"Dưới chân rú Tháp" của tác giả Trần Ngọc Khánh

03/01/2020 15:12

Theo dõi trên

Phương Nam Plus trân trọng đăng lại bài viết "Dưới chân rú Tháp" của tác giả Trần Ngọc Khánh nhân dịp kỷ niệm 58 năm ngày Bác Hồ về thăm xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.



Bác Hồ căn dặn cán bộ xã Vĩnh Thành. Ảnh: Tư liệu

Người chúng tôi tìm gặp là một vị đại trưởng lão, hiện đang an trú dưới chân rú tháp, ông đã gần 100 tuổi; gần một thế kỷ giông tố trong kiếp làm người; đã trải qua bao thăng trầm cùng số phận; nhưng những kỷ niệm về một thuở “Oai hùng” thuở “hỡi đồng bào cả nước”... về vị cha già dân tộc, về những tháng ngày hết lòng dốc sức vì đất nước quê hương vẫn sống mãi trong ông. Ông là đại trưởng lão Nguyễn Đăng Chúc, vị Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An nổi tiếng của những năm cuối thập kỷ 50 và đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước; qua lời kể của ông, những năm tháng không thể nào quên của mảnh đất địa linh này đang bừng bừng sống dậy.

Làng Nhãn Tháp một sáng hè bỏng nắng, tôi hỏi đường mãi mới tìm được ông trong một ngôi nhà cũ thanh bần và giản dị; nhưng trong ông vẫn “Phong hài cốt hạc” lắm. Nghe hỏi chuyện, ông hồi tưởng rồi kể lại: “Tôi hoạt động địa phương từ hồi 1947 sau tỉnh điều lên ngành lâm nghiệp công tác mãi cho đến lúc nghỉ hưu, chuyện đời tôi có cái được, cái mất, buồn nhiều hơn vui... Sau này có lúc lâm cảnh bi đát, tôi cũng bi quan nhưng rất may kỷ niệm thời gặp Bác, thời làm Chủ tịch UBND xã vực tôi dậy, sống tiếp”- ông cụ cười rõ to; và như anh thấy đó, nay gần 100 tuổi rồi vẫn khoẻ, đôi mắt ông như chợt sáng lên khi ngước về dĩ vãng: “Hồi nớ tôi đương kim Chủ tịch UBND xã; khi đó ta chủ trương miền Bắc tiến lên CNXH, Trung ương chỉ đạo Nghệ An phải là nơi xây dựng đầu tiên. Bác giao cho tỉnh trọng trách này, Tỉnh uỷ họp, chọn chỉ đạo rồi khoanh vùng lại ở huyện lúa Yên Thành; có hai xã được để ý là Tăng Thành và Vĩnh Thành. Chúng tôi quyết tâm ta phải đưa xã mình thành lá cờ đầu toàn miền Bắc. Nhưng “nói thì dễ làm lễ thì khó”... Vậy thì ta phải tiến lên như thế nào đây cho phù hợp với quê mình? Từ 1957 ta đã xây dựng tổ đội công chuyển sang hợp tác xã. Trong cái được vẫn có cái khúc mắc, mà bây giờ muốn trong một thời gian ngắn mà tiến lên hàng đầu thì đúng là nghĩ lại thấy quá liều; sau khi nắm lại tình hình, nói thật anh đừng cười, chính tôi đã lên trả lại cho tỉnh, xin rút thôi không làm nổi đâu! Anh Võ Thúc Đồng - Bí thư Tỉnh uỷ trấn an tôi bảo tôi yên tâm, rồi các anh báo cáo với Trung ương với Bác. Tôi tưởng phen này bị phê bình ra trò, ai ngờ lại “Biết mình biết ta” sau tỉnh huyện xã phối hợp ăn ý tìm ra hướng đi chúng tôi chủ trương tất cả sản xuất tập trung vào một chỗ; công sá được nâng cao, ai cũng mừng. Chỉ trong một thời gian ngắn, hợp tác xã đã chuyển mạnh không ngừng... ông ngừng kể cười vui vẻ, chòm râu bạc rung rung; qua thực tế này mới thấu suốt được học đi đôi với hành giữa lý luận với thực tiễn. Biết chúng tôi làm ăn được, các nơi về thăm quan liên tục, có hôm tới 4 đến 5 đoàn. Khí thế mới, sáng tạo mạnh; giao thông, đường xá, thuỷ lợi, chống hạn... đều tốt. Năng suất lúa tăng vọt, tổng sản lượng tăng gấp đôi không những no cơm ấm áo mà còn dư thóc gạo ủng hộ cho các xã Đại Thành, Công Thành và Mỹ Thành nữa. Diện mạo của vùng quê này đã hoàn toàn thay đổi hẳn.
 


