
Trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc (như sự tàn phá của chiến tranh, những ảnh hưởng khắc nghiệt của khí hậu và quan niệm, nhận thức về vấn đề lưu trữ, bảo tồn trong từng thời kỳ lịch sử có phần chưa được đầy đủ, chuẩn xác), nguồn di sản Hán Nôm nói chung và di sản Hán Nôm làng xã nói riêng đã và đang dần bị thất thoát, mất mát, hư hỏng khá nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình nghiên cứu và phát huy giá trị các giá trị độc đáo từ nguồn tư liệu quý giá này.
Sắc phong là loại hình văn bản hành chính cấp cao của vương triều, do hoàng đế ban bố và thưởng cấp cho thần dân trăm họ, nhằm để phong tặng, tưởng thưởng về hàm tước, quan vị, vật hạng, thần hiệu, mỹ tự…
Theo đó, "Thư mục đề yếu sắc phong triều Nguyễn trên địa bàn Thừa Thiên Huế" là cuốn sách khá quy mô, tóm tắt nội dung theo hình thức đề yếu của hơn 2000 đạo sắc phong hiện còn và đã được số hóa trên địa bàn tỉnh, sách dày hơn 800 trang, khổ 16 x24 cm, do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành. Công trình tổng hợp thư mục đề yếu của 2.198 sắc phong là kết quả của quá trình số hóa, lập phiếu thư mục của ban biên tập trên cơ sở hơn 10 năm tiến hành số hóa văn bản Hán Nôm ở nhiều làng xã của tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua đó, đưa đến cho độc giả, các nhà nghiên cứu và những cá nhân, tổ chức quan tâm cái nhìn tổng quan về nguồn văn bản sắc phong thời Nguyễn.