Háo hức chờ đón lễ hội đua Bò Bảy Núi An Giang

20/09/2016 08:51

Theo dõi trên

Bước qua tháng 10 là những ngày cuối mùa vụ của nông dân nơi này. Đây là thời gian dành cho những lễ hội của người Chăm, người Khơ Me hay là lúc những người nông dân bắt đầu thay đổi công việc làm nông hằng ngày bằng việc tận dụng mọi nguồn thu từ mùa nước nổi. Một trong những lễ hội đáng chú là lễ hội đua Bò Bảy Núi của cộng đồng người Khơ Me ở An Giang (diễn ra vào cuối tháng 8 - đầu tháng 9 ÂL)

Tương truyền…

Từ xa xưa, người Khmer An Giang đã sống theo phum sóc quanh chân núi. Hầu hết người Khmer đều làm ruộng và bò là động vật cày kéo nên được nuôi nấng, chăm sóc rất kỹ.

Tương truyền, có những chiều cày ruộng xong sớm, một số chủ bò cao hứng rủ nhau bắt cặp đua chơi, từ từ trở thành lễ hội.

Còn theo những người già trong làng thì lễ hội này có một nguồn gốc khác. Hằng năm các đôi bò trong phum sóc đều kéo nhau đến cày bừa thí công cho đất của chùa. Sau những buổi cày bừa các đôi bò lại rủ nhau đua. Sư Cả chùa và À cha thấy vậy đứng ra tổ chức và treo giải thưởng là những sợi dây nài khớp bạc hoặc những vòng lục lạc đẹp mắt. Từ đó đua bò trở thành tập quán của người Khmer Bảy Núi vào dịp Tết Đôn-ta hằng năm, khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 Âm lịch.

khách là sứ giả của tổ tiên về thăm gia đình.

Sau khi đến chùa làm lễ rước vong linh ông bà tổ tiên về cùng chung vui với gia đình, người Khơ-me thường kết những bè chuối để làm thuyền, trên thuyền bày đủ các phẩm vật đã cúng, mỗi thứ một ít, sau đó đem thả xuống dòng nước cạnh nơi ở hoặc ao hồ, sông rạch gần nhà...

Cũng vào dịp này, khách đến thăm phúm, sóc sẽ được bà con Khơ-me đón tiếp nồng hậu, tiếp đãi chu đáo. Vì họ quan niệm khách là sứ giả của tổ tiên về thăm gia đình, con cháu...

Trong lễ ''Đôn-ta" ngoài tập tục thả thuyền, người Khơ-me còn tổ chức hội đua bò truyền thống. Để chuẩn bị cho cuộc đua bò, họ chọn một khoảnh ruộng bằng phẳng, chiều dài chừng 200m, ngang 100m có nước xăm xắp, được “trục” xới nhiều lần cho có độ trơn của bùn, bốn bên có bờ bao và điểm đích có đoạn đường trống để làm độ dừng an toàn cho bò.




(Ảnh: Ban tuyên giáo An Giang)


Đoạn đường đua chính chỉ cần 120m theo khoảnh ruộng cặp sát bờ bao. Nơi xuất phát được cắm 2 cây cờ màu xanh, đỏ mỗi cây cách nhau 5m, và tại điểm đích cũng vậy. Đôi bò nào đứng ở vị trí cây cờ màu gì thì điểm đích cũng theo màu của cây cờ đó.

Trước khi vào cuộc đua, họ chọn từng đôi bò với nhau hoặc bốc thăm và thỏa thuận một số quy định cần thiết như ai sẽ đi trước, đi sau... Nhưng thông thường đôi đi sau có phần ưu thế hơn. Nếu trong khi đua, đôi bò nào chạy tạt ra khỏi đường đua sẽ bị loại và đôi bò sau giẫm lên giàn bừa của đôi bò trước là thắng cuộc. Còn người điều khiển phải đứng thật vững nếu bị ngã hoặc rơi ra khỏi giàn bừa coi như thua cuộc.

Từng đôi bò được ách vào một chiếc bừa đặc biệt, gọng bừa là bàn đạp gồm một tấm gỗ rộng 30cm, dài 90cm, bên dưới là răng bừa. Người điều khiển bò cầm roi mây hoặc khúc gỗ tròn vừa tay độ 3cm, đầu có tra cây đinh nhọn - cây xà-lul. Khi bắt đầu lệnh xuất phát của trọng tài, người điều khiển chích mạnh cây xà-lul vào mông con bò, bò bị đau phóng nhanh về phía trước, quan trọng là phải chích cho đều cả hai con thì vận tốc của đôi bò mới quyết liệt và hấp dẫn.

Điều này có khác với đua ngựa ở chỗ là mỗi người cưỡi một con, ai về đích trước sẽ thắng cuộc.

Ngày hội đua, từ sáng sớm bà con đã có mặt đông đảo tại địa điểm đua bò. Có người ở cách xa hàng vài cây số cũng mang theo cả xoong, nồi, mắm, muối nấu ăn tại chỗ để xem cho trọn vẹn cuộc đua. Chỗ xem cũng không cần cầu kỳ như xem bóng đá, đua ngựa hay một số môn thể thao khác, chỉ cần đứng ở vị trí hơi cao so với mặt sân đua hay leo lên bờ bao là đủ. Từ lúc cuộc đua bắt đầu cho đến kết thúc không khí lúc nào cũng tưng bừng và hào hứng, tiếng vỗ tay, reo hò, sôi nổi cổ động dành cho những người điều khiển các đôi bò giỏi hoặc những pha về đích gay go, quyết liệt.


Linh Linh (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Háo hức chờ đón lễ hội đua Bò Bảy Núi An Giang" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.