháng, cõi người: “Anh trở lại Truông Bồn/ Tìm lại kỷ niệm xưa/ Nơi gặp em ngày ấy/ Tím một trời hoa Mua… Anh trở về tìm lại em/ Vẳng nghe câu hò ví, giặm/ Màu hoa mua và muối mặn/ Kỷ niệm xưa không về…”.
Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã được hồi sinh mạnh mẽ ngay trên “tọa độ chết” năm xưa. Mảnh đất bạc màu hoà lẫn máu xương của thế hệ cha anh đi trước đã được hồi sinh thành không gian xanh mướt của cỏ cây, thơm nồng hoa lá của thế hệ trẻ hôm nay như một sự tri ân, tiếp nối của sự sống trên mảnh đất anh hùng. Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn hôm nay đã được xây dựng lại bề thế, khang trang, xứng đáng với sự hi sinh cao cả của các chị, các anh của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây không chỉ là vùng đất thiêng liêng, là biểu tượng về sự hi sinh anh dũng của lực lượng Thanh niên xung phong, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mà còn là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước, niềm tự hào của các thế hệ người dân Việt Nam hôm nay và mai sau... Giờ đây, Truông Bồn là điểm đến du lịch tâm linh của nhân dân khắp mọi miền đất nước, hàng năm Khu di tích đón tiếp hàng trăm ngàn lượt khách về thăm viếng, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho Tổ quốc trường tồn.
Với chúng tôi, chỉ thoáng một buổi chiều thôi, nhưng đó chính là hình ảnh hoa mua tím Truông Bồn, là màu hoa tím lịm bầm đỏ cứ nở tươi, nở bung bên ngôi mộ chung suốt chiều dài lịch sử. Có những nỗi đau không thể nói thành lời, có những hy sinh không sử sách nào ghi hết, họ đã gạt đi bao nhiêu nước mắt, nỗi nhớ, niềm thương để sống và chiến đấu vì lý tưởng chung của cả dân tộc, họ đã lấy máu xương, tuổi thanh xuân cao quý của mình để hiến dâng cho Tổ quốc. Đó là kết tinh cao đẹp nhất tinh thần yêu nước, của ý chí quyết thắng giặc giặc Mỹ xâm lược, của lòng dũng cảm, nhân phẩm, lương tri và khát vọng hòa bình để viết nên một huyền thoại Truông Bồn trong thế kỷ XX./.