Dưới chân Tháp Chàm Po Klong Garai huyền bí

12/08/2018 21:09

Theo dõi trên

Đầu tháng 8/2018 lịch dương, tôi dừng chân ở Tháp Po Klong Garai (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm – tỉnh Ninh Thuận), nhiều cảm xúc đan xen; và hơn hết, đó là sự luyến tiếc một thời. Đâu rồi bóng dáng người xưa, đâu rồi dấu chân oai hùng?

 
Di tích Tháp Po Klong Garai nhìn từ xa. 

Tôi có mặt tại Di tích Tháp Po Klong Garai (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm – tỉnh Ninh Thuận), vào khoảng đầu giờ chiều, nắng vàng ngọt, đủ để cho người ta thoải mái nhìn ngắm mây bay, đất trời mà không chói mắt.

Di tích Tháp Po Klong Garai được coi là một cụm tháp Chàm tuyệt đẹp thờ vua Po Klong Garai.


Vua Po Klong Garai là vị vua dân tộc Chăm, trị vì từ năm 1151 - 1205, ở vị vua này có nhiều huyền thoại dân gian còn lưu truyền. Đứng dưới chân đồi nhìn lên, cụm tháp gồm 3 tháp xen những tàng cây xanh thơ mộng, gần đó là những bụi xương rồng, mà quả đã chín mọng. Theo ghi chép, cụm tháp với lần lượt là tháp chính (cao 20,5m), tháp lửa (cao 9,31m), tháp cổng (cao 8,56m).
 
 
Tác giả bài viết dưới chân Tháp.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Tháp Poklong Garai nằm trên đồi Trầu, thuộc phường Đô Vinh, cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 9 km về phía Tây Bắc, được xây dựng vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14 (thời vua Shihavaman, người Việt gọi là Chế Mân).
 
Công trình này có trình độ kiến trúc, nghệ thuật, điêu khắc đạt đến đỉnh cao. Di tích kiến trúc nghệ thuật này được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích di tích quốc gia năm 1979 và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Lịch sử và huyền thoại mà Tháp Poklong Garai mang trong mình đủ để khiến tâm trí chúng ta, những bậc hậu thế phải tò mò, kính cẩn. Từ thơ bé, tôi đã nghe nói nhiều về Tháp Chàm, nghĩ về nó là tôi nghĩ đến kiến trúc lạ, kiểu Tháp như từ trên trời, được bàn tay các vị kiến trúc sư đến từ trời xây dựng, điêu khắc.

Nghĩ về Tháp Chàm là tôi nghĩ ngay đến văn hóa Chăm độc đáo, đến vua Chế Mân, và nhiều thứ đậm màu cổ tích.

Hôm nay có mặt nơi đây, chứng kiến, tận tay chạm nhẹ vào thành Tháp, nhìn kỹ vào từng đường nét trên tháp, tôi thấy những suy tư của mình là có lý, ngoài ra tôi còn choáng ngợp với sự độc đáo có một không hai của cụm Tháp tại Việt Nam.


Du khách đến đây không quá đông, nhưng đủ để thấy Tháp Poklong Garai luôn sống trong lòng người. Ai nấy đều thể hiện sự tôn kính, ngạc nhiên, đi qua mỗi Tháp họ lại chắp tay, nghiêng mình lễ bái. Có du khách vào trong Tháp quỳ xuống như là lời cảm ơn đến cổ nhân đã để lại dấu tích xưa cho hậu thế.
 
Riêng tôi có một sự luyến tiếc về cổ nhân, về những gì đã diễn ra được ghi chép trong lịch sử. Tôi đứng ở gốc cây nhìn bao quát cụm Tháp mà lòng cứ xao xuyến, tôi hình dung về những nghi lễ thời vua Chế Mân, thời đế chế Chăm Pa, những nghi lễ văn hóa đẹp, độc đáo. Tôi cứ chìm vào khoảng không gian xưa cũ, mắt đỏ hoe, thương xót.
 
Và tôi, chắc như nhiều người đã nói, đã nghĩ, đã đến đây, đều phải thảng thống kêu thầm lên, đâu rồi bóng dáng người xưa, đâu rồi dấu chân oai hùng!? Dù sau này, có thời gian quay trở lại hay không, thì dấu ấn từ thiếu thời hình dung và dấu ấn hôm nay đặt chân đến cụm Tháp Chàm này sẽ mãi theo tôi. Trong tâm trí và trái tim tôi sẽ luôn biết ơn về người Chăm Pa, những người đã bỏ thời gian, trí tuệ, công sức gây dựng nên kiến trúc độc đáo này. Trong nó mang cả một nền văn hóa xưa. 
 
Một số hình ảnh Tháp Chàm Po Klong Garai. Ảnh Gia Hà - Nguyễn Huyền:
 
 


















 
Vũ Gia Hà

Bạn đang đọc bài viết "Dưới chân Tháp Chàm Po Klong Garai huyền bí" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.