Giai thoại kỳ bí về ngôi mộ cổ cô Năm Châu Đốc

12/11/2021 14:38

Theo dõi trên

Trên đường Vòng Núi Sam (Châu Đốc, An Giang), từ miếu Bà đi về phía chùa Hang - Phước Điền vài cây số có một ngôi miếu lớn, cổng đề biển "Mộ Cô Năm". Với những tài xế, tài công đường dài trên cung đường này, mộ Cô Năm Châu Đốc là một địa chỉ tâm linh cứu rỗi nạn tai trong hành trình mưu sinh.

dscf0187-1636609068.JPG
Ngôi miếu mộ cô Năm Châu Đốc

Hầu như tài xế, tài công nào đi qua đây cũng phải ghé vào đốt vài nén hương khấn Cô phù trợ tay lái vững vàng. Còn những thương lái kỳ hồ xuyên Đông Đương thì xem Cô là nữ thần hộ mệnh, chống gian tặc dọc đường.

Ngôi mộ và niềm tin tâm linh đó hiện hữu suốt hơn 200 năm qua.

Đối với một số trường phái huyền thuật, "xác cô Năm Châu Đốc, cốt Cậu Bảy Tây Ninh" là 2 vị thần linh ứng luôn cứu trợ, phò nguy những trường hợp tai nạn, tai họa bất ngờ.

Môn phái võ bùa gồng Trà Kha của người Kh'mer, khi lên đài giáp chiến tỷ thí, võ sỹ thường đọc một bài chú cầu an, trợ lực: "Ko nam chaudoc chau trakha puop khia á rập momo ni ni adi da phat" (Cầu xin cô Năm Châu Đốc ra oai thần trợ giúp, a di đà Phật). Trước năm 1975, tại Sài Gòn, một số pháp sư thường mượn linh danh cô Năm để "nhập xác soi căn". Một số lính tráng thuộc lực lượng Biệt Động quân dùng ảnh cô Năm có vẽ bùa Thần, ép nhựa rồi để trong túi áo ngực trái để "đạn né". Một số tài xế lái xe đường dài hoặc tài công lái tàu khu vực phía Nam dùng ảnh cô Năm treo trên cabin xe, tàu đốt nhang thờ như Phật Quán Thế âm để cầu an. Cho đến tận bây giờ, một số cư dân sinh sống ở vùng Châu Đốc vẫn còn thói quen: Mỗi khi đưa trẻ em đi trên quảng đường hơn 5 cây số, cha mẹ đều khấn xin phép cô Năm để… an toàn khi tham gia giao thông. Những bạn hàng ở chợ Châu Đốc, khi tranh chấp một "hợp đồng kinh tế miệng" thường cùng nhau đến mộ cô Năm thề độc: "Xin cô Năm chứng giám soi xét. Ai ăn gian, ăn lận, xin cô Năm vặn cổ, hộc máu chết tươi". Đã từng có trường hợp, sau khi khấn thề xong, người sai quấy lăn đùng ra ngất nên người ta càng tin vào sự linh nghiệm của cô.

Ngày nay, uy linh cô Năm đã lan sang cả đất Mỹ. Ở đường số 9, San Jose, California có thầy tướng số mang pháp danh Diệu Phượng dùng linh danh cô Năm Châu Đốc làm "bùa hộ mạng" câu khách mê tín. Một thầy pháp tên Jo ở Los Angeles thì dùng linh ảnh cô Năm "úm" thêm một vài món linh vật linh tinh để bán cho dân mê bài đeo vào cổ, gọi là "the witch's physics". Điều đó cho thấy cô Năm đã trở thành một vị thánh nổi tiếng, không chỉ lẫn quẩn trong phạm vi núi Sam mà vượt đại dương tạo ảnh hưởng đối với cộng đồng dân cư ở nửa phía bên kia quả địa cầu.

Cô Năm là vị linh thần nào trong tín ngưỡng dân gian?

Giai thoại kể rằng, Cô Năm là con gái một gia đình họ Thái, gốc Hoa, rất đông con, sinh sống bằng nghề bán thịt heo quay ở chợ Châu Đốc vào thời điểm giữa thế kỷ 18. Những buổi chợ ế, cô thường đội thúng heo quay trên đầu, rảo chân đi khắp khu vực rao bán. Tính tình cô Năm rất thẳng thẳng và ghét kẻ mua già bán non nên nhiều người quý mến. Rất xinh đẹp nên nhiều gia đình khá giả dạm hỏi cưới cô Năm cho con trai nhưng cô Năm luôn từ chối. Cô thường nói "ở vậy để trả hiếu cho cha mẹ".

