Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận nhằm phát huy giá trị văn hóa các dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Chiến lược phát triển văn hóa của tỉnh đến năm 2030 cũng đề ra mục tiêu cụ thể: "Hoàn thiện việc xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, chăm lo đời sống cho các nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh”.
HĐND tỉnh thể chế hóa các quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng về phát triển văn học, nghệ thuật; rà soát, bổ sung và xây dựng mới cơ chế, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật như chế độ nhuận bút, đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp và các hoạt động văn hóa quần chúng, đội ngũ nghệ nhân dân gian… Đến nay, toàn tỉnh có 1.482 đội văn nghệ quần chúng tại các thôn, xóm, tổ dân phố với hàng chục nghìn diễn viên, nghệ nhân; mỗi đội được hỗ trợ 2 triệu đồng/năm từ năm 2012 tăng lên 4 triệu đồng/đội/năm từ năm 2020. Chính sách này đã góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển; một số xóm, bản phát triển du lịch cộng đồng có từ 4 đến 6 đội văn nghệ thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách.
UBND tỉnh quan tâm xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn các lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật của tỉnh; ban hành các quyết định về phê chuẩn Bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình; Đề án bảo tồn, phát huy giá trị sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2018 - 2030. Trong đó, đề ra một số mục tiêu cụ thể như: tư liệu hóa nhóm di sản văn hóa loại hình nghệ thuật và diễn xướng dân gian (dân ca, thường rang, bộ mẹng, mo, trượng, mỡi, nghệ thuật chiêng sắc bùa, múa các dân tộc...); tư liệu hóa nhóm di sản văn hóa loại hình văn học dân gian (ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện thơ...).
UBND tỉnh đã ban hành Đề án bảo tồn, phát huy giá trị sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình; Đề án dạy và học tiếng dân tộc Mường; kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Chú trọng sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật các dân tộc như: pho sử thi đồ sộ "Đẻ đất, Đẻ nước” của người Mường, "Ẳm Ệt”- tác phẩm phản ánh lịch sử loài người theo nhận thức của người Thái cổ về nhân sinh quan, thế giới quan. Tổ chức thực hiện một số dự án truyền dạy nghệ thuật chiêng Mường, nghệ thuật hát ru, hát đối, bộ mẹng của người Mường; nghệ thuật hát (khắp) dân tộc Thái, dân tộc Tày; nghệ thuật trình diễn Mo Mường, chiêng Mường… góp phần kết nối cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, xây dựng văn hóa, con người Hòa Bình đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.
Tỉnh Hòa Bình hiện có 786 di sản văn hóa phi vật thể, gồm các loại hình tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng. Trong đó có 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: "Mo Mường Hòa Bình”, "Nghệ thuật chiêng Mường Hòa Bình”, "Tri thức dân gian Lịch tre dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình”, "Lễ hội truyền thống Khai Hạ của người Mường Hòa Bình”.
Từ các hoạt động, chương trình văn hóa nghệ thuật các dân tộc bước đầu khai thác phát triển thành một số sản phẩm công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế phục vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động sáng tác, quảng bá nghệ thuật, liên hoan văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, thưởng thức nghệ thuật cho công chúng. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được quan tâm, thu hút các nguồn lực trong toàn tỉnh để đầu tư xây dựng các thiết chế, công trình văn hóa, nghệ thuật. Có thể kể đến Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (thành phố Hòa Bình) là nơi tổ chức thành công 5 festival nghệ thuật, thu hút trên 200 lượt họa sĩ, nhà điêu khắc trong nước và 20 quốc gia trên thế giới, cùng nhiều cơ sở khác ở các huyện Mai Châu, Kim Bôi... Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở ngày càng được hoàn thiện, dần đi vào hoạt động hiệu quả.
Các hoạt động bảo tồn các sản phẩm văn hóa dân gian trong những năm qua đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững của tỉnh; ý thức về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh ngày càng được nâng lên. Vai trò quản lý, điều hành của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường, củng cố, phát huy hiệu quả. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật phát triển rộng khắp ở cơ sở, tác động mạnh mẽ, tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đông đảo người dân. Đội ngũ văn nghệ sỹ, nghệ nhân được động viên, khuyến khích kịp thời đã tích cực sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy, sáng tác các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, qua đó góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.