Trụ sở của Ban giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim (VQGTC) đã dời về địa điểm mới, cách chỗ cũ cả cây số. Khang trang, bề thế với tòa nhà 2 tầng. Phòng làm việc của Giám đốc VQGTC Nguyễn Văn Hùng treo tấm ảnh lớn, rất ấn tượng: Đàn chim hồng hạc vươn mình trong nắng ban mai. Chụp được những tấm ảnh về loài chim quý này phải là người thực sự say mê và kỳ công lắm. “Ảnh tôi chụp đó. Chụp để giới thiệu với bạn bè nét đẹp nơi mình đang sống, làm việc”, ông Hùng cởi mở.
“Nơi đây âm dương hòa hợp. Cúi mặt xuống đất thấy tràm, ngửa mặt lên trời thấy chim. Thân phụ tôi nay đã trên 90 tuổi, ông sinh ra đã thấy Tràm Chim rồi. Chúng ta đang ngồi trên vùng đầm lầy xưa đó...”, với tính nghệ sĩ và lợi thế là dân địa phương, trên 25 năm làm công tác khoa học ngay tại VQGTC nên ông Hùng có cái nhìn thật tỉ mỉ và đa chiều về nơi này.
Đồng Tháp Mười có diện tích trên 700.000ha, trải dài trên 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang. VQGTC là sinh cảnh đất ngập nước phèn - rừng tràm còn lại lớn nhất Đông Dương, là một trong số ít “cánh đồng hoang” còn lưu giữ những mẫu cuối cùng của hệ sinh thái Đồng Tháp Mười. Những cánh rừng tràm bát ngát xen kênh rạch uốn lượn. Năng mọc bạt ngàn, lan ra sát lộ, với nhiều chủng loại (năng ống, năng kim…). Và còn độc đáo bởi lúa ma/lúa trời, một thuở khẩn hoang sống dựa thiên nhiên, những cách đồng sen mênh mông cùng thảm thực vật nổi thủy sinh phong phú như bông súng, củ co, rau nhút…
Mùa khô là mùa vũ điệu của sếu đầu đỏ, loài sếu có tên trong Sách Đỏ thế giới. Cả trăm con, mỗi con nặng từ 7-15kg, cao hơn 1m, bay lượn, tỏ tình trên bãi năng. Chiều về, rừng tràm cực kỳ sống động, xào xạc rợp cánh chim chao nghiêng về tổ (hơn 200 loài chim, trong đó 32 loài chim có giá trị bảo tồn, 12 loài trong Sách Đỏ Việt Nam). Xứ này từ xưa nức tiếng “vương quốc cá”, với trên trăm loài gồm nhóm cá đen/cá đồng (cá lóc, cá trê, cá rô…); cá trắng/cá sông (cá chép, cá chốt, cá he…). Nguồn lợi từ cá lớn lắm, qua mặt lúa xa lắc. Ngày trước, để được phép khai thác cá, ngư dân Sở Hạ và xứ Như Cương (nay thuộc Đồng Tháp) sẵn sàng nộp thuế cho Nhà nước 26.130 quan tiền, tương đương số tiền thuế đánh trên 13.065 mẫu vườn hạng nhất (Gia Định thành thông chí - Trịnh Hoài Đức). Chưa đầy 10 năm trước, ngay sát VQGTC, người dân khai thác cá đã đạt doanh thu quy ra 9 - 10 tỷ đồng mỗi năm. Đến bây giờ, dù sản lượng đã giảm sút, nhưng cứ ghé bất kỳ quán nào, từ thị trấn Thanh Bình hướng về Tam Nông, cũng có sẵn những con cá lóc to đợi chờ…
Bảo tồn đất ngập nước
Thời gian qua VQGTC đã làm được hai vấn đề lớn, tác động tích cực đến việc bảo tồn bền vững khu Ramsar thế giới (được công nhận ngày 22-5-2012) rất đặc biệt này. Đó là việc xử lý, điều tiết nước hợp lý và làm giảm xung đột lợi ích; đưa người dân, cộng đồng cùng tham gia bảo tồn, phát triển.
Nước, “vận mệnh” của VQGTC. Khô quá dễ cháy rừng, còn ngập quá khiến hệ sinh thái suy thoái, thu hẹp diện tích đồng cỏ năng, nguồn thức ăn chính của đàn sếu... “Quản lý nước phải dựa vào chính thiên nhiên nhưng cũng thật khoa học, thủy vực phải phù hợp sự phát triển của từng thảm thực vật”, Giám đốc Nguyễn Văn Hùng chia sẻ. Với sự giúp sức của các chuyên gia hàng đầu thuộc Chương trình Bảo tồn đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước Mekong, các nhà khoa học Việt Nam đã triển khai dự án “Quản lý thủy văn nhằm điều tiết nước hợp lý”. Mực nước tại đây được lập bảng theo dõi chặt chẽ từng ngày, từng tháng, từng mùa cho từng phân khu...