Khi cô Năm bước vào 18 tuổi, sắc đẹp trở nên lung linh bởi làn da trắng hồng và màu môi đỏ như cánh sen.

dscf0161-1636609360.JPG
Ngôi mộ cổ cô Năm Châu Đốc

Một ngày nọ, mẹ cô Năm đang ngồi bán ở chợ Châu Đốc thì thấy cô vào khu vực bán vải mua 1 cây vải thô. Lấy làm lạ, mẹ cô chạy đến hỏi mua vải thô làm gì. Cô trả lời, mua về tẩn liệm. Nghe đến đó, mẹ cô tá hỏa vì nghĩ cha cô đã chết. Bà tức tốc bỏ ngang buổi chợ chạy về nhà thì thấy chồng mình đang cùng chòm xóm đang dựng rạp chuẩn bị đám tang. Bà chạy vào nhà thì thấy tử thi cô con gái thứ Năm đang nằm giữa nhà chờ tẩn liệm.

Hỏi ra mới biết, cô Năm đang trên đường bán dạo thịt heo quay, bỗng dưng ngã xuống đường chết, không kịp cấp cứu. Tử thi cô được người dân tốt bụng thuê xe ngựa đưa về nhà. Thời đó, người ta cho rằng những trường hợp đột tử như vậy là do "ngũ hành bắt hồn những người tốt để làm thánh". Mẹ cô Năm kể lại việc trông thấy cô đi chợ mua đồ tẩn liệm mình cho mọi người nghe nhưng không ai tin, cho là nhìn thấy người giống người.

Do nhà nghèo, ít đất nên cha mẹ cô Năm xin gia đình sui gia (bên vợ của người trai con thứ tư là Hương chủ khu vực chân núi Sam) cho một thước đất ven triền núi Sam làm nơi yên nghỉ vạn thu cho cô. Thuở đó, khu vực chân núi Sam còn hoang sơ hiu hoạnh, khỉ ho, cò gáy, cọp um. Nhờ gia đình nhà sui tốt bụng, mộ cô Năm được xây theo kiểu nhà giàu bằng hợp chất vôi, ô dước.

Sau khi cô Năm được an táng, những tài xế xe tải có tuyến chạy ngang núi Sam thường thấy 1 cô gái xinh đẹp đứng ven đường xin quá giang ở gần khu vực mộ cô Năm. Nếu gặp tài xế tử tế, cô gái lên xe 1 đoạn ngắn thì… biến mất. Nếu tài xế có máu dâm ô, giở trò xằng bậy với cô gái sẽ bị đau bụng lăn lộn cho đến khi đến tận mộ cô Năm tạ lỗi mới hết. Từ đó, khi chạy ngang đoàn đường này, các tài xế thường ghé vào đốt nhang khấn cô rồi mới tiếp tục hành trình. Có người cả quyết rằng, trên những cung đường xa, nhờ có cô Năm độ trì, họ đã thoát nhiều vụ tai nạn trong gang tấc.

Những người nghèo khó buôn bán ế ẩm, khi đến khấn cô Năm đều được ban lộc mua may, bán đắt.

dscf0165-1636609328.JPG
Những ngôi mộ gia tộc họ Lại trong miếu

Có một giai thoại khác cũng không kém phần huyền bí mà người dân địa phương vẫn còn truyền tụng về sự linh ứng của cô Năm. Đó là chuyện tấm di ảnh. Thời cô Năm, máy ảnh chưa phổ biến, những gia đình khá giả thường thuê họa sỹ vẽ chân dung người lớn tuổi để khi qua đời con cháu có di ảnh thờ phụng. Cô Năm chết trẻ, chưa vẽ chân dung nên khi chết không có di ảnh thờ. Sau khi cô Năm chết cả tram năm mới có một chiếc tàu là hiệu ảnh di động trên sông cập bến Châu Đốc.  Chủ hiệu ảnh là Bằng Robert đi từ Mỹ Tho trôi dần về Châu Đốc hành nghề. Một ngày nọ, đang ế ẩm, ông chủ hiệu ảnh đốt nhang khấn xin cô Năm trợ giúp. Vừa khấn xong, có một thiếu nữ xinh đẹp bước lên ghe yêu cầu chụp ảnh. Cô gái đề nghị thợ ảnh Bằng Robert lên bến, chụp cô đứng cạnh một chiếc xe hơi. Trên tay cô cầm 1 điếu thuốc lá nghi ngút khói. Chụp xong, cô gái đặt tiền cọc rồi lấy phiếu hẹn ngày đến lấy ảnh. Trước khi rời đi, cô gái còn nói đùa: "Mai mốt đắt khách, anh phải mua con heo quay ở chợ Châu Đốc cám ơn tôi mở hàng". Sau đó, cô gái mất tăm, không đến lấy ảnh nữa. Điều lạ là từ ngày cô gái đến chụp ảnh thì chiếc tàu ảnh trở nên nhộn nhịp vì đắt khách.

