Hai ngôi mộ cổ của ông Lê Phước Tang và vợ (ở ấp Hòa Trí, xã Long Khánh, huyện Cai Lậy) được thiết kế theo hình lá sen úp. Những đường gân lá sen trải qua hàng trăm năm vẫn còn hằn rất rõ. Chính vì thế một số người tưởng tượng đây là dấu vết dây xích xiềng bao lấy ngôi mộ. Có người còn bảo rằng đây chính là dấu roi hằn, do vua ra lệnh đánh phạt mà hình thành.
Hai ngôi mộ nằm trong khu đất 200 mét vuông, cây cối cỏ dại mọc um tùm, từ lâu đã bị bỏ hoang phế, không người coi sóc.
Khu mộ được chôn theo nguyên tắc nam tả, nữ hữu, có bốn trụ hình búp sen nhưng hiện đã bị gãy mất hai trụ. Ngoài ra còn có bình phong hậu và bình phong tiền. Các dấu tích cho thấy, trước kia hai tấm bình phong này có thể được điêu khắc và vẽ hình rất tinh xảo nhưng thời gian và thời tiết khắc nghiệt đã bào mòn đi. Điều đặc biệt là khu mộ được xây dựng bằng chất liệu vôi và ô dước. Chưa xét về những giá trị văn hóa lịch sử, chỉ riêng việc khu mộ được xây bằng ô dước tồn tại qua hàng trăm năm cũng đã là một di tích đáng được đầu tư và bảo tồn. Vì ô dước theo lịch sử xây dựng được mệnh danh là “hợp chất huyền thoại”.
Hợp chất này trước khi đắp lên mộ ở thể lỏng sền sệt như nham thạch của núi lửa, hoặc ươn ướt như keo dán. Nhưng khi đắp xong, nó khô đặc lại và 5 chất tổng hợp được giã nát trong đó tự kết dính, quyện vào nhau, hút chặt lấy nhau thành một khối cực kỳ rắn chắc bất khả phân ly. Năm thành phần này tượng trưng cho thuyết ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Các ngôi mộ xây bằng hợp chất ô dước từ lâu đã được khẳng định giá trị trong nghệ thuật xây dựng cổ.
Một số bô lão địa phương cho rằng vợ chồng ông Lê Phước Tang - Một trại chủ thời khẩn hoang miền Nam ở giai đoạn nửa thế kỷ 17 mạo phạm chúa Nguyễn nên bị tru di tam tộc. Khi ông bà qua đời, vua sai xiềng xích mộ. Hằng năm con cháu vẫn về tảo mộ, hương khói.
Giai thoại dẫn rằng, ông Tang làm trại chủ đưa một nhóm tráng, đinh từ miền Trung vào làng Hòa Thuận (nay là ấp Hòa Trí, xã Long Khánh, huyện Cai Lậy) khai khẩn đất hoang, lập nghiệp. Là trại chủ, ông được quyền thu thuế suất của dân trại, trích giữ một phần rồi đóng thuế cho nhà cầm quyền. Tuy là trưởng trại (chức vụ tương đương trưởng ấp), ông không hề kiêu ngạo mà thường giúp đỡ những người nghèo khó, cực khổ nên được người dân địa phương hết lòng yêu mến, kính trọng. Để tưởng nhớ công lao khẩn hoang của ông, người dân dùng tên ông đặt cho một con rạch cạnh xã Long Khánh: Rạch Ông Tang.
Sau khi ông Tang mất hơn một trăm năm, những chuyện xung quanh cuộc sống gia đình ông Tang bỗng dưng “sống dậy” thành những chuỗi giai thoại huyền bí được nhiều người dân kể cho nhau vào những lúc trà dư, tửu hậu. Trong đó, phổ biến nhất là chuyện hai người con ông Tang mặc áo vua đi thăm đồng ruộng khiến cả gia đình bị tru di tam tộc. Giai thoại này kể rằng, lúc thất thời, Nguyễn Phúc Ánh bị nhà Tây Sơn truy đuổi phải chạy trốn vào làng Hòa Thuận, được ông Tang cưu mang, che dấu nuôi dưỡng một thời gian dài. Trước lúc rời nhà ông Tang đi Xiêm cầu viện, Nguyễn Phúc Ánh tấn phong cho ông Tang chức Khâm Sai Cai cơ đồng thời gửi lại một số hành lý nhờ ông trông giữ.
Ông Tang ngày một già, sức khỏe yếu dần mà vẫn chưa thấy Nguyễn Phúc Ánh quay về lấy hành lý. Sợ không qua khỏi nên ông dặn dò con cháu bảo quản kỹ lưỡng hành lý chúa gửi.
Sau khi ông Tang qua đời. Tuy đã được dặn dò nhưng hai con trai của ông là Lê Phước Tánh và Lê Phước Khỏa (tục gọi cậu Gương và cậu Sen) vẫn tò mò mở rương hành lý ra xem thử. Họ chỉ thấy triều phục vua chúa chứ không thấy thứ gì quí giá cả. Nghĩ rằng cha quá cường điệu sự quí giá của những bộ đồ diêm dúa, hai cậu con trai vô tư lấy ra khâm liệm cho cha. Số còn lại, hai anh em Gương, Sen lấy ra mặc khi đi thăm đồng.
Một số người thấy họ làm như vậy là mắc tội khi quân, đã khuyên rằng: "sau này chúa Nguyễn phục quốc sẽ bị xử trảm"./.