"Em là bà nội của anh" khiến khán giả thỏa sức khóc cười

09/12/2015 10:59

Theo dõi trên

"Bữa tiệc điện ảnh" đúng điệu với câu chuyện vừa lạ lẫm, vừa thân thuộc, vừa phi lý mà lại gần gũi khó tin.

Được Việt hóa từ bộ phim Hàn Miss Granny từng làm mưa làm gió vào năm 2014, Em là bà nội của anh đánh dấu một bước tiến mới của làng phim Việt khi có được một bộ phim có kịch bản chỉn chu, nhiều nút thắt, ấn tượng đến vậy.

Dù vẫn phụ thuộc phần nhiều vào cốt truyện có được từ xứ sở kim chi, nhưng không thể phủ nhận đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cùng dàn diễn viên Miu Lê, Ngô Kiến Huy, Hứa Vĩ Văn… đã làm rất tốt vai trò của mình. Họ mang đến được cho khán giả một “bữa tiệc điện ảnh” đúng điệu với một câu chuyện vừa lạ lẫm, vừa thân thuộc, vừa phi lý mà lại vừa gần gũi đến mức khó tin.




"Em là bà nội của anh" là phiên bản Việt của Miss Granny Hàn Quốc

Tác phẩm của những bất ngờ và cảm xúc chân thật

Một trong những yếu tố Hàn Quốc nổi bật nhất trong Em là bà nội của anh chính là kịch bản nhiều nút thắt. Những tình huống lật mở và các tình tiết cài cắm liên tục được đan xen nhau trong bộ phim này từ đầu đến cuối. Khán giả vừa bước vào thế giới già cỗi, buồn tẻ và có phần chua xót của nữ nhân vật chính chưa lâu thì ngay lập tức đã bị kéo tuột sang một thế giới khác, tươi mới, trẻ trung và đầy sắc màu hơn.

Kỹ thuật xây dựng kịch bản “lấy cá ra khỏi nước” phát huy khá tốt tác dụng trong xuyên suốt bộ phim, làm dấy lên những tình huống vừa hài không đỡ nổi vừa xúc động đến làm rơi nước mắt người xem. Khán giả khóc đó rồi cười đó, liên tục ngạc nhiên vì những cú lật mở mà biên kịch tung ra, đến mức quên đi rằng kỳ thực đây là một bộ phim có cái tứ vô cùng phi lý và hư cấu.




Kịch bản phim tốt với nhiều nút thắt, cài cắm mang đến nhiều tình tiết thú vị.

Với những ai chưa từng xem phiên bản gốc Miss Granny, bộ phim này hẳn đã mang đến sự kinh ngạc tột độ. Tuy nhiên, ngay cả với các khán giả từng thưởng thức tác phẩm của Hàn Quốc, chúng ta vẫn có thể tận hưởng nó theo một cách rất… Việt Nam. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh từng thất bại khi làm series phim ca nhạc truyền hình Bếp hát nhưng với phim điện ảnh đầu tay này, anh thể hiện phong độ khá tốt.

Dù bị áp lực phải bám sát với nguyên tác của xứ kim chi nhưng Phan Gia Nhật Linh vẫn thổi được cá tính riêng của mình và một chút tưng tửng, quái rất đặc trưng khiến người xem không nhầm vào đâu được. Các tình tiết mà anh thêm thắt vào cho phim rất nhẹ nhàng, khéo léo, thuần Việt nhưng vẫn phù hợp với tổng thể bộ phim chứ không bị gượng.

Đỉnh cao của cảm xúc trong phim này có thể nói đến chính là phân đoạn nữ nhân vật chính hồi tưởng về thời trẻ của mình. Những hình ảnh nối tiếp nhau rất quen thuộc trong thời xưa Việt Nam đã khiến không ít khán giả òa khóc vì xúc động. Nói đơn giản, chỉ xét riêng ở khía cạnh cảm xúc, thì Phan gia Nhật Linh đã thành công rực rỡ.

