Miếu Thần Cẩu được xây dựng ở vị trí đắc địa
Tượng "Thiên Cẩu Thần"
Đền thờ Thần Cẩu được xây dựng với không gian thoáng đảng hướng ra sông Bồ và dãy núi phía xa. Cổ tượng chó có đeo một tấm bài mà người dân xóm Hóp tin rằng tấm bài đó là một tính vật của một vị thần được trời phái xuống trần gian để hoàn thành sự mệnh.
Trong kinh phật cũng như trong các bài nghiên cứu khác, các tác giả đều nhắc đến việc thờ cúng Thần Đá, Thần Cẩu... Hình thức chó đá dữ vai trò canh gác rất phổ biến trong văn hóa Việt Nam.
Dân làng Bao La thờ tượng chó là để bảo vệ tinh thần, của cải của dân làng vừa để cầu phúc lộc. Ông Nguyễn Văn Kỳ (82 tuổi) là một trong số những người già nhất ở làng Khẳng định: "Trước đây, nhà nào có người đau ốm, bệnh tật lâu ngày không khỏi hay tâm bệnh, gia đình có chuyện đều tới khấn vái Thần Cẩu. Qủa nhiên bệnh tật không còn, gia đình êm ấm. Miễn là có tâm thì Thần Cẩu sẽ phù hộ độ trì".
Có rất nhiều giai thoại kỳ bí về tượng Thần Cẩu. Truyền thuyết kể rằng, ngày trước, làng Bao La hay xảy ra hạn hán. Người dân phải đi đào giếng khắp nơi để tìm nguồn nước. Khi tìm thấy mạch nước thì cũng bắt gặp tượng một con chó i chang chó thật. Họ tin rằng đây là vị thần mà ông trời phái xuống để giúp họ. Vì thế, dân làng kính cẩn đem tượng Thần Cẩu về thờ tại ngôi miếu ở xóm Hóp (trước đây là xóm Đại Phu Tiền).
Tượng Thần Bà Đá được hương khói quanh năm
Một câu chuyện khác về Thần Cẩu. Có một đợt, khắp vùng đều bị dịch trâu bò hoành hành, chết như ngả rạ. Cứ tối đến là có một con chó trắng chạy quanh làng Bao La. Nó vừa chạy vừa sủa, tư thế như đang chống lại kẻ thù để bảo vệ đàn gia súc. Năm đó, chỉ có làng Bao La là không bị dịch. Từ đó, người ta thờ tượng Thần Cẩu và tin tưởng tuyệt đối vào sự linh thiêng của nó.
Giai thoại khác không kém phấn thú vị, ở làng Hạ Lang có nhiều nhà bị cháy mà không rõ lí do. Người ta cho rằng những ngôi nhà đó cháy là do che mất tầm nhìn của Thần Cẩu. Có nhà bị cháy đến hai lần, có nhà vừa mới xây xong đã cháy. Sau này, dân làng Hạ Lang phải xây một ngôi đền trên đất làng mình đối diện với miếu Thần Cẩu (làng Bao La) cách một cánh đồng khoảng ba trăm mét. Phía trước đền có một tấm bình phong chạm hình con hổ rất lớn và hung dữ để chặn lại "tia mắt lửa" của Thần Cẩu. Từ khi có tấm bình phong chạm hình con hổ dữ, làng Hạ Lang không còn nhà bị cháy nữa. Ngôi đền ấy được người dân gọi là đền Bà Vại (hiện nay vẫn còn). Và còn rất nhiều câu chuyện khác về sự linh thiêng của Thần Cẩu.
Vào khoảng năm 1980, miếu thờ Thần Cẩu bị đập phá, bức tượng chó đá bị gãy làm đôi và hư hỏng. Mấy năm sau đó, một người họ Hoàng ở làng khác bị chết đột ngột không rõ lí do. Dân làng Bao La tin cái chết của người đó có liên quan đến việc đập phá tượng Thần Cẩu. Mãi cho đến sau này, một trí thức của làng là tiến sĩ ngôn ngữ học Võ Xuân Trang cùng người cháu là Võ Văn Văn đã tu sửa lại miếu, xây dựng lại tượng chó đá tại địa điểm cũ (chỗ hiện nay) có hình thù như hiện nay.
Thờ tượng chó đá không phải là hiếm có ở Việt Nam nhưng không có nơi nào người ta thờ cúng Thần Cẩu trang nghiêm như ở làng Bao La. Đền thờ nằm ở bị trí đắc địa, thoáng mát, luôn được quét dọn sạch sẽ. Vào những ngày mười bốn, rằm, ba mươi, mùng một, ông từ xóm Hóp - ông Thái Văn A bưng mâm lễ vật gồm con gà, đĩa xôi, cau trầu, rượu và hoa quả lên cúng Thần Cẩu. Cứ ba năm một lần dân làng lại bầu ông từ để trong coi ngôi miếu.
Tượng "Thần Bà Đá"
Dân làng Bao La cung kính gọi bức tượng đá có thế ngồi của phật, không đầu, một vú là "Thần Bà Đá". Ngôi miếu của thần Bà với sự thần bí, linh nghiệm của mình, người dân không ai dám mạo phạm, phỉ báng. Chỉ có những bô lão, ông từ và thầy cúng mới dám đến gần tượng Thần Bà.
