Đình Hạ Thái có kiến trúc đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ảnh: Hồng Hạnh.
15 di tích được xếp hạng quốc gia lần này gồm:
1- Di tích lịch sử đền An Biên (xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).
2 - Di tích lịch sử Nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Keo En (1953-1954 - xã Thanh Định, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên).
3 - Di tích lịch sử Xưởng Đội Cấn - Nhà máy quân giới K77 (1947-1954 - xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên).
4 - Di tích lịch sử Địa điểm cơ quan Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và Nơi ở, làm việc của Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái (1949-1954 - xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên).
5 - Di tích lịch sử đình Lương Xá (xã Phú Lương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh).
6 - Di tích lịch sử đền, chùa Hà Dương (xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).
7 -Di tích lịch sử chùa Am Vãi (xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang).
8 - Di tích kiến trúc nghệ thuật lăng Giáp Đăng Luân (xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang).
9 - Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Đại Từ (xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang).
10 - Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965-1975 - xã Cư Pui, Yang Mao, Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk).
11 - Danh lam thắng cảnh Thác Drai Yông (xã Ea M’nang, huyện Cư M’ga và xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk).
12 - Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, TP Hà Nội).
13 - Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Vĩnh Lạc (xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng).
14 - Di tích lịch sử miếu Trà Đoài (xã Quang Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).
15 - Di tích lịch sử trại Đa-vít (phường 12, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh).
Hằng năm, vào ngày 10/11 âm lịch, người dân Hạ Thái nô nức tổ chức hội làng.
Làng Hạ Thái ở Hà Nội nổi tiếng với nhiều nghề truyền thống, trong đó, nghề sơn mài có lịch sử hơn 200 năm. Đình Hạ Thái có kiến trúc điển hình của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, là nơi thờ 2 vị Thành hoàng làng: Ông Bùi Sĩ Lương (người đã làm đến chức Thái sư kiêm Điện tiền Chỉ huy Sứ. Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, ông chỉ huy 10 vạn quân tinh nhuệ diệt Mạc phò Lê, đem lại thái bình cho đất nước. Khi qua Hạ Thái, thấy địa thế rồng chầu hổ phục, dân cư đông đúc, ông liền cho xây gia trang và dạy dân lập nghiệp) và bà Đinh Thị Trạch (còn gọi là bà Lạy - người đã tự nộp mình cho hổ để giải cho dân làng cái hạn phải cống nộp người hằng năm).
Để tưởng nhớ công lao của ông Bùi Sĩ Lương và bà Lạy, dân làng Hạ Thái xây miếu thờ họ (nay là đình Hạ Thái) và tôn làm Thành hoàng làng, đồng thời lấy ngày 10/11 âm lịch (ngày hổ vồ bà Lạy mang đi) là ngày hội làng.