Họa sĩ Trần Thanh Thục: Bền bỉ đan bện những vẻ đẹp giản dị

19/10/2017 13:53

Theo dõi trên

Rất nhiều họa sĩ đã sáng tác về đề tài Hà Nội và nhiều người đã tạo dựng được tên tuổi. Trần Thanh Thục - một họa sĩ ở dòng tranh cắt vải hiếm hoi - cũng đi tìm vẻ đẹp thành phố thân yêu theo cách riêng của mình bằng tranh trường cảnh, được cắt ghép bởi hàng nghìn chi tiết nhỏ.

Ngày 13-10 tới đây, chị sẽ cùng nhóm 15 nữ họa sĩ ba miền Bắc - Trung - Nam triển lãm tranh có tên “Sắc màu”, với hơn 40 bức tranh. Với Thanh Thục, đây cũng là điều kiện để chị kể chuyện mùa thu Hà Nội theo cách riêng, và sức mạnh nội tâm của người phụ nữ.
 
 
Sen mùa thu - Tranh của họa sĩ Thanh Thục

1. Là người tự đi con đường độc đạo, từ hơn 30 năm qua, họa sĩ Thanh Thục đã tìm cách để những miếng vải cắt ghép với nhau. Chỉ cần đôi bàn tay khéo léo pha trộn màu sắc uyển chuyển từ vải vụn, không cần dùng thêm bất kỳ một phụ liệu nào khác. Nhưng tranh của chị vẫn sắc, vẫn thắm, có hồn và ngôn ngữ riêng. Chính những bức tranh vải đó đã “nói” được nhiều điều, giúp chị chuyển tải được tâm nguyện là ca ngợi vẻ đẹp cuộc sống, tình yêu thiên nhiên. Đặc biệt trong cả trăm bức tranh vải lớn nhỏ, Thanh Thục dành một phần rất lớn để lưu giữ những vẻ đẹp Hà Nội. Đó có thể là những góc phố rêu phong, những con đường heo hút hơi may mùa đông lá bàng rực đỏ. Hay đó là tà áo dài thiếu nữ thướt trong mùa xuân ngọt lành… Những vẻ đẹp của truyền thống Hà Nội từ lâu đã trở thành đề tài cho tranh chị, là điểm nhấn trong sáng tạo và chuyển tải được thông điệp: Hãy chung tay gìn giữ những vẻ đẹp truyền thống, ký ức xưa cũ.

Tôi đã ngắm nhiều tranh của chị trong các triển lãm gần đây, cũng mê man với nhiều bức tranh trong căn nhà của chị, mà Thanh Thục đã cần mẫn bền bỉ đan bện bằng niềm đam mê và cả tâm hồn của một người phụ nữ nhạy cảm. Chiêm ngưỡng bức “Hồ Gươm Hà Nội chiều thu”, sẽ thấy ánh lên vẻ kỳ công của đôi bàn tay khéo léo, không chỉ biết tưởng tượng, mà còn làm chủ được sắc màu. Thanh Thục nói: “Vẽ hay chụp tháp Rùa ở Hồ Gươm thì đã nhiều người làm và nhiều bức rất đẹp. Nên khi thực hiện tôi bị áp lực, là mình không thể làm qua quýt được. Tôi đã thai nghén suốt hai năm. Vì sao phải lâu đến vậy? Vì thật sự, để thể hiện bằng bột màu hay các chất liệu khác thì dễ hơn, chứ với chất liệu vải thì cực kỳ khó”, Thanh Thục tâm sự.

Quả thực, càng ngắm “Hồ Gươm Hà Nội chiều thu”càng thấy sự kỳ công của chị. Bức tranh tạo được ấn tượng cho người xem, với tháp Rùa thâm nghiêm soi bóng, vừa có chiều sâu, vừa có sức gợi. Vừa tả một biểu tượng vừa gợi nỗi niềm của người yêu lắm thiên nhiên và không gian Hồ Gươm.

Một bức ảnh khác, cũng có sức gợi về một vùng ký ức là “Hà Nội mùa thay lá” - Mô tả một trường cảnh, như người con gái đứng từ ban công nhìn ra phía xa, với một không gian khá trầm của sắc thu, những chiếc lá bàng chiếu ngược sáng trở nên đỏ sẫm. Một điểm nhấn khá sinh động là hình ảnh nhóm thiếu nữ thướt tha mặc áo dài trong khung trời khá êm đềm, làm cho con phố thu trở nên sinh động hơn.