Nghĩ rằng cô gái xinh đẹp không có tiền lấy ảnh, người thợ lấy bức chân dung treo lên vách tàu làm ảnh mẫu. Con cháu của cô Năm đi ngang chiếc tàu chụp ảnh và nhận ra đó là chân dung … cô Năm. Họ báo cho Bằng Robert biết điều đó. Thế là Bằng Robert mua ngay 1 con heo quay đến tận mộ cô Năm tạ ơn. Ông ta còn bỏ tiền ra cất một ngôi miếu nhỏ thờ cô. Cho đến tận năm 1975, rất nhiều gia đình ở Châu Đốc vẫn dùng bức ảnh này để thờ trang trọng trên bàn thờ gia tiên.

Sau này, một số người được cô Năm phù hộ kinh doanh khấm khá đã đến xây thêm vòng rào và mái che toàn bộ ngôi mộ. Những người trong gia tộc cô Năm khi qua đời đều được an táng cạnh mộ cô dưới mái che. Thế là ngôi miếu trở thành một nhà mồ gia tộc cho đến tận bây giờ.

Tất cả những điều trên chỉ là giai thoại huyền linh, thần bí xuất phát từ niềm tin tâm linh của những người di dân mở cõi phương Nam.

Một bậc kỳ lão sinh sống gần cả đời tại núi Sam lý giải những chuyện huyền bí xảy ra tại mộ cô Năm: "Khi tranh chấp những giao kèo làm ăn, người ta thường kéo nhau ra mộ cô Năm để thề. Những người này tin vào sự linh thiêng của cô Năm. Do niềm tin đó, người gian sẽ lo lắng cô Năm hiển linh vặn cổ thật. Lo sợ quá dẫn đến việc lăn ra ngất, co giật. Từ hiện tượng đó, người ta càng thêm tin rằng, cô Năm rất linh thiêng. Việc hàng trăm năm sau cô Năm đi chụp ảnh chân dung thì không ai kiểm chứng được. Không ai có ảnh thật của cô Năm để so sánh. Thôi, có cầu thì được, có linh thì thiêng. Cứ để người ta tin vào những giai thoại đó để răn dạy điều lành, lánh điều xấu thì cũng tốt. Chỉ có điều đừng lạm dụng nó để làm chuyện buôn thần bán thánh".

Một người trong tộc họ chủ đất xây mộ Cô Năm Châu Đốc cho biết, thuở còn là đứa trẻ ông đã thấy ngôi mộ Cô Năm Châu Đốc hiện diện trên phần đất của gia tộc. Ông nội của ông là Hương chủ thời Pháp thuộc, tên là Lại Văn Bài. Hương chủ Bài có rất nhiều con. Trong đó, có người con gái thứ sáu tên Lại Thị Báu lấy chồng tên Tư là người Việt gốc Trung Hoa. Cô Năm Châu Đốc là em ruột của ông Tư. Khi cô Năm chết, Hương chủ Lại Văn Bài thấy cảnh nghèo của gia đình cô Năm nên cho chôn cất cô tại phần đất gia tộc.

dscf0189-1636609469.JPG
Ông Lại Văn Hung đang kể chuyện sự tích ngôi mộ cổ

Hiện nay, hàng chục ngôi mộ nằm trong khuôn viên miếu đều là người trong gia tộc họ Lại. Tuy nhiên, những người đang thay phiên nhau làm thủ từ trong miếu lại là những người cháu của cô Năm, không liên quan gì đến họ Lại.

Tham khảo thêm người dân địa phương, chúng tôi nhận được một số ý kiến phàn nàn về việc hiện nay người ta đã lạm dụng những giai thoại trên để thực hiện nhiều hành vi mê tín dị đoan tại mộ cô Năm Châu Đốc như bói toán, xin số đề.

Sự thực dụng của một số người đã làm giảm một phần uy linh của cô Năm Châu Đốc. Giá như, người ta không buôn thần, bán thánh, làm hoen ố những giai thoại mang tính răn ác, khuyến thiện như từ xưa vốn có, để mộ Cô Năm trở thành một địa chỉ lưu dấu văn hóa tín ngưỡng của tiền nhân./.

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Giai thoại kỳ bí về ngôi mộ cổ cô Năm Châu Đốc" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.