Ghé thăm Di tích nhà cử nhân Vương Thúc Qúy – Người thầy thuở niên thiếu của Bác Hồ

10/05/2024 19:58

Theo dõi trên

Nằm trong mảnh vườn rộng tại làng Sen quê nội Bác, thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, ngôi nhà học đường cùng người thầy đáng kính Vương Thúc Quý là môi trường tư tưởng, văn hoá tốt đẹp góp phần ươm trồng tài năng, nghị lực của cậu học trò Nguyễn Sinh Cung - sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Ngôi nhà thầy Cử nhân Vương Thúc Quý cách Di tích cụ phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc khoảng 200m về phía Tây, trên một mảnh vườn được bao bọc xung quanh với những hàng cây xanh mát, hiền hòa.  

z5419807343864-c496ecb12217101d1813a2db3817c432-1715322111.jpg
Khuôn viên ngôi nhà gồm: ngôi nhà trên làm nơi thờ tự, dạy học, tiếp khách; ngôi nhà ngang bên dưới là nơi sinh hoạt thường ngày của cả gia đình cụ Vương Thúc Qúy. Ảnh: Như Yến

Thầy Cử nhân Vương Thúc Quý sinh năm Nhâm Tuất (1862) là con trai của Tú tài Vương Thúc Mậu - Lãnh tụ Chung nghĩa binh chống Pháp tại Kim Liên và đã hy sinh anh dũng vào năm 1886. 

Vương Thúc Quý đậu cử nhân ở Trường Nghệ, Khoa Tân Mão (1891), ông là một trong “Tứ hổ Nam Đàn” cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, một người tài hoa, thông minh, mẫn tiệp, giàu lòng yêu nước và đầy nghĩa khí.

z5419807265634-2fe5b9db6ba8939623f039183a07f39e-1715322192.jpg
Ngôi nhà nằm trên mảnh vườn rộng, được bao bọc với hàng cây và vườn rau xanh mát. Ảnh: Như Yến

Năm 1888, ông dựng ngôi nhà này là để thờ cha mình là Thủ lĩnh đội Chung nghĩa binh chống Pháp - Vương Thúc Mậu, ngoài ra còn là nơi diễn ra nhiều cuộc mật đàm quan trọng của các sỹ phu yêu nước nổi tiếng đương thời như Phan Bội Châu, Đặng Nguyên Cẩn, Trần Văn Lương... 

Năm 1901, Phan Văn San, Vương Thúc Quý, Trần Hải, Trần Văn Lương tập hợp khoảng 20 người, mật mưu chiếm thành Nghệ An. Nhưng do bị mật báo, kế hoạch bại lộ. Nhờ Tổng đốc Đào Tấn che chở mà cả ba người thoát tội (Vương Thúc Quý, Trần Hải, Trần Văn Lương. Riêng Phan Văn San tức Phan Bội Châu bị xử án nên phải vượt biển đi Nhật Bản thành lập phong trào Đông Du sau này. 

z5419807358810-cbacc7954f6734395a96c58549adc313-1715322237.jpg
Ngôi nhà vẫn giữ được nét cổ kính, trầm mặc. Ảnh: Như Yến

Sau khi trở về quê, ông mở lớp dạy học tại ngôi nhà của mình để dạy chữ cho con em trong vùng. Đặc biệt vào khoảng tháng 7 năm 1901, Nguyễn Sinh Cung (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời niên thiếu) và cùng anh trai là Nguyễn Sinh Khiêm được cha mình là Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc gửi gắm sang đây để học chữ thánh hiền. 

z5419807358574-289571d5e01a59e05d5b7d7919df8162-1715322278.jpg
Tấm phản và không gian này là nơi cụ Vương Thúc Qúy dạy học cho các học trò, trong đó có cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Ảnh: Như Yến

Thầy Qúy không dạy theo lối sách vở, tầm chương, trích cú, mà mượn những đoạn văn tích cực để dạy cho học trò về đạo lý làm người, biết sống ích nước lợi dân, ca ngợi nghĩa khí của các bậc anh hùng đã xả thân vì nghĩa lớn.