Rồi bức “Hà Nội sớm mùa đông” có nét gì đó trầm buồn, như là tiếng nói khắc khoải của một người từng đắm đuối với rất nhiều hình ảnh thân thuộc của Hà Nội những năm 1980. “Tôi yêu và muốn thể hiện sinh động những nét sinh hoạt đời thường của Hà Nội. Hà Nội thật sự là đề tài vô tận cho các ngành nghệ thuật. Hiện nay tôi đang thực hiện bức “Ô Quan Chưởng”, cũng tốn khá nhiều tâm huyết”, Thanh Thục bộc bạch.
 
 
Họa sĩ Thanh Thục bên tranh "Hà Nội mùa thay lá"

2. Xin khái quát vài nét về Thanh Thục. Chị quê gốc ở Nam Định, khi học hết lớp bảy thì thi đỗ vào hệ Trung cấp (học 5 năm) của Trường Mỹ thuật Yết Kiêu. Đến bây giờ, nhớ lại cái ngày năm 1976 được ra Hà Nội học ngành mình yêu thích, họa sĩ Trần Thanh Thục vẫn nhớ cảm giác sung sướng, hạnh phúc. Sau khi ra trường, chị trở thành một công chức nhà nước nhưng vẫn duy trì niềm đam mê bằng tranh bột màu. Rồi chị đã tìm được đường đi riêng cho mình. Thanh Thục kể: “Tôi phát hiện ra vải cũng có thể trở thành một chất liệu để sáng tác hội họa trong một lần đến nhà bạn làm thợ may chơi, ngồi trò chuyện với bạn, buồn tay mới lấy kéo cắt những mảnh vải vụn và ghép thành một bức tranh phong cảnh làng quê trữ tình. Khi nhận ra hiệu ứng thẩm mĩ bất ngờ từ những mẩu vải vụn, lại được sự cổ vũ động viên nhiệt tình của bố và cả gia đình, tôi bắt đầu sưu tầm những mẩu vải vụn có họa tiết và cắt dán”.

Lúc làm tranh, chị giam mình trong kho vải, bịt khẩu trang, cần mẫn bới bới ghép ghép, như một bà đồng nát. Ở Việt Nam từng có một số họa sĩ làm tranh vải, nhưng là tranh khổ nhỏ, cắt ghép không cầu kỳ. Còn Thanh Thục thực hiện những bức trường cảnh tốn nhiều công sức. Mỗi một góc ảnh cũng chính là một bức tranh phong cảnh nhỏ. Tưởng là dễ nhưng để tìm được những miếng vải, những họa tiết vải ưng ý có thể ghép vào bức tranh một cách nhuần nhuyễn thật không dễ dàng. Thanh Thục tâm sự: “Khó khăn nhất là tìm họa tiết, hoa văn cho đề tài mình theo đuổi. Nếu đang thực hiện một bức mà chưa tìm thấy một miếng vải ưng ý thì phải dừng lại. Vậy nên cùng lúc có thể tôi làm vài bức, để khi làm bức này thì tìm nốt chi tiết cho bức kia. Tôi rất yêu những chi tiết mà các nhà thiết kế đã in lên các tấm áo dài, khăn quàng cổ. Đó là nguồn chất liệu vô cùng phong phú cho việc sáng tạo của tôi”.

Để tạo thành một lối đi riêng, Thanh Thục tự thấy mình là người cần mẫn và may mắn. Bởi trong nhà trường không dậy làm dòng tranh này. Bên ngoài đời, chị cũng chẳng từng được họa sĩ nào chỉ dạy. Cho tự nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm rồi đưa ra công chúng để tìm sự góp ý. Năm 2002, có một đôi vợ chồng khách người Thụy Điển, đã đến và mua cùng lúc 8 bức tranh cắt vải, khiến Thanh Thục mừng “muốn đứng tim”. Đó là một sự khích lệ vô cùng lớn lao, giúp chị có thêm động lực, tự tin làm việc.

Họa sĩ Thanh Thục vẫn tiếp tục mảng tranh về đề tài Hà Nội, hướng tới triển lãm riêng. Chị bảo mình mang ơn thành phố đã thắp ước mơ và cho chị rất nhiều kỷ niệm của một thời nhiều khát vọng. Chị yêu những con phố cũ, phố cổ, những hàng cây và những nét đẹp giản dị của thành phố nghìn năm văn hiến.
 
Nguyễn Văn Học

Bạn đang đọc bài viết "Họa sĩ Trần Thanh Thục: Bền bỉ đan bện những vẻ đẹp giản dị" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.