Duyên dáng áo bà ba trong đời sống người dân Nam Bộ

11/05/2019 14:38

Theo dõi trên

Áo bà ba truyền thống được những người lớn tuổi, phụ nữ nông thôn ưa chuộng.

Tên gọi áo bà ba có xuất xứ từ đâu, loại trang phục này có nguồn gốc thế nào thì cho đến bây giờ vẫn còn nhiều ý kiến. Chỉ biết rằng, từ thế kỷ thứ XIX, bộ đồ bà ba đã được phổ biến và trở thành y phục thông dụng của người dân vùng đất Nam Bộ nói chung và ÐBSCL nói riêng.

Không thướt tha, kiêu sa như áo dài, hay cầu kỳ sắc màu như áo tứ thân, áo bà ba rất giản dị nhưng vẫn toát lên vẻ dịu dàng, kín đáo gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Nam Bộ đôn hậu nhưng mạnh mẽ. “Áo bà ba, súng quàng vai hôm sớm ra đi, mái tóc xanh quyện hương trái ngọt… Ðẹp thay tuổi xuân con gái quê tôi đang cùng toàn dân viết đẹp những bản anh hùng ca…” (Trích lời bài hát Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long của Nhạc sĩ Huỳnh Thơ).



Áo bà ba truyền thống được những người lớn tuổi, phụ nữ nông thôn ưa chuộng. Ảnh internet

Mẹ tôi bảo, áo bà ba tuy trông có vẻ mảnh khảnh, bình dị nhưng ẩn trong đó là sự kiên trung, bởi nó thấm đẫm mồ hôi và cả máu của những người phụ nữ đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Ðơn giản chiếc áo bà ba nâu chàm với cổ quấn khăn rằn, mẹ tự tin vượt sông, băng rừng để làm nhiệm vụ giao liên nối mạch kháng chiến, hay tham gia cùng với phụ nữ địa phương biểu tình chống chế độ Mỹ - nguỵ. Những năm đầu đất nước được giải phóng, mẹ tham gia công tác giáo dục cũng bình dị trong chiếc áo bà ba. Và áo bà ba đã trở thành y phục gần gũi, không thể thiếu đối với mẹ.

Mãnh liệt trong đấu tranh chống xâm lược, nhưng áo bà ba cũng rất đằm thắm, dịu dàng trong lao động, sinh hoạt đời sống của phụ nữ vùng sông nước ÐBSCL. “… Áo bà ba em mặc ra đồng… Áo bà ba em mặc đưa đò… Áo bà ba tình quê sao đậm đà, màu áo vàng em gặt lúa đồng xa, màu thiên thanh gặp anh chiều hẹn hò, màu hoa cà em nói đợi người thương…” (trích bài hát Thương áo bà ba của Ðình Văn).

Không lộng lẫy nhưng có vẻ đẹp thuần khiết với sắc màu dung dị, áo bà ba có sức thu hút và quyến rũ lạ thường. “Tự bao giờ áo bà ba. Ði vào câu hát dân ca quê mình. Em xinh - cái dáng càng xinh. Áo bà ba nữa cho tình thêm say. Hết tiền thiếu gạo đi vay. Chưa nhìn thấy áo nửa ngày đã mong. Ai cho vay được nỗi lòng?” (Trích bài thơ Áo bà ba của Nhà thơ Bùi Văn Bồng).

Bà Trịnh Kim Bi, ngụ Khóm 3, Phường 8, TP Cà Mau, người có thâm niên trên 30 năm chuyên may áo bà ba, cho biết, áo bà ba không khó may, nhưng để may được cái áo vừa vặn với vóc dáng người mặc thì không dễ, bởi nó đòi hỏi sự nhạy bén của người thợ vì mỗi khách hàng có một cỡ dáng khác nhau. Nguyên bản áo bà ba là không có cổ áo, thân áo được ghép một mảnh vải nguyên ở phía sau và hai mảnh ở phía trước được cài bằng dãy nút bóp vừa vặn gần như bó sát thân hình người mặc. Áo được chít eo, xẻ tà vừa phải ở hai bên hông, độ dài của áo chỉ vừa trùm qua mông và áo bà ba thường chỉ kết hợp với quần đen hoặc trắng.

Ngày nay, áo bà ba truyền thống chỉ còn thích hợp đối với những người lớn tuổi, phụ nữ nông thôn. Giới trẻ thì thích những chiếc áo đã được cách tân, có viền ren, tay áo rộng và dài có thêm thắt hoa văn, thân áo cũng rộng hơn và phía trước có gắn cườm với màu sắc đa dạng để tăng thêm phần sinh động cho chiếc áo bà ba… Song, dù có bị phá cách, thêm màu sắc, hoa văn rực rỡ, nhưng áo bà ba vẫn còn giữ được “cái thần” của mình, cũng như sự mềm mại, hiền thục của người phụ nữ Nam Bộ.

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển của đời sống xã hội, chiếc áo bà ba vẫn tồn tại với phụ nữ Nam Bộ, và dù đã được phá cách so với nguyên bản, nhưng áo bà ba vẫn giữ được nét dịu dàng, đằm thắm, quyến rũ những ai một lần về với miền Tây, về với sông nước và bắt gặp “chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm”. Ðể rồi “Một lần thương là thương đến trọn đời. Tôi vẫn thương hoài chiếc áo bà ba”.

Mã Phi
Theo Cà Mau

Bạn đang đọc bài viết "Duyên dáng áo bà ba trong đời sống người dân Nam Bộ" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.