Ông Nguyễn Đăng Chúc - Nguyên Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành. Ảnh chụp lại

... Đến tháng 12/1961, được tin có cán bộ Trung ương về thăm Nghệ An - ông cụ lại sôi nổi tiếp, như quên đi cả tuổi tác để sống lại ngày nào. Tỉnh điều động cán bộ chủ chốt xã về Vinh họp; anh Tuệ Bí thư đi, tôi phải ở nhà quán xuyến công việc; nghe đâu Trung ương sẽ đi thăm một trong ba xã Vĩnh Thành, Tăng Thành (Yên Thành) hoặc Vĩnh Sơn một xã lớn của miền núi Tây của tỉnh Nghệ An. Tôi đang họp, bỗng thấy đứa cháu ra gọi bác có khách, rồi ba anh công an mật níu lấy tôi bảo: Như thế... như thế... Tôi suýt reo lên nhưng lấy tay bịt miệng lại... lệnh ban xuống; các xóm trưởng về họp gấp, báo cáo tình hình, tổng vệ sinh toàn xã... bà con náo nức nhưng chả ai biết chuyện gì? Bốn giờ sáng ngày 10/12/1961 chúng tôi tụ tập đông đủ ở trường cấp I Vĩnh Thành để đón... Trung ương! nắng cháy! mặt trời lên; bỗng một chiếc máy bay trực thăng lớn xuất hiện... đậu xuống chân Rú Tháp.

