Hò khoan Lệ Thủy: Những “người nông dân hát” giữa thủ đô phồn hoa

29/03/2017 11:27

Theo dõi trên

“Hò khoan Lệ Thủy” là món “đặc sản” văn hóa người dân Quảng Bình dành tặng khán giả thủ đô trong khuôn khổ chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội” diễn ra từ 25 - 27/3/2017.

Điểm nhấn độc đáo

Nói đến Quảng Bình là nói đến khúc ruột miền Trung, nơi có chiều ngang hẹp nhất đất nước, một bên là Trường Sơn uy nghiêm, một bên là biển xanh cát trắng, đó là nơi đằng đẵng thời gian hơn 300 năm mang nỗi đau của chiến tranh, nơi gió lào thổi dạt bờ tre. Nhưng nơi đó, bên dòng Kiến Giang cuộc sống vẫn tươi xanh, vẫn vang vọng giọng hò khoan ngọt ngào mà rắn rỏi.
 



Hò khoan Lệ Thủy gắn với cuộc sống. Ảnh: Gia Linh

Với các tác phẩm: Đi hội chùa Hoằng, Hò năm mái lời cổ, Tấu chăn vịt, Hò đối đáp giao duyên, Phong Nha nhất động kỳ quan, Địa tướng về thăm quê rộn vui mùa lễ hội, Hò lĩa trâu, Hò nhân nghĩa giao duyên, Vè: Nghìn thu nhớ Bác, Hò khơi, Hò Giã bạn, Chầu văn: Huyền thoại Trần Nhân Tông… qua sự trình diễn của các nghệ nhân dân gian đến từ Câu lạc bộ nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy đã mang đến cho người dân thủ đô và du khách quốc tế những phút giây lắng đọng.

Ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, đây là lần đầu tiên dân ca hò khoan Lệ Thủy, một nét văn hóa rất độc đáo của miền quê Quảng Bình do các nghệ nhân dân gian của huyện Lệ Thủy biểu diễn tại Hà Nội và được đông đảo khán giả thủ đô, khách du lịch thích thú. Đây cũng là một trong những điểm nhấn đặc biệt của chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội” do UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức từ 25-27/3/2017 tại Hà Nội.

Di sản hò khoan Lệ Thủy là nét văn hóa rất độc đáo của Quảng Bình. Hò khoan Lệ Thủy bắt nguồn từ lao động sản xuất và đã lưu truyền từ nhiều đời nay. Những giai điệu hò khoan Lệ Thủy đã lên sân khấu lớn và biểu diễn nhiều nơi, là món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với người dân Quảng Bình, ông Hồ An Phong khẳng định.

Qua đó, chúng tôi muốn giới thiệu, quảng bá hình ảnh Quảng Bình mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa lịch sử, nơi giao thoa và tiếp biến văn hóa đồng thời là vương quốc hang động của thế giới tới nhân dân Hà Nội cũng như du khách quốc tế, ông Phong cho biết. Cũng chính vì vậy, giai điệu hò khoan đã góp mặt trong phần mở màn chương trình nghệ thuật đỉnh cao “Quảng Bình trong câu hát” tối 26,27/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Những “người nông dân hát”

Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hùng Vỹ cho biết, nét đặc sắc của hò khoan Lệ Thủy so với các loại hình nghệ thuật khác là hò khoan lệ thủy gắn bó rất chặt chẽ với đời sống thực tiễn lao động sinh hoạt của người dân. “Ta thấy quan họ là nghệ thuật thính phòng rất rõ, xoan ghẹo thì thường gắn với các nghi lễ, nhưng hò khoan lệ thủy thì gắn bó với cuộc sống”.

 


Biểu diễn hò khoan Lệ Thủy. Ảnh: Gia Linh

Bất cứ một phương thức sản xuất nào trên đất đó người ta đều có thể đưa vào điệu hò khoan. Từ trên rừng  đi chặt củi, đi kéo gỗ, đi cày, đi cấy, đi đập đất, đánh cá trên sông, chèo đò trên biển đến mừng thọ, khánh thành nhà, dựng nhà người ta cũng hát, thầy Vỹ chia sẻ.

