Hà Tĩnh: Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn từ việc lấn chiếm lòng, lề đường để tuốt lúa, phơi thóc và rơm rạ

18/05/2023 22:58

Theo dõi trên

Trước tình trạng tuốt lúa, phơi thóc và rơm rạ trên nhiều tuyến đường vừa mất mỹ quan vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT), Công an nhiều huyện, thị trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo ATGT.

4-1684399407.jpg
Việc tuốt lúa, phơi rơm rạ trên các tuyến đường không chỉ gây cản trở giao thông, mất ATGT mà tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Ảnh: P.V

Hiện nay, các địa phương đang bước vào vụ thu hoạch lúa mùa. Sau khi thu hoạch, người dân thường tập kết nông sản, phơi thóc hay rơm rạ trên lòng, lề đường, hành lang an toàn đường bộ từ đường quốc lộ, liên huyện, liên xã đến liên thôn tại các địa phương. Một số nơi, người dân còn tuốt lúa ngay trên mặt đường giao thông làm cản trở và mất ATGT trên các tuyến đường.

Ngoài ra, người dân còn tiến hành đốt rơm, rạ ngay trên lề đường, mái ta luy và tại chân cọc tiêu, biển báo hiệu đường bộ… làm hư hại hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ cũng như gây ô nhiễm môi trường, cản trở tầm nhìn, làm ảnh hưởng lớn đến người tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

1-1684399563.jpg
Đoạn đường tỉnh lộ 547 đi qua xã Thạch Mỹ người dân phơi thóc lấn chiếm hết lòng đường. Hình ảnh lực lượng CSGT Công an huyện Lộc Hà tuyên truyền, giúp người dân dọn dẹp để đường thông, hè thoáng. Ảnh: P.V 

Lý do mà người dân nêu ra là do diện tích chật hẹp, sợ phơi thóc làm bụi bẩn nhà cửa nên mang ra đường phơi, chiếm hết lòng đường tham gia giao thông của các loại phương tiện cơ giới đường bộ.

Không chỉ vậy, nhiều loại gạch, đá, cành cây… được người dân dùng để chèn bạt phơi đã trở thành những chướng ngại vật nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông nên các phương tiện khi lưu thông qua những đoạn đường này đều phải giảm tốc độ hoặc lấn sang làn đường ngược chiều.

2-1684399401.jpg
Những viên gạch được người dân dùng để chèn bạt phơi lúa gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ảnh chụp tại QL15B đoạn qua xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc. Ảnh: P.V

Để ngăn chặn kịp thời các hành vi sai phạm trên, phòng ngừa các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra, lực lượng Công an các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời ban hành văn bản gửi Công an các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo TTATGT. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm việc lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè làm nơi tuốt lúa, phơi thóc, đốt rơm rạ theo quy định của pháp luật.

can-loc-1684399480.jpg
Đội CSGT Công an huyện Can Lộc nhắc nhở người dân xã Sơn Lộc cần có ý thức chấp hành giữ gìn TTATGT. Ảnh: P.V

Thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chính là do việc phơi rơm rạ, thóc trên đường. Đặc biệt, có những trường hợp rơm rạ quấn vào xe gây cháy nổ.

Trước tình trạng này, nhằm đảm bảo ATGT cho người và phương tiện, mỗi người dân chúng ta cần nêu cao ý thức giữ gìn trật tự an toàn giao thông để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

1-1684399406.jpg

Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định:

Điều 12: Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 5, điểm e khoản 6 Điều này;

b) Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.

Như vậy hành vi trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a khoản 10 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: “buộc phải thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, thiết bị trên đường bộ”.

Bộ luật hình sự năm 2015, Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017:

Điều 261: Tội cản trở giao thông đường bộ

1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt, để trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, đổ chất gây trơn, vật sắc nhọn hoặc các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc các thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy; sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tại các đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm;

b) Làm chết 02 người;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt, để trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, đổ chất gây trơn, vật sắc nhọn hoặc các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc các thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy; sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

5. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.

Nam Tiến
Bạn đang đọc bài viết "Hà Tĩnh: Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn từ việc lấn chiếm lòng, lề đường để tuốt lúa, phơi thóc và rơm rạ" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.