Người xuất hiện: Bác Hồ... bà con ơi! Bác... Chủ tịch Hồ Chí Minh... muôn năm... dân tộc Việt Nam!... Cả một biển người xô nhau, chen lấn, xóm làng náo động. Khắp các ngã đường người đùn ra như mối, tin loang như chớp điện, tầng tầng lớp lớp đổ dồn về chân Rú Tháp... Ông Cụ chớp mắt ứa lệ... chúng tôi cũng cảm động lặng người đi. Không ngờ một ông già gần 100 tuổi lại diễn đạt hay đến thế. Cụ tiếp: “Bác bước lên, chào nhân dân; lúc này thanh niên, người lớn ào lên trước, trẻ con đuối sức dạt hết cả ra sau. Người ôn tồn; các cô, các chú đưa các cháu lên trước, rồi người lớn ngồi ra sau”- ông Cụ cười rạng rỡ, giọng xúc động: “Lúc đó bọn tôi ngượng quá, lập tức dàn xếp lại đội hình ngay; cả biển người im lặng, nghe Người nói chuyện: Bài nói chuyện của Bác vào sáng hôm ấy, báo chí đã đăng tải nhiều lần, tôi không nhắc lại nữa, nội dung chính là tuyên dương phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, biểu duơng phong trào phụ lão trồng cây, khen ngợi một số cá nhân có thành tích tốt... ở đây tôi chỉ kể anh nghe những chi tiết đặc sắc kiểu như chuyện Bác dàn xếp trẻ con trước người lớn sau lúc nãy ấy; để thấy đó là những bài học, vĩ nhân tạo được bài học ở cả những chi tiết nhỏ, và chúng tôi ghi nhớ mãi trọn đời, lấy đó làm điều sửa mình, hay an ủi mình cả những khi cay đắng nhất... chẳng hạn, hôm đó Bác nói chuyện đến nửa chừng, nắng lên cao, cây mới trồng chưa có bóng mát. Một cán bộ xã xuống nhà bà Liêu - Việt kiều Thái Lan mới về mượn cái dù lên che cho Bác, vừa dương ô lên, Bác gạt ra và bảo “bác không phong kiến” rồi Người chỉ xuống cả biển người đang đứng giữa nắng; ai nấy đều cảm động. Khi tôi đại diện chính quyền địa phương lên phát biểu cảm tưởng: “Tôi... thưa Bác... thưa Trung ương... Bác nhắc khéo: Trung ương trước, Bác sau...”. Trước đó, biết nói chuyện xong Người sẽ bước xuống chúng tôi lấy cái chăn hoa đặt lên bờ con chạch để Bác ngồi; nhưng không, Người lấy tay phủi bụi mấy cái rồi thanh thản ngồi lên bờ đất chả để ý gì đến cái chăn... Mở đầu bài nói chuyện, giọng của Người hết sức xúc động, thiết tha và ấm cúng:  Thưa toàn thể đồng bào, Bác và các đồng chí Trung ương, Tỉnh uỷ về thăm hợp tác xã Vĩnh Thành, các cô, các chú, xã viên và các cháu, Bác có câu chuyện tóm tắt sau đây để bà con và các cháu chú ý:  Hợp tác xã Vĩnh Thành về mọi mặt đều có tiến bộ. Nói chung như thế, Bác không phải kể nữa, mà các cô các chú thì đã biết cả rồi. Hợp tác xã Vĩnh Thành tuy có tiến bộ nhưng đang quá ít. Nên Bác nói thêm mấy điểm: Thuỷ lợi phải chú ý đẩy mạnh hơn nữa. Có nước rồi phải chú ý giữ gìn phải dùng hợp lý. Nước cần cho lúa, ngô, khoai, sắn và các thứ cây khát. Các cô các chú một ngày không uống nước có chịu được không. Cả biển người đồng thanh đáp lớn: Dạ không ạ! Vậy các cô các chú không nên để cây khát, có rõ không? Dạ rõ ạ! Phân rất quan trọng, người cần ăn mới sống, cây cũng cần ăn mới sống. Người không ăn có sống được không - lại có tiếng đáp vang - Dạ không ạ. Thế thì người cần ăn gạo, cây cần ăn phân. Vậy phải làm thật nhiều phân lên, lại phải làm kịp thời vụ: Ví dụ người phụ nữ có thai nghén, việc này phụ nữ biết rõ hơn Bác - chín tháng mười ngày sinh nở là đúng thời. Thai già quá đến mười, mười một tháng mới sinh là thất thường. Nhưng mới 7 - 8 tháng đã sinh thì non quá. Làm ruộng cũng phải như thế, phải kịp thời vụ, sớm quá càng không tốt, chậm quá càng không tốt. Thời tiết qua rồi không trở lại,nên cày, bừa, gặt, cấy đều phải kịp thời, kịp vụ. Việc vệ sinh còn kém, nhà cửa chưa sạch sẽ, đường sá chưa sạch sẽ, tục ngữ có câu: “Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon”. Cho nên từ trong nhà ra ngõ, đến cái ăn cái mặc cũng phải chú ý hơn nữa, cải tiến nông cụ ở đây cũng có làm, nhưng chưa được khá lắm. Muốn tăng gia sản xuất phải cải tiến nông cụ. Bác nói một thí dụ, trước đây cày một đám ruộng phải bốn người làm trong một ngày mới xong, nay với công cụ cải tiến một người có thể làm xong trong một ngày. Như thế, một người có thể làm bằng bốn người. Cấy cũng thế, ở đây trung bình gánh được bao nhiêu? Thưa Bác, 30 kg ạ! Được 30 kg mà nặng nhọc đau vai, ở đây có xe chưa? - Dạ có rồi. Nếu đẩy xe một người có thể xe ít nhất là một tạ, như thế bằng ba người ghánh lợi được 2 - 3 người để đi làm việc khác có đúng không? - Dạ đúng a! trồng cây ở đây khá: Khá chứ chưa phải thật tốt đâu! Nếu chọn cây gì đáng trồng thì trồng, trồng nhiều cây phi lao thì nhanh, chóng tốt, nhưng nó chỉ làm củi đun thôi. Để có phong cảnh nên trồng một số cây phượng. Nó cũng mau lớn hoa đẹp lắm, độ bốn năm năm thôi. Phải có cây gì nữa. Nghe nói ở đây có một đội chuyên trách trồng cây như thế là tốt lắm, các cụ nên giúp vào nữa. Tôi đề nghị các cụ trồng và phụ trách tất cả việc trồng cây. Còn các cháu phụ trách đỡ đầu cây. Các cháu chẳng những đừng phá cây mà khi đi trâu, đi bò không làm gãy cây. Các cụ đã sắm hàng rào, thấy hỏng chỗ nào thì rào lại hay về báo với các cụ đi tu sửa lại. Các cháu có làm được không? - Dạ thưa Bác làm được ạ!