Bảo tồn bền vững phải hài hòa với “cuộc chiến” chống đói nghèo, giảm thiểu xung đột lợi ích, giữ gìn nét văn hóa lịch sử của địa phương. Dự án “Quản lý cảnh quan và phát triển sinh kế bền vững trong và xung quanh VQGTC” (Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) - Chương trình Việt Nam tài trợ), dự án “Bảo tồn đất ngập nước có sự tham gia của cộng đồng”... cũng đã được triển khai. Hàng trăm hộ dân nghèo được cấp thẻ, hàng chục ngàn lượt người đã tham gia khai thác “có kiểm soát” (quy định rõ địa điểm khai thác, phương pháp đánh bắt, thời gian đánh bắt và sản lượng…) giúp nâng cao thu nhập, đặc biệt trong mùa lũ (khoảng 1,5 triệu đồng/hộ/tháng) và nhờ đó các vụ xâm chiếm, vi phạm trái phép giảm rõ rệt...
Đáng quý hơn, những thành công đó nằm trong bối cảnh biến đổi khí hậu gay gắt; thay đổi cả chế độ thủy văn, hệ sinh thái, tự nhiên lẫn xã hội. Những bàu, lung, rọc, trấp… đã mất dần; nước ngày càng khan hiếm. “Hồi xưa, dân múc nước lóng phèn là dùng được, sắp tới cẩn thận không có nước để… rửa chén nữa; cá đẻ cũng khó khăn hơn, có loài sẽ mất đi. Năm nay, nước lũ nhỏ nhất trong vòng 30 - 40 năm qua. Chúng ta phải chủ động để đối phó với lượng nước về sẽ ngày càng ít trong tương lai”, ông Nguyễn Văn Hùng nhận định.
“Dấu chân mới”
“Mừng lắm nhưng cũng lo”, Giám đốc Hùng tâm sự khi VQGTC được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích danh lam thắng cảnh (tháng 10-2015). Đồng Tháp có tầm nhìn xa đối với “kho báu” này khi mạnh dạn bố trí kinh phí từ nhiều năm trước (khoảng 10 tỷ đồng/năm) để nâng cấp, xây mới trụ sở, cơ sở hạ tầng; đầu tư trên 200 tỷ đồng cho dự án bảo tồn, phát triển VQGTC (giai đoạn 2013-2020); mời giảng viên từ TPHCM xuống đào tạo nghiệp vụ du lịch...
“Sẽ còn nhiều việc phải làm để thực hiện đúng theo Công ước Ramsas, quy định của Bộ VH-TT-DL, nghiên cứu kế hoạch trữ nước ngọt…”, Giám đốc Nguyễn Văn Hùng nói vậy nhưng nhấn mạnh, trước mắt sẽ tập trung xây dựng, triển khai 2 dự án lớn; đó là dự án “An sinh xã hội cho bà con nghèo sống trong vùng đệm” và dự án “Du lịch sinh thái với quy mô và tính chuyên nghiệp cao”.
Theo ông Hùng, các dự án phải hướng đến xã hội hóa với nhiều loại hình mới như du lịch trải nghiệm khoa học (bảo tàng chim, cá…), du lịch kiểm lâm, homestay và kỹ năng sống trong rừng…
VQGTC sẽ in nhiều dấu chân mới. “Xinh tươi con gái Tháp Mười/Tay ôm bó lúa, miệng cười như hoa”. Trước năm 2000, có hơn 1.000 khách du lịch/năm; giai đoạn năm 2010 - 2012, khoảng 10.000 khách/năm; năm 2014 có 60.000 và 9 tháng đầu năm 2015 đã vọt lên trên 100.000 khách. “Đầu tháng 12 tới là Ngày hội du lịch VQGTC, năm nay có thêm dịch vụ ô tô điện và sắp triển khai 4 tàu năng lượng phục vụ khách du lịch. Dự kiến, năm tới 60 cán bộ nhân viên Trung tâm du lịch VQGTC sẽ tự lo kinh phí hoạt động, lương…”, Giám đốc Hùng cho biết.
“Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười” (Nguyễn Hiến Lê) hấp dẫn một “Đồng Cỏ Lát” (tên gọi khác của Đồng Tháp Mười) hoang sơ. Bây giờ, “núi rừng có điện thay sao” nhưng nét xưa vẫn còn lưu giữ nhiều lắm. Huyền ảo những cánh chim chấp chới trên những cánh đồng năng bạt ngàn ngập nước.
Theo Vũ Thống Nhất (SGGP Online)