Vai diễn đặc biệt của Miu Lê

Từng được khán giả yêu thích qua Nhà có 5 nàng tiên, Miu Lê là một nhân tố thú vị rất đáng chú ý của làng phim Việt. Cô sở hữu gương mặt thanh tú, trong sáng với đài từ chuẩn xác, nhanh nhẹn, phong thái vừa nữ tính vừa mạnh mẽ. Có thể nói, Miu Lê là một lựa chọn không thể khác hơn của Phan Gia Nhật Linh dành cho vai nữ chính Thanh Nga (hay bà Đại) trong Em là bà nội của anh. Càng có ý nghĩa hơn, khi bản thân Miu Lê cũng là một ca sĩ, và nhân vật của cô trong phim cũng rất yêu thích hát hò. Do đó, dù không cố ý đặt để, người ta vẫn có thể dễ dàng nghĩ rằng vai diễn này như được viết riêng cho Miu Lê vậy.




Miu Lê có vai diễn ấn tượng, dành được nhiều lời khen từ giới chuyên môn.

Khoan nói đến giọng hát vốn là một bản năng trời phú, Miu Lê khiến khán giả khâm phục vì đầu tư rất tốt cho vai diễn của mình về cách ăn nói, đi đứng. Cái tướng khoằm khoằm của một bà già khiến Miu Lê trở nên hơi kém duyên, nhưng cô không ngại. Kiểu cách nói chuyện nửa già nửa trẻ nghe rất chói tai, nhưng Miu Lê lại xử lý chúng rất tinh tế và rất ngọt.

Nhìn chung, cô là một nữ diễn viên thông mình, tinh tế, có quan sát và tìm tòi, và còn đầy cảm xúc nữa. Trong phim có hàng loạt cảnh Miu Lê khóc nhưng cảnh nào cô cũng diễn thật như không, nước mắt rơi một cách lắng đọng và chân thực chứ không tỏ vẻ cố gắng hay làm màu. Thật khó tin là có ai đó có thể làm tốt hơn Miu Lê ở vị trí này.




Hứa Vĩ Văn có vai diễn lịch lãm và quyến rũ nhất thời gian gần đây.

Bên cạnh Miu Lê, thì Ngô Kiến Huy, Hứa Vĩ Văn, diễn viên hài Thanh Nam là 3 “chàng trai” vây quanh nhân vật Thanh Nga, tạo nên 3 cá tính rất độc đáo, khác biệt. Trong khi Thanh Nam duyên dáng với vai ông già chung tình, thì Ngô Kiến Huy lại quá dễ dàng hóa thân thành cậu cháu nhí nhảnh. Riêng với Hứa Vĩ Văn, thì đây là vai diễn lịch lãm, nam tính và quyến rũ nhất của anh trong vài lần xuất hiện trên màn ảnh gần đây. Có thể nói, Em là bà nội của anh thành công cũng một phần là nhờ casting “quá chuẩn”.

Cần hơn nữa những bộ phim thế này

Từ lâu nay, kịch bản vốn vẫn luôn là điểm yếu của điện ảnh Việt Nam, thế nên khi Em là bà nội của anh xuất hiện, nó như một luồng gió mới. Cách cài cắm và xây dựng câu chuyện đậm phong cách Hàn thế này là điều đáng để học hỏi. Thế nên, Em là bà nội của anh không chỉ là một tác phẩm đáng xem của khán giả mà còn là của giới chuyên môn, cả những người làm trong nghề biên kịch lẫn đạo diễn, diễn viên và sản xuất. Và có lẽ, điện ảnh Việt còn cần hơn nữa rất nhiều những bộ phim “giao thoa” văn hóa thế này, để “bàn tiệc” trở nên phong phú và đa sắc màu hơn.

Theo Lukas Nguyễn (Dân Việt)

Bạn đang đọc bài viết ""Em là bà nội của anh" khiến khán giả thỏa sức khóc cười" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.