Vốn là người thông minh, ham học, ham hiểu biết và có chí tiến thủ, sau nhiều lần thử tài, thầy Cử nhân Vương Thúc Quý đã phát hiện ra năng lực, ý chí hơn người và hết sức tin yêu và quan tâm đặc biệt, gửi gắm nhiều kỳ vọng lớn lao của mình đối với học trò Nguyễn Sinh Cung. 

Trò chuyện với ông Nguyễn Văn Nhã (Khu di tích nhà cụ Vương Thúc Qúy), ông vui vẻ chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển: “Tôi làm nhiệm vụ bảo vệ, trông coi ở đây đã hơn 10 năm nay, mặc dù chỉ có một mình và tiền lương không đáng là bao nhưng vì cái tâm của mình nên tôi vẫn tiếp tục làm việc để góp phần gìn giữ và bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Công việc chính của tôi là hương khói trên bàn thờ, bên cạnh đó còn dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc vườn tược, cắt tỉa hoa…”

z5419807285570-4eb8a48790d5a47c8666fb13a256a798-1715322357.jpg
Ông Nguyễn Văn Nhã. Ảnh: Như Yến

Nhờ vậy và khi được trực tiếp ghé thăm ngôi nhà của cụ Vương Thúc Qúy, chúng tôi nhìn thấy sự cẩn thận, chu đáo ở ông. Khuôn viên ngôi nhà khá rộng, tuy mọi thứ rất đơn sơ, giản dị nhưng lại vô cùng sạch sẽ, vườn tược có rau xanh mơn mởn, hàng cây hoa lá được tỉa tót gọn gàng, trái cây sum xuê quanh năm. 

z5419807339693-17bc69665d012935d9b75e9b45688d36-1715322332.jpg
Lối nhỏ dẫn vào nhà cụ Vương Thúc Qúy cùng với hàng râm bụt rất đỗi bình dị, đậm nét thôn quê. Ảnh: Như Yến

Năm 1904, Phan Văn San thành lập Hội Duy Tân, Vương Thúc Quý tham gia phát triển lực lượng của hội ở quê nhà, vận động tài chính và tổ chức cho con em trong tỉnh sang Nhật du học. Năm 1907, ông hưởng ứng phong trào Đông Kinh nghĩa thục, xây dựng phân hiệu Nghĩa thục ở làng Sen và gom góp Tân thư để làm thư viện. Năm 1907, trên đường chuẩn bị sang Nhật, ông bị ốm nặng phải về quê chữa trị. Ngày 19 tháng 7 năm 1907, Vương Thúc Quý qua đời, để lại nỗi hận chưa thể báo thù cha.

Tư chất thông minh, tấm lòng hiếu nghĩa, tư tưởng yêu nước của thầy Vương Thúc Qúy đã có ảnh hưởng sâu sắc tới cậu học trò Nguyễn Sinh Cung. Tại đây Nguyễn Sinh Cung đã được nghe và hiểu được nhiều điều về lịch sử, về thời cuộc, để rồi nung nấu thêm ý chí quyết tâm cứu nước sau này.

Trong hai lần về thăm quê Chủ tịch Hồ Chí Minh đều hỏi thăm gia đình Cử nhân Vương Thúc Quý. Người nói: “Thầy cử Vương là thầy học của Bác thời niên thiếu”.

z5419807406996-15da806eb660e4e8a1902d40252bec32-1715322401.jpg
Ngôi nhà nổi bật với những đường nét điêu khắc tinh xảo. Ảnh: Như Yến

Năm 1990, nhà thầy Cử nhân Vương Thúc Quý được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia.

Hàng năm, cứ tới dịp giỗ của cụ Vương Thúc Qúy, con cháu họ Vương trong làng, xã lại về đây làm lễ dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ tới người thầy giáo đáng kính của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Như Yến
Bạn đang đọc bài viết "Ghé thăm Di tích nhà cử nhân Vương Thúc Qúy – Người thầy thuở niên thiếu của Bác Hồ" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.