Mọi việc muốn tiến bộ lên phải hiểu chính trị. Mình làm cho ai? để làm gì? khi xưa làm ăn riêng lẻ, mọi người đều cố gắng cho mình. Nay có hợp tác xã rồi thì tình tình, tàng tàng, kềnh càng vô hạn. Nhiều sải không ai đóng cửa chùa: Thế là không tốt, ngày nay chúng ta thành người chủ tập thể, chủ hợp tác xã, làm chủ nhà nước. Cần nâng cao tinh thần làm chủ, đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, đúng kỷ luật, giác ngộ giai cấp, giác ngộ XHCN, nâng cao cảnh giác với kẻ địch. Đảng viên, đoàn viên phải là những người gương mẫu trước trên mọi mặt sản xuất đời sống. Muốn dân giàu nước mạnh phải làm chủ hợp tác xã bằng mọi cách. Hợp tác xã phải đoàn kết tốt để tăng thu nhập cho xã viên. Nước mình còn nghèo so với Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên. Phải tiết kiệm, chớ có gặp việc gì cũng làm con lợn để liên hoan, đầu mùa liên hoan, gặt xong lại liên hoan. Nhân đây Bác nêu một chuyện, Vĩnh Thành là HTX cao cấp, toàn xã là gia đình lớn, phải kính trên nhường dưới với người già cả thì thế nào? không lẽ để các cụ chết đói ạ! Trong nhà dù neo đơn đến đâu không lẽ để anh em chết đói. Phải giúp đỡ,để họ ra ngoài có tiện không - có tiếng đáp không ạ? Cho nên trong HTX phải giúp đỡ lẫn nhau, với người già yếu, neo đơn, gia đình liệt sĩ phải tìm cách chia công việc chú ý giúp đỡ họ.

