Sáng ngày 17/4 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam diễn ra buổi giao lưu với người Êđê - Ngôi nhà truyền thống và những biến đổi hiện nay. Buổi giao lưu có sự tham gia của 13 người thợ Êđê và Tiến sĩ dân tộc học Lưu Hùng - người đã nhiều năm gắn bó với Tây Nguyên và trực tiếp tham gia công trình trưng bày ngôi nhà dài Êđê.
Từ ngày 25/2/2023, Bảo tàng DTHVN mời nhóm thợ người Êđê đến từ buôn Ky, phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk ra sửa chữa ngôi nhà dài Êđê. Sau gần hai tháng, nhóm thợ người Êđê đã tiến hành sửa chữa và hoàn tất một số hạng mục của ngôi nhà dài như: lợp lại mái nhà, làm lại cửa sổ, cửa chính, sửa lại sàn, vách, thay sàn gỗ và sắp xếp lại một số hiện vật bài trí bên trong ngôi nhà.
Nhân dịp này, Bảo tàng DTHVN tổ chức buổi giao lưu với người Êđê nhằm tạo cơ hội cho công chúng tìm hiểu trực tiếp về ngôi nhà truyền thống và những biến đổi hiện nay của tộc người này cũng như những quan điểm trong việc bảo tồn di sản văn hóa của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Chia sẻ tại buổi giao lưu Bác Y Yôc Hmok (Trưởng đoàn) cho biết: Thợ ra sửa nhà lần này có 13 người thì có 7 người cũ và 6 người mới. Trong số 6 người mới có cả con trai và em vợ của tôi, cho ra lần này để chúng nó học việc như tập vuôt mây, lợp mái… chừng nào mà ba không ra được thì con cái phải ra. Thường thì mái nhà lợp được 7 đến 8 năm là đã phải thay rồi. Ở buôn Ky, ngày xưa nhà nào cũng đun bêp lửa hằng ngày, có nhà có đến 5 hoặc 6 bếp, vì mỗi gian là một gia đình nhỏ và một bếp, khói hằng ngày giúp bảo vệ mái nhà tốt và bền hơn. Ngoài Hà Nội thì có 4 mùa mưa nắng lại không có khói bếp hằng ngày, nên mái nhà sẽ nhanh hỏng hơn. Cũng lợp cỏ tranh khô, nhưng người Êđê không đánh thành từng tấm phên như ở nhiều dân tộc khác mà lợp từng cụm một, đầu gôc bẻ quặp xuống và được kẹp chặt bởi 2 thanh lồ ô phía trên. Để cỏ tranh không bị gãy khi bẻ thì những người thợ ngâm gốc cỏ tranh vào trong nước từ 3 đến 5 phút trước khi mang lên lợp mái”.
Người thợ Êđê, Bác Y Ngun Ktul cho biết: “Ngày xưa chọn tre làm nhà người ta phải chựt tre vào độ thang 10 vì thang mưa tre sẽ chua, không ngọt như mùa khô, không co mùi thơm nên mọt sẽ không ăn tre. Nếu chặt tre vào mùa khô thì phải ngâm nước khoảng 15 ngày để chống mọt. Khách tham quan đi lại nhiều, sàn nhà sẽ nhanh bị bung mối dây mây, nếu có người thường xuyên kiểm tra và cho buộc lại ngay thì sàn nhà sẽ bền hơn nếu không thì nhanh hỏng lắm”.
Thời gian sửa ngôi nhà trên sở dĩ kéo dài gần 2 tháng, bởi vì sửa nhà có nhiều công đoạn, người thợ Bác Y Ku Buôn Yă cho biết: “Trong các công đoạn thì sửa mái mất nhiều thời gian và khó nhất. Cỏ tranh phải làm sạch sẽ và cắt bớt, ngâm gốc mát nhiều thời gian lắm. Bây giờ nhà ở buôn làm mái tôn hết rồi, kiếm gỗ và cỏ tranh khó lắm”.
Việc buộc rui, kèo, mè cũng là công đoạn cần nhiều thời gian, buộc dây lạt định vị trước, buộc dây mây cố định sau, buộc dây mây đến đâu thì tháo dây lạt đến đó. Trong quá trình buộc, người thợ cầm thanh tre hoặc gỗ có kich thước bằng nhau gọi là cữ, dùng cữ để đo khoảng cách tùng mối buộc giữa hai thanh mè cho đều nhau. Và sửa vách là công đoạn cuối cùng trước khi hoàn thiện công việc sửả nhà.