Ế vì chậm với nhịp sống
21/09/2015 13:58
Đối diện với những loại hình giải trí - nghệ thuật thời thượng, cùng sự thay đổi của thị hiếu công chúng, kịch nói lâm cảnh ế khách.
Nhưng bên cạnh đó, lỗi cũng một phần do tự thân kịch nói đã không có những vở diễn hay, những vở diễn nóng, dám nói những điều gai góc trong xã hội đương đại, chất lượng diễn viên cũng đi xuống… khiến khán giả quay lưng.
Cảnh trong vở “Lời thề thứ 9” của Lưu Quang Vũ
Không phải ngẫu nhiên mà gần đây từ Nam chí Bắc, khán giả nườm nượp đi xem kịch nói của tác giả Lưu Quang Vũ được dựng lại như: “Lời thề thứ 9”, “Mùa hạ cuối cùng”, “Bệnh sĩ”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”...
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều loại hình nghệ thuật chen nhau giành khán giả và kịch nói luôn ế ẩm, thì chuyện những vở kịch của Lưu Quang Vũ vẫn cháy vé là một hiện tượng lạ, khiến người ta phải suy nghĩ.
Bấy lâu nay nhiều người than phiền, kêu ca việc kịch nói ế khách không bán được vé, không ai xem kịch nữa mà đổ lỗi là do kịch hết thời, bị cạnh tranh gắt gao, thiếu điểm diễn, bị phim truyền hình, ca nhạc… lấn át nên kịch nói sống teo tóp cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Song thực tế, nếu kịch nói hay thì vẫn có khán giả xem.
Và, nếu bảo khán giả không thích xem kịch, chúng ta thay vì cứ bám trụ lấy đô thị, sao không đem kịch nói về diễn ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, thử xem ở đó họ có chê kịch nói không? Chắc rằng khán giả nông thôn, vùng sâu… sẽ háo hức nếu được xem kịch nói, dĩ nhiên mức giá vé cũng phải phù hợp.
Nói gì thì nói, chất lượng, giá trị của tác phẩm, của loại hình đó mới là yếu tố quyết định. Cho nên, dù xã hội có hiện đại, thị hiếu công chúng có biến đổi, nếu có kịch hay, diễn tốt… người ta sẽ xem. Nhìn lại mấy chục năm gần đây, chúng ta rất hiếm có những vở kịch nói có chất lượng, phản ánh chiều sâu xã hội và đời sống tinh thần, khát vọng của con người hiện nay. Có thể nói, không chỉ với kịch nói mà nhiều loại hình nghệ thuật khác đang chậm chân so với nhịp sống đương đại.
Cùng với đó là việc thiếu hụt những tài năng trẻ kế thừa, từ khâu diễn viên đến tác giả, đạo diễn… nên khó tạo ra những tác phẩm hay. Theo nhiều nghệ sĩ, hiện nay, nguồn kịch bản hay cho kịch nói rất hiếm hoi, nhất là kịch chính luận. Nhiều tác giả hiện có tâm lý e ngại, không dám viết những vấn đề gai góc vì sợ đụng chạm, sợ bị duyệt nhiều lần… nên càng ít có tác phẩm hay.
Nhiều người chuyển sang làm kịch hài cho an toàn. Nhiều diễn viên chạy show đóng phim mà không đầu tư cho vai diễn kịch nói nên không tạo điểm nhấn, dấu ấn cho vai diễn, diễn sống sượng và hời hợt, ít sáng tạo…khiến người xem chê và chán. Không có nghệ sĩ nào dám đầu tư, dám dấn thân cho nghệ thuật, những năm gần đây, chúng ta không có những nghệ sĩ tên tuổi lớn gắn với tác phẩm và vai diễn.
“Thông thường dạng khán giả có học thức thì họ mới xem kịch nói. Nhưng không có những vở kịch hay, nhất là kịch chính luận, kịch tâm lý xã hội… có vấn đề gai góc, triết lý, tư tưởng mà chỉ có kịch hài thì họ không muốn mua vé đi tới rạp xem nên kịch nói ế khách là phải. Ngoài ra, hiện chúng ta cũng thiếu các nhà hát sân khấu đúng nghĩa và có tính chuyên nghiệp làm điểm diễn cho kịch nói, làm ảnh hưởng đến chất lượng và sự phát triển của kịch nói”- đạo diễn Hoàng Duẩn nói.
Một vấn đề khác là thiếu chính sách, thiếu chiến lược đầu tư và định hướng phát triển cho kịch nói và cả ở các loại hình nghệ thuật khác. Dù hàng năm, Nhà nước có rót ngân sách xuống để cho các đoàn nghệ thuật làm kinh phí hoạt động. Nhưng do bị chia đều ra nên nguồn kinh phí này không đủ và từ đó hoạt động không hiệu quả.
Theo nhiều nghệ sĩ, ngân sách nên đầu tư có trọng điểm, vào một số đoàn kịch cụ thể để có chất lượng. Ngoài ra, theo đạo diễn Lê Quý Dương, cách đào tạo kịch nói, đào tạo nghệ thuật, thậm chí cách trình diễn, cách làm nghệ thuật của nước ta đã lỗi thời, lạc hậu, thiếu cập nhật, thiếu giao lưu với kịch nói và nghệ thuật của thế giới nên chậm phát triển.
Từ những phân tích trên, phần nào lý giải nguyên nhân của vấn đề, nhưng để thay đổi nó, thật không đơn giản. Bởi bài toán này do nhiều người giải, phụ thuộc nhiều yếu tố mà yếu tố quyết định là quyết sách từ Nhà nước.
Nhưng nếu không đổi mới, không chỉ chúng ta bị tụt hậu về văn hóa nghệ thuật, mà còn bị “bao vây”, “xâm lấn” và lệ thuộc vào văn hóa, như thực tế đã cho thấy đang có nguy cơ. Ở góc độ nào đó, văn hóa là sức mạnh (thể hiện sức mạnh) của dân tộc đó.
Nguyễn Thịnh (daidoanket.vn)
Bạn đang đọc bài viết "Ế vì chậm với nhịp sống" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ.
Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.