Một điều nữa là ở đây ban quản trị làm việc tương đối khá. Bác nhắc thêm đây quản trị khá thì HTX tiến. Quản trị kém thì HTX yếu. Ban quản trị do xã viên lựa chọn, bầu ra. Mọi công việc trước khi làm, ban quản trị phải đem bàn bạc với xã viên, hỏi ý kiến. Phải công bằng không thiên vị, dân là chủ, xã viên là chủ. Ban quản trị phải phục vụ “Ông chủ, bà chủ” chứ không phải chỉ tay năm ngón. Ai cũng muốn biết người ta sản xuất được bao nhiêu, những thứ làm ra để làm gì? nên vấn đề tài chính phải công khai thu chi minh bạch, một vạn đồng mà tiêu hết năm trăm hay năm nghìn, thì xã viên cũng phải biết, thì sẽ thoải mái, chi tiêu không công khai, sổ sách lèo nhèo, xã viên ngờ ông quản trị: “Chấm mút” vô đó rồi. Do đó mất đoàn kết nội bộ, không có đoàn kết HTX không tiến lên được. Ở đây đảng viên, đoàn viên nhớ rằng Đảng ta không phải là Đảng làm quan mà đoàn viên là cánh tay của Đảng phải gương mẫu trong công tác sản xuất học tập. Chi bộ phải tăng cường hơn nữa đoàn kết nông thôn, làm cho mọi người phấn khởi thực hành tiết kiệm cũng cố HTX. Hôm nay Bác chỉ về thăm ở đây, không đi thăm các HTX trong huyện, tỉnh được vì không có thời giờ, cần thông cảm cho Bác. Còn ở đây chớ thấy Bác về rồi mà cho mình là nhất, không ai bằng nữa? Không phải đâu, phải học nữa, làm HTX là ta tiến công nghèo nàn, lạc hậu, đoàn kết chặt chẽ, sản xuất tốt, thu nhập cao, vệ sinh tốt, học hành chăm, đời sống lên không ngừng. Ở đây có bao nhiêu đảng viên, đoàn viên? đồng chí Bí thư Đảng uỷ trả lời: Thưa Bác 157 đảng viên, 199 đoàn viên, như thế là lực lượng Đảng, đoàn có hơn 300 người. Và đã xuất hiện được 5 đồng chí xuất sắc nhất. Thí dụ: Cô Nguyễn Thị Thuý đã làm được 397 công, và 207 tạ phân, 136m3 thuỷ lợi. Cô Nguyễn Thị Nhuỵ làm được 404 công, 190 tạ phân, 128 m3 thuỷ lợi. Chú Phạm Trọng Kính làm được 398 công, 277 tạ phân, 135m3 thuỷ lợi. Chú Nguyễn Tá làm được 444 công, 260 tạ phân, 180m3 thuỷ lợi. Cô Nguyễn Thị Đường mặc dù có 2 con mọn vẫn phấn đấu được 272 công, 134 tạ phân, 112m3 thuỷ lợi. Tuy có con dại mà cô Đường vẫn phấn đấu trở thành lao động tiên tiến, vậy thì chớ có cái gì cũng đỗ tội cho các cháu bé vì chúng không cãi: Vì sao những người ấy làm được? họ không phải thần thánh gì đâu? họ cũng là người xã viên như tất cả thôi? họ làm được mình không làm được có xấu hổ không? ít ra cũng làm bằng nữa chú Tá, Bác không yêu cầu nhiều hơn đâu, nghĩa là 222 ngày công, 130 tạ phân, 90m3 thuỷ lợi làm một nữa cho được đi rồi sau tiến lên nữa.
 

Bác hỏi thành tích các cô, các chú có đúng sự thật không (- Dạ đúng ạ! đồng chí Bí thư trả lời). Bác không hỏi chú, Bác hỏi nhân dân kia, có đúng sự thật không - thưa Bác đúng ạ - mọi người đồng thanh trả lời. Bác đề nghị thưởng huy hiệu cho 5 người này, đồng bào có tán thành không - mọi người vỗ tay rầm rộ. Vậy các cô Tuý, Nhuỵ, Đường, các chú Tá, Kính lên đây. Ai muốn Bác thưởng nữa nào (mọi người dơ tay) - Tất cả đều muốn Bác thưởng ạ? Tốt lắm Bác sẵn sàng thưởng cho tất cả nhưng cần có (dao kèo) Bác cũng dè dặt thôi, nhắc lại hôm nay các cô, các chú và bà con xã viên đã dao kèo với Bác làm bằng nữa những người được thưởng, thực hiện được như vậy Bác sẽ thưởng tất cả. Bác cảm ơn các cụ, các cô, các chú và toàn thể đồng bào đã đón tiếp Bác và phái đoàn. Thế là mất nữa ngày sản xuất, kể cả việc dọn dẹp sắm sanh này khác. Bây giờ chúc bà con về lao động bù lại.
 


