Giếng cổ Hàm Long, miệng của rồng thiêng

14/08/2015 15:07

Theo dõi trên

Tọa lạc ở đường Báo Quốc, thuộc phường Phường Đúc, thành phố Huế, Giếng Hàm Long nằm ngay dưới chân núi Bình An Sơn. Đã có một thời gian dài, người dân kinh đô Huế coi giếng cổ này là miệng của một con rồng thiêng, gắn liền với triều Nguyễn.



Hình rồng biểu trưng cho tên của giếng

Truyền thuyết giếng cổ

Giếng Hàm Long có tên chữ Hán là Hàm Long Tĩnh. Theo bộ "Hàm Long sơn chí" thì giếng xuất hiện cùng thời với việc khai sơn chùa Báo Quốc khoảng năm 1674.

Giếng Hàm Long ra đời gắn liền với việc hình thành nhà Nguyễn. Khi vua Nguyễn từ Bắc vào xứ Thuận Hóa, khai hoang bờ cõi, vùng đất này vẫn còn hoang sơ và có nhiều điều thần bí, con người sống thưa thớt, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Một lần, khi vua Nguyễn vào Phú Xuân định đô chưa được bao lâu, nhà vua cũng như nhân dân không được ngủ yên vì có một con rồng ngày đêm hô mưa gọi gió, gây ra sóng gió vần vũ.

Lo lắng cho vận mệnh của đất nước và cuộc sống của nhân dân, nhà vua đã sai các quan thần trong triều cho người đi khắp các vùng đất để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra. Ngày nọ, có ông thầy phong thủy từ phương xa tới mong diện kiến nhà vua, thầy phong thủy phán rằng, trước mặt kinh thành (đại nội Huế bây giờ) có một dãy núi thiêng với nhiều long mạch, ở đây mang nhiều điểm thần bí so với long mạch ở những nơi khác, biến hóa khôn lường, muôn hình vạn trạng, lúc to lúc nhỏ, lúc nhô cao lúc xuống thấp, lúc nghịch lúc thuận, lúc ẩn lúc hiện. Nơi đây hội tụ sinh khí thịnh vượng không đâu có được. Để chế ngự được con rồng dữ này, cần mời nhiều vị cao nhân về cúng bái mới có thể yểm long mạch. 

Sau đó, nhà vua mời các thầy về yểm ở nhiều điểm. Quả nhiên, ngay sau đó, con rồng thiêng không còn quấy phá nhà vua và nhân dân nữa. Từ đó, ngọn núi nơi con rồng ẩn nấp được đặt tên là Bình An Sơn, cái tên này còn tồn tại cho đến ngày nay.

Một sự tích khác là khi đào đúng viên đá dẫn lộ xuống mạch nước ngầm, vì đá quá giống miệng con rồng nên người ta đặt tên là Hàm Long. Người Huế truyền nhau câu ca dao: "Chùa Hàm Long thơm trong giếng cấm, Diêm tiêu nào ngăn được nước trong", để nói lên độ thơm trong, ngon ngọt của giếng.
 


Chùa Báo Quốc gắn liền với sự ra đời của giếng Hàm Long

Chứng tích bị ô nhiễm

Ngoài những truyền thuyết về sự hình thành của giếng cổ, nó còn là chứng tích một thời của những biến cố, thăng trầm lịch sử cho tới ngày hôm nay. Tuy nhiên theo thời gian, giếng Hàm Long hiện nay đang bị ô nhiễm nặng, nước không còn trong vắt và thơm như ngày xưa nữa. Miệng giếng được bảo vệ bằng một lớp lưới B40 nhưng không ngăn được sự ảnh hưởng của nước mưa, lá cây đổ xuống giếng, nước giếng bây giờ chỉ một màu đục.

Thiết nghĩ, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cần có biện pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm của giếng Hàm Long. Không những giếng có bề dày văn hóa lịch sử với vương triều nhà Nguyễn, mà nó còn có giá trị về mặt tâm linh của người dân xứ Huế. 
 
Lữ Giang

Bạn đang đọc bài viết "Giếng cổ Hàm Long, miệng của rồng thiêng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.