Bạc Liêu được biết đến là một trong những “cái nôi” quan trọng của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Ở nơi này, ĐCTT gắn liền với cuộc sống người dân như thứ không thể tách rời. Chính vì thế, những thước phim sống động về đời sống của người dân Bạc Liêu sẽ giúp khán giả khám phá không gian văn hóa, quá trình hình thành và phát triển của một “đặc sản” Nam bộ nay đã trở thành di sản của nhân loại.
Vọng khúc trời Nam - bộ phim tài liệu dài 50 phút sẽ là nguồn tư liệu quý báu về ĐCTT, về cách bảo tồn loại hình nghệ thuật này “nhẹ nhàng như không” của người dân nơi đây. Đạo diễn bộ phim - chị Nguyễn Thanh Hương (Đài Truyền hình Việt Nam) cho biết: “Tôi thấy, quan điểm Bạc Liêu đi lên từ văn hóa là rất phù hợp với tính cách con người nơi đây. Người dân Bạc Liêu ứng xử rất văn hóa, nhẹ nhàng, chứ không “thương mại”. Đặc biệt, ấn tượng của tôi về vùng đất này là niềm đam mê ĐCTT của người dân rất mãnh liệt. Vì ĐCTT vốn là của người dân nên việc gìn giữ, bảo tồn diễn ra rất tự nhiên”. Trước đó, vùng đất nghĩa tình đã tạo ấn tượng mạnh với đạo diễn Nguyễn Thanh Hương khi lần đầu đến để thực hiện phóng sự về ĐCTT. Không chỉ ấn tượng đặc biệt bởi niềm đam mê ĐCTT của người dân Bạc Liêu quyện vào cách chơi, cách bảo tồn, nữ đạo diễn này còn “bị” thu hút bởi những công trình kiến trúc độc đáo ở đây. Những điều ấy đã trở thành động lực thôi thúc chị và ê-kíp trở lại Bạc Liêu thực hiện bộ phim tài liệu Vọng khúc trời Nam.
Trong những ngày nghỉ ngơi vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, khán giả cả nước sẽ được thưởng thức những thước phim sống động về Bạc Liêu với “Nhà hát ba nón lá” nhìn từ trên cao cùng ánh trăng tròn vành vạnh như một ngụ ý nghệ thuật: gợi nhớ lại thời khắc bản Dạ cổ hoài lang ra đời, và thế hệ sau này đã, đang gìn giữ thành quả nghệ thuật thông qua những công trình kiên cố, hoành tráng; hình ảnh mặt trời nhô cao trên đỉnh chiếc đờn kìm cách điệu (biểu tượng văn hóa của Bạc Liêu); chiếc ghe chạy trên sông trong ánh hoàng hôn; cảnh mùa gặt trên đồng ruộng Hồng Dân; những cô thôn nữ với chiếc khăn rằn giản dị; vườn chim Bạc Liêu; nhóm người sau buổi lao động diễn tấu ĐCTT ngoài sân; gia đình người dân tộc Khmer đi viếng chùa Cù Lao (Hưng Hội); một buổi chơi nghệ thuật ĐCTT tại cụm nhà Công tử Bạc Liêu, Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu… Tất cả đều được thu vào ống kính để chuyển tải đến khán giả những thước phim tư liệu quý báu về ĐCTT. Không chỉ được thưởng ngoạn những cảnh đẹp của Bạc Liêu qua màn ảnh nhỏ, khán giả còn được mở rộng kiến thức về ĐCTT qua phát biểu “đắt giá’ của những nhân vật “lão làng” trong lĩnh vực nghiên cứu loại hình nghệ thuật này, như GS-TS Trần Văn Khê, nhạc sĩ - nhà nghiên cứu văn hóa Kiều Tấn, nghệ sĩ - nhà văn Mạc Can, nhạc sư Vĩnh Bảo, ông Eric Perti (Lãnh sự quán Pháp)…
Bộ phim là hành trình khám phá chuyên sâu và hướng bảo tồn hoàn hảo đối với nghệ thuật ĐCTT. Thông qua đó, hình ảnh mộc mạc, thân thương của Bạc Liêu sẽ được quảng bá một cách tự nhiên. Đây sẽ là động lực giúp Bạc Liêu phấn đấu hơn nữa trong việc gìn giữ và phát huy tinh hoa và giữ cho được “phong độ” của một “cái nôi” quan trọng của ĐCTT!