Anh Nguyễn Văn Ngọt, người nối nghiệp đời thứ 4 trong gia đình trình diễn nhạc lễ tại xã Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc, tỉnh An GIang) cho biết, nhạc lễ xuất phát từ nhạc cung đình; khi đi vào đời sống, nhạc lễ trở thành một nghi thức tôn nghiêm trong các lễ hội, tế thần ở các địa phương có đình, miếu. Một ban nhạc lễ thường có các dụng cụ tối thiểu, như: Bộ dây (đờn cò), bộ gõ (các loại trống), bộ hơi (các loại kèn)..., người trong ban nhạc ăn mặc trang nghiêm trong trang phục áo dài, khăn đóng truyền thống. Ngày nay, nhạc lễ chỉ còn xuất hiện trong những dịp cúng bái, tế lễ ở đình, miễu, chùa chiền, thánh thất và trong đám tang. Bên cạnh những bản nhạc lễ được diễn tấu giản bớt so với trước đây để phù hợp hơn về thời gian thì cũng có những bản nhạc “chế” theo tân thời phục vụ trong tang lễ làm giảm đi tính tôn nghiêm trong nghi thức. Các đội nhạc lễ mọc lên khá nhiều và cạnh tranh nhau nhưng không phải ai cũng am hiểu và trình diễn bài bản đúng theo nghi thức truyền thống, thậm chí một số ban nhạc chỉ biết thổi kèn, đánh trống những bài nhạc tân thời. Đó là chưa kể việc hoạt động theo kiểu dịch vụ đánh trống, thổi kèn thật to, cả ngày lẫn đêm gây ồn ào và phản cảm cho những người sống xung quanh.
Riêng với nhạc lễ cúng tại đình, miếu, theo ông Nguyễn Thu An, giáo viên dạy các nhạc cụ dân tộc cổ truyền ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang thì nhạc lễ là một phần quan trọng không thể thiếu khi cúng tế. Các nhạc cụ đi kèm phổ biến là bát ngự: Đờn cò, đờn tranh, đờn kìm, đờn tì bà, đờn bầu, đờn tam, đờn đoản và sáo; bộ gõ gồm trống cái, trống chủ, trống cơm, mỏ, kèn. Trong lễ hội Kỳ Yên ở đình làng, ban nhạc lễ được mời tham gia cúng tế sẽ diễn những bài, như: Bài đảo, bài hạ, nam xuân… phong cách trình tấu gần gũi với tài tử, nhưng bài bản và khác phần diễn là chỉ có nhạc, không có ca. Trong quá trình diễn ra các nghi lễ, âm thanh đóng vai trò là các hiệu lệnh, nhịp điệu nhạc nhanh hay chậm, dài hay ngắn đều tương ứng với nhịp điệu của mỗi bước tế được giao ước trước đó. Âm nhạc góp phần quan trọng làm tăng tính tôn nghiêm, nhịp nhàng, uyển chuyển của buổi lễ.
Cũng theo ông Thu An, nhạc lễ hiện nay biểu diễn ở gia đình (tang lễ) hay ở đình, miếu (lễ hàng năm) đều là những sân khấu dân gian lưu lại giá trị văn hóa tinh thần rất hay của người dân. Tuy nhiên, những người biết về nhạc lễ hiện còn rất ít, các bậc cao niên dần qua đời, lớp trẻ lớn lên hoặc không thích, hoặc tự “chế biến”, thêm thắt, xem hoạt động này là một nghề kiếm tiền. Một địa phương có nhiều đình, miếu, song có khi phải mời ban nhạc lễ từ ngoài tỉnh về phục vụ. Gắn liền với lễ, còn có một sân khấu dân gian đặc biệt thu hút người dân nữa là hát bộ. Những đình làng có điều kiện bao giờ cũng có hát bộ trong 1 đến 2 ngày phục vụ người dân đến xem. Lối diễn đặc trưng của hát bộ ít bị “pha tạp” những yếu tố mới của loại hình hiện đại, có chăng là các dụng cụ nhạc tân thời giúp giọng ca và nhạc điệu hay hơn. Những năm gần đây, khi có biểu hiện được “sống lại” ở các lễ hội địa phương, những đoàn hát bộ hay câu lạc bộ không chuyên cũng nở ra như nấm, kém về chuyên môn dần đẩy người dân quay về cảm giác chán xem loại hình này.
Ngoài nhu cầu được giữ gìn, phát triển những “sân khấu dân gian” trong thời đại hiện nay bằng cách tìm “đất sống” để biểu diễn, những người còn am hiểu về nhạc lễ vẫn tha thiết được tạo điều kiện truyền nghề cho lớp thế hệ trẻ. Đây cũng là điều cần thiết để vun đắp đời sống văn hóa, tinh thần của con người trong xã hội biết hướng về cội nguồn, trân trọng những giá trị từ ngàn xưa.
Theo MỸ HẠNH (Tin Tức Miền Tây)