Gò Tháp - huyền thoại về một nền văn minh cổ

27/02/2015 08:40

Theo dõi trên

Khu di tích Gò Tháp là một trong những di tích khảo cổ học thuộc văn hóa Óc eo được biết đến từ rất sớm, có qui mô và rất quan trọng ở khu vực Đồng Tháp Mười.

Cùng với các khu di tích lớn của văn hóa Óc eo như Ba Thê, Cạnh Đền, Nhơn Thành…Gò Tháp góp phần tạo nên một tổng thể văn hóa đa dạng và thống nhất của văn hóa Óc eo ở miền Tây Nam Bộ.

Cho đến nay, sau hơn một trăm năm kể từ khi phát hiện những vết tích đầu tiên, khu di tích này đã có nhiều cuộc điều tra, khai quật với qui mô lớn. Kết quả thu được qua các cuộc điều tra, khai quật đã khẳng định Gò Tháp không chỉ là một nơi tụ cư có qui mô lớn nhất ở vùng Đồng Tháp Mười, mà còn là một trong những trung tâm quan trọng nhất của nền văn hóa Óc eo về các phương diện lịch sử, chính trị, kinh tế, nghệ thuật, tôn giáo.

Di tích kiến trúc tại Gò Tháp là loại hình di tích tiêu biểu đặc trưng của khu di tích. Chúng thường nằm trên các khu vực gò cao và trên các thế đất uốn lượn. Các di tích này đều được xây bằng gạch có bình đồ, bố cục đa dạng như loại hình đền đài, loại hình khuôn viên, bờ tường, ngoại vi,…

Về kiến trúc, gạch là vật liệu thường thấy nhất, có nhiều kích cỡ khác nhau, được phát hiện dưới dạng các đường móng, sàn gạch hoặc tập trung thành cụm đống đổ sụp trên các gò mà hiện nay có các tên gọi như Gò Tháp Mười, Gò Minh Sư, Gò Bà Chúa Xứ,… Di vật đá xuất lộ khá nhiều: các cột đá sa thạch kích thước khá lớn, nhiều mãnh vỡ của linga-yoni, tượng, chân tượng trên bệ có chốt. Ở đây cũng phát hiện tới 8 văn khắc.

Trong đó, nhắc tới việc hoàng tử Gunavarman thuộc dòng tộc Kaundinya cho dựng một tượng đôi bàn chân của thần Visnu, người được mệnh danh là Sri Cakratirtha. Từ kết quả khảo tả và quan sát thực tế các học giả người Pháp nhận định về Gò Tháp: “… Tháp Mười ắt là có năm tháp hay năm ngôi thờ và là một trung tâm tôn giáo khá quan trọng vào thời xa xưa nằm ven một con lộ có vẻ như chạy dài xuyên suốt Đồng Tháp Mười hiện nay từ Đông Bắc xuống Tây Nam”. Các di vật cho thấy sự phồn thịnh của cả Phật giáo và Hindu giáo ở đây”.

Từ sau năm 1975 đến nay trải qua 11 cuộc khai quật khảo cổ lớn tại Gò Tháp đã phát hiện ra nhiều dấu tích, di vật, hiện vật cổ thuộc nền văn hóa Óc Eo. Đồng thời tìm ra được 3 loại hình di tích quan trọng là di tích cư trú với các di vật như: bếp lửa, những mảnh nồi, thanh củi cháy dở, cọc nhà sàn,…; di tích mộ táng được phát hiện ở các gò cát, qua nhiều đợt khai quật đã phát hiện 13 mộ táng, thu được trên 1.000 hiện vật, tùy táng chôn theo như: mảnh vàng có chạm khắc hoa văn, đá quí, đầu tượng, đồ gốm, nhẫn vàng…và di tích kiến trúc được phát hiện ở các gò cao như: Gò Tháp Mười, Gò Minh Sư, Gò Bà Chúa Xứ, di tích tường thành phía Tây, Đìa Vàng-Đìa Phật…

Hầu hết di tích kiến trúc tìm thấy nằm sâu trong lòng đất, được xây dựng công phu có tường thành bao bọc xung quanh để chống sự xâm thực của gió và nước, kiến trúc xây dựng ở trình độ cao. Các hiện vật tìm thấy ở đây chủ yếu là các tượng thần Visnu, Siva bằng đá sa thạch, cột đá có chốt, các phiến đá có chạm khắc hoa văn và minh văn.

Với kết quả nghiên cứu khoa học trong nhiều năm cho thấy, cư dân cổ Gò Tháp về đây định cư khi nước biển vừa mới rút. Cách đây khoảng 1.500 năm, Gò Tháp là nơi cư trú của một bộ phận dân tộc có nền văn hóa phát triển, có nền văn minh khá cao, là vùng đất gắn liền với lịch sử của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Gò Tháp, một “ốc đảo xanh” nổi lên giữa vùng đồng ruộng bao la có sức hấp dẫn mạnh mẽ bởi cảnh quan độc đáo cùng nhiều huyền thoại về một nền văn minh cổ với những di tích theo thời gian.

Tất cả những thành quả của công cuộc khảo sát và khai quật các địa điểm trong Khu di tích Gò Tháp góp phần giúp ta hình dung được phần nào cuộc sống của chủ nhân những di tích và di vật nơi đây. Trong môi trường sinh thái “bưng biền Đồng Tháp” cư dân cổ đã xây dựng cảnh quan nhân văn gồm các kiến trúc đền thờ, tháp mộ trên các gò phù sa cổ, xây dựng nhà sàn cư trú ở địa hình thấp xung quanh…

Họ khai thác nhiều loại động – thực vật nơi đầm lầy đìa trũng để sinh sống, trong đó có lúa trời – loại lúa hoang dại nổi trên mặt nước vào mùa nước, rồi dần dần “cải tạo” vùng đất trũng lầy để trồng lúa một vụ năng suất không cao, giống như lối canh tác của cư dân Đồng Tháp Mười trước đây. Quá trình này để lại dấu tích cư trú ở đây trong một thời gian rất dài, từ đầu Công nguyên đến khoảng thế kỷ XII – XIII.
 
Không những vậy, Khu di tích Gò Tháp còn gắn liền với cảng thị Óc Eo – Ba Thê và trở thành một trung tâm lớn thể hiện sự gắn bó giữa đời sống xã hội và sự phát triển của tôn giáo: từ một vài di tích quy mô không lớn, xây dựng đơn giản vào đầu Công nguyên đã phát triển đến đỉnh cao của kiến trúc và điêu khắc Hindu giáo và Phật giáo vào thế kỷ V – VIII.

Theo Tin Tức Miền Tây
Bạn đang đọc bài viết "Gò Tháp - huyền thoại về một nền văn minh cổ" tại chuyên mục Đất & Người. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.