Ảnh tư liệu

Kết thúc buổi nói chuyện Bác dặn: “Bà con, các cô, các chú nên về làm bù, hôm nay Trung ương và Bác về làm mất cả bà con một buổi cày...”. Chúng tôi nghe mà thấm tận đáy lòng; rồi Bác bảo muốn đi thăm một số cơ sở rồi Người đi hết sức nhanh nhẹn, chúng tôi gần như chạy mới theo kịp Người, cả biển người rùng rùng chuyển động, Bác vào nhà hộ sinh; Bác vấn an các hộ sinh đang sinh nở, rồi Bác vào nhà trẻ Vĩnh Tuy; ghé nhà bà Thậm; Người phát kẹo cho các em bé và bước vào nhà dân gần đó - nhà bà Máy; Bác vào cái dây phơi chắn ngang sân, Người với tay dẹp về một phía lấy lối đi; chị Máy đang đun nấu khói um cả lên, Bác bước vào mái tranh, chân trong chân ngoài; chị Máy ôm con chạy ra... nghẹn ngào: Bác Hồ... Bác Hồ... sau đó ít hôm; gia đình chị nhận được phong thư thật bất ngờ và cảm động là chính Bác ghi thư thăm gia đình anh chị và các cháu. Khi đi qua trại chăn nuôi trâu của xóm, ba dãy chuồng dài, Người dừng lại “đêm cho trâu ăn ra sao?”. Dạ! Tối độ 8 giờ có người đến bỏ rơm cho từng con! Có đúng hôm nào cũng thế không? - Dạ đúng! phải cho trâu ăn đêm để mai có sức kéo; công bằng là được, không có con ăn, con nhịn... Dạ! khi Bác quay lại trường cấp I; cơm nước chúng tôi đã chuẩn bị xong... Bác ngồi cùng với đồng chí Võ Thúc Đồng; chúng tôi cho người bày cơm ra... Bác khoát tay; Bác có cơm của Bác rồi... ông Vũ Kỳ đưa cơm của Bác ra; trong đó có hai cái đĩa; một đĩa hạt muối hay gì đó màu trắng, một đĩa đổ ra toàn là cơm hấp ngô... Ta mời, Bác chỉ tay, Người chấm ăn mấy miếng; đồng chí Võ Thúc Đồng được phép ăn cùng Bác... Cả đoàn chúng tôi nghẹn ngào Cổ bàn để nguội lạnh... thú thật với anh, sau này trong những khi sầu khổ của cuộc đời, gian nan trong công tác, những ngày bám trụ cùng dân, lúc đồng khô, ruộng cạn; hay cả những khi vấp ngã giữa đường đời; cái mo cơm ngô của Người cứ ám ảnh tôi mãi đến cả trong mơ và có khi tôi chảy cả nước mắt: “Quốc dĩ dân vi bản” lấy dân làm gốc... “Tiên thiên hạ chi ưu, nhi ưu, hậu thiện hạ chi lạc, nhi lạc” - Lo cái lo trước thiên hạ, vui cái vui sau thiên hạ, cổ nhân đã dạy rồi; và Bác của ta Người đã sống như vậy; và có lẽ vậy Người đã trở thành bậc thánh... Hôm đó máy bay đi lên nông trường Đông Hiếu, nhìn mãi cánh tay Người vẫy vẫy; cả quê hương lặng đi đến nghẹn ngào... Hiện nay chúng ta đang triển khai học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; từ Trung ương đến dịa phương đều học tập... Vậy cứ ghi lại chút kỷ niệm này và mong góp vào cuộc vận động một vài ký ức đẹp về Người, về một Thánh Nhân không dễ gì có lại lần thứ 2 trong lịch sử dân tộc ta và thế giới.
 
Trần Ngọc Khánh
Giáo viên Trường THCS Vĩnh Thành (Yên Thành - Nghệ An)

Bạn đang đọc bài viết ""Dưới chân rú Tháp" của tác giả Trần Ngọc Khánh" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.