Tượng Bà Đá được gắn với nhiều giai thoại về vị thần một vú được trời ban xuống dương gian và được người dân truyền tụng từ bao đời nay.
Tương truyền rằng hơn 300 năm về trước, tại xóm Chùa - thôn Bao La, trong một lần người dân đào giếng lấy nước tưới tiêu thì thấy dưới đáy giếng trước chùa làng Bao La một bức tượng đá có tư thế ngồi như tượng phật, điều kỳ lạ là bức tượng chỉ có một vú và không có đầu.
Nhiều vị cao niên ở làng kể lại rằng vì thấy hình thù bức tượng kỳ dị nên dân làng xóm Chùa đem ra sông Bồ để thả. Tượng bằng đá khá nặng lẽ ra phải chìm xuống đáy nhưng vài ngày sau, nó trôi xa gần 2km ở làng Hạ Cảng. Nhiều người trong làng nằm mơ đều có giấc mộng giống nhau. Họ thấy một người phụ nữ có một vú "báo mộng" rằng: "Dân làng Bao La hãy đem ta về thờ tự, ta sẽ bảo vệ và phù hộ cho". Dân làng đã đến bến nước Hạ Cảng để đem bức tượng đá không đầu về lập miếu thờ. Tên gọi "Thần Bà Đá" được người dân cung kính và truyền tụng từ đó.
Tượng Thần Cẩu rất linh thiêng
Tượng Thần Bà Đá có chiều cao gần 2 mét, mặc ngoài bộ áo dấy màu vàng, ngồi trên bệ thờ. Mỗi năm, dân làng thay áo cho Bà Đá một lần vào ngày 30 tết âm lịch.
Tượng Bà Đá cũng có những giai thoại đầy tính ly kỳ không kém gì Thần Cẩu. Hễ ai dám mạo phạm đến Bà Đá thì đều bị Bà bắt phạt. Nhiều thanh niên trong làng không tin vào sự linh thiêng của Bà nên đã thách đố nhau, ban đêm dám mò vào miếu sờ vú của Bà Đá. Về đến nhà ai nấy đều bị đau đớn, quằn quại và nói nhảm. Sau đó, phải nhờ mấy bô lão trong làng tới miếu để say vía thì mới khỏi.
Theo lời chỉ dẫn của bà con trong làng, chúng tôi tìm đến nhà ông Đinh. Ông Nguyễn Đinh (74 tuổi) kể lại chuyện con trai mình bị Thần Bà bắt phạt: "Chuyện này tôi đã kể cho vài người nghe, không tin cũng phải tin. Con trai tôi Nguyễn Văn Thành năm nay đã 44 tuổi, vì không tin vào sự linh thiêng của Bà Đá nên đã mạnh miệng nhạo báng thần linh, bị Bà bắt phạt. Sau một hồi quằn quại, rên la chính hắn phải thốt ra "Ba ơi! Con bị thần bắt phạt. Ba ra miếu Bà Đá say vía cho con với! Con đau quá". Tôi đi nhờ thầy về cúng thế là thằng con tôi hết đau".
Ngày lễ vía Bà Đá là ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch hàng năm. Điều đặc biết ở đây là cứ đến ngày vía, vú của bức tượng không đầu này lại chảy sữa.
Các bậc cao niên ở làng cho biết dân xóm Chùa, làng Bao La từ xưa đến nay luôn tin vào sự linh ứng, kỳ diệu của Thần Bà Đá. Niềm tin ấy mãnh liệt truyền từ đời này sang đời khác.
Ông Kỳ nói: "Cứ ngày vía mùng 10, tháng giêng âm lịch tượng Bà Đá chảy sữa, dân làng đều tin như vậy".
Những năm làng tổ chức lễ hội lớn thì luôn phải cúng cho Thần Bà Đá một cái đầu heo.
Vào các ngày lễ "Xuân thu nhị kỳ", làng cúng thổ thần đất đai để cầu mưa thuận gió hòa, người dân ăn nên làm ra. Nghi lễ được tổ chức long trọng ở đình làng, ngoài ra còn phải cúng ở miếu Thần cẩu và Miếu Thần Bà Đá.
Dân làng Bao La tin rằng: hai bức tượng thần tồn tại ở đây từ hàng trăm năm trước, trải qua bao thăng trầm, gắn bó với con người và đất nên nó kết tinh, tập trung linh khí của dân làng.
Nếu ở xóm Hóp có ông từ Thái Văn A trong coi tượng thần cẩu thì ở xóm Chùa có ông Võ Chức trong coi tượng Thần Bà Đá. Vào những ngày ba mươi, mùng một và ngày vía là ông ra miếu quét dọn, thắp hương, cúng mâm quả cho Thần Bà.
Trưởng thôn Dương Nồng cho biết: "Hai bức tượng Thần Cẩu và Thần Bà Đá đã gắn liền với đời sống tâm linh của người dân thôn Bao La từ xưa đến nay. Họ luôn tinh vào những điều tốt đẹp mà hai vị thần đó mang lại. Đời này qua đời khác, người ta truyền tụng cho nhau nghe về những giai thoại của hai vị thần từ đó giáo dục con cháu luôn làm điều thiện, không được làm việc sai trái. Đây là đời sống tâm linh lành mạnh, chúng ta nên phát huy và gìn giữ".