Ông Trần Đình Thám, 65 tuổi – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy cho biết, để thực hiện một chương trình hò khoan lệ thủy chín mái nhuần nhuyễn, ngoài mục đích bảo tồn dân ca dân gian của quê hương, với ông còn xuất phát từ tình yêu quê hương. Ông cho biết, CLB hiện có 24 thành viên, trong năm nay đã công nhận được 07 nghệ nhân, 03 nghệ nhân quốc gia, 04 nghệ nhân cấp tỉnh. Đặc biệt, luôn có sự tiếp nối giữa nhiều thế hệ để các làn điệu hò khoan được lưu truyền.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lý, 64 tuổi (tại Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cho biết hò khoan Lệ Thủy bắt nguồn từ lao động sản xuất và được mọi người yêu thích. Hò khoan Lệ Thủy có chín mái nhưng thường thông dụng là sáu mái, hai mái đó là miền biển và miền rừng. Chín mái bao gồm: mái ba, mái nện, mái chè, mái dài, mái sắp, mái duỗi, hò khơi, hò nấu săm, hò lĩa trâu.

“Gia đình tôi 4 đời đã hát hò khoan, bố tôi – Nguyễn Hữu Sang nay đã 98 tuổi và vẫn còn hò được, mới đây ông đã được công nhận là nghệ nhân dân gian.  Tôi được nhà nước công nhận là nghê nhân ưu tú, còn em trai được công nhận là nghệ nhân dân gian. Trong buổi  biểu diễn hôm nay, các thành viên của gia đình tôi cũng tham gia biểu diễn.” cô Lý chia sẻ.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lý cũng là một trong những thành viên sáng lập câu lạc bộ Hò khoan Lệ Thủy, cô cũng là người chuyển thể thể các làn điệu và dàn dựng các tiết mục hò khoan. Dù không được trả công, nguồn kinh tế duy trì câu lạc bộ đều từ nguồn xã hội hóa, nhưng các thành viên của CLB luôn nhiệt tình, tâm huyết với các giai điệu hò khoan.

 “Chứ công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn i a chữ hiếu mới ơi à hò khoan… cho tròn chứ hiếu mới là ơ là hò hô… mới là đạo con hò hô”...

“Khi cất lên tiếng hát, tình cảm của mình đưa vào câu hát, tiếng hò sâu lắng khiến nhiều người xa quê muốn khóc. Lời văn của câu hò khoan có nhiều ý nghĩa, vừa là tình yêu đôi lứa, vừa là công cha nghĩa mẹ, vừa là tình yêu quê hương, với nhiều bản sắc bởi vậy người dân nào cũng thích cả”, cô Lý cho biết.

Gìn giữ bản sắc quê hương

Hò khoan Lệ Thủy gắn liền với lao động sản xuất nhưng giờ đây phương thức lao động sản xuất cũng đã thay đổi, hò khoan cũng đứng trước những nguy cơ mai một. Đó cũng là động lực để nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lý xây dựng CLB hò khoan Lệ Thủy và đưa hò khoan truyền dạy.

Chị Nguyễn Thị Lan, vừa là cán bộ Trung tâm văn hóa huyện Lệ Thủy, đồng thời là một thành viên của CLB Hò Khoan Lệ Thủy khẳng định: “Hò khoan Lệ Thủy là nơi nuôi dưỡng tâm hồn của con người mảnh đất này. Bên dòng Kiến Giang, mọi người lớn lên từ lơi ru, điệu hát hò khoan Lệ Thủy. Điệu hò khoan gắn bó với cuộc sống con người nơi đây trong lao động sản xuất, sinh hoạt, hội nghị đều có thể sử dụng hò khoan. Tôi muốn được góp công sức trong việc bảo tồn làn điệu hò khoan Lệ Thủy,  truyền dạy cho các  em nhỏ  để hò khoan không mai một và lưu truyền từ đời này sang đời khác.”


“Lệ Thủy quê mình nghĩa tình sâu nặng, hạt lúa dãi dầu năm nắng mười sương ơi hò khoan…”

Chị Lan cũng cho biết, hiện nay Quảng Bình đã đưa hò khoan Lệ Thủy vào mảng giáo dục từ bậc học mầm non đến THCS, thông qua tiết giáo dục địa phương (1 tuần/1 tiết).  Vì vậy, các em từ mầm non trở lên đều biết hát hò khoan. Phòng giáo dục huyện Lệ Thủy cũng đề nghị CLB hò khoan bồi dưỡng cho các giáo viên âm nhạc để truyền dạy cho các em nhỏ.

Khi truyền dạy tại các trường, dù không có kinh phí nhưng tôi thấy rất hạnh phúc vì được truyền dạy, hun đúc ngọn lửa, tình yêu của các em với hò khoan Lệ Thủy để dần dần các em thấm sâu hơn, để bảo tồn được hò khoan Lệ Thủy, chị Lan chia sẻ


Gia Linh

Nguồn: cinet.vn
Bạn đang đọc bài viết "Hò khoan Lệ Thủy: Những “người nông dân hát” giữa thủ đô phồn hoa " tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.