Từ tháng 6 năm 1939 đến năm 1940 là Chi ủy viên Chi bộ ấp.
Giai đoạn từ năm 1941 đến năm 1943, sau Nam Kỳ khởi nghĩa, Quận ủy Hóc Môn (nay là Huyện ủy Hóc Môn) chủ trương tạm lắng củng cố cơ sở.
Năm 1943, đồng chí là Chi ủy viên phụ trách Tuyên huấn của Chi bộ ấp cho đến Cách mạng tháng Tám 1945.
Tháng 9, 10 năm 1945 là Thường vụ Xã ủy, Tổng thư ký Ủy ban
nhân dân xã An Nhơn Tây, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định.
Từ năm 1945 - 1946 là Quận ủy viên quận Hóc Môn; Tổng thư ký Quận bộ Việt Minh Hóc Môn. Từ năm 1946 - 1947 đồng chí là Thường vụ Quận ủy Hóc Môn; Phó Chủ nhiệm Quận bộ Việt Minh Hóc Môn phụ trách tuyên huấn.
Từ năm 1947 - 1948 là Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng đoàn Tỉnh Đoàn Trưởng Thanh niên Cộng sản tỉnh Gia Định.
Ngày 13 tháng 5 năm 1949, Đảng bộ quận Hóc Môn tiến hành Đại hội Đảng, đồng chí Phạm Khải - Tỉnh ủy viên Gia Định được cử về làm Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến quận Hóc Môn. Nhiệm vụ chính của Hóc Môn trong giai đoạn này là: Đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển Đảng; tăng gia sản xuất, điều tra ruộng đất để cấp đất cho nông dân nghèo; động viên thanh niên vào bộ đội, dân quân du kích, đi dân công; phát triển phong trào nuôi quân; xây dựng nền kinh tế tài chính tự chủ…
Kể từ tháng 6 năm 1951, tỉnh Gia Định và tỉnh Tây Ninh nhập lại thành một đơn vị hành chính gọi là tỉnh Gia Định Ninh. Như vậy từ năm 1949 - 1954, đồng chí Phạm Khải là Tỉnh ủy viên tỉnh Gia Định (rồi Gia Định Ninh), Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính quận Hóc Môn, Chính trị viên Quận đội quận Hóc Môn.
Hội nghị Genève kết thúc thắng lợi ngày 20 tháng 7 năm 1954. Chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng, Chính phủ và lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, cán bộ, bộ đội miền Nam chuyển quân đi tập kết ra Bắc. Các đồng chí lãnh đạo Hóc Môn lo tổ chức bố trí đội ngũ. Đồng chí Phạm Khải ở lại miền Nam tiếp tục chiến đấu.
Tháng 10 năm 1954, Tỉnh ủy Gia Định Ninh giải thể, tổ chức lại Tỉnh ủy Gia Định mới. Xứ ủy chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Định gồm 7 đồng chí do đồng chí Phạm Khải làm Bí thư. Các đồng chí còn lại là: Huỳnh Văn Thớm, Đoàn Công Chánh, Nguyễn Hồng Đào, Nguyễn Trọng Tuyển, Nguyễn Việt Hồng, Nguyễn Văn Tám. Tháng 11 năm 1954, Tỉnh ủy Gia Định họp Hội nghị mở rộng tại xã Tân Phú Trung, huyện Hóc Môn (nay thuộc huyện Củ Chi) đánh giá tình hình và đề ra chủ trương, nhiệm vụ cho Đảng bộ Gia Định trong giai đoạn mới. Thực hiện nghị quyết của Hội nghị, Tỉnh ủy Gia Định đã khẩn trương chọn để lại cho tỉnh một khung cán bộ có trình độ và dày dạn kinh nghiệm trong đấu tranh quân sự cũng như chính trị. Hệ thống đảng được tổ chức hoàn thiện từ tỉnh xuống huyện xã. Toàn tỉnh Gia Định có 3.700 đảng viên và hầu hết các xã đều có chi bộ.
Tháng 7 năm 1957, đồng chí Phạm Khải được điều động về làm cán bộ Xứ ủy Nam Bộ, phụ trách căn cứ Xứ ủy.
Cuối năm 1959, Xứ ủy sáp nhập hai Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn và Đảng bộ Gia Định thành một Đảng bộ lấy tên là Đảng bộ Khu Sài Gòn - Gia Định.
Từ năm 1960, đồng chí Phạm Khải là Cán bộ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, phụ trách quận Thủ Đức, Dĩ An, Củ Chi. Đồng chí tham dự Hội nghị mở rộng đầu tiên của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định tại xã An Thành, Bến Cát, Bình Dương để bàn về nhiệm vụ công tác cho toàn khu, trong đó phần đầu là chuẩn bị cho kế hoạch đồng khởi trong phạm vi Gia Định. Đến năm 1961 đồng chí là Khu ủy viên Khu ủy Sài Gòn - Gia Định.
Giữa năm 1965, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định quyết định thành lập quân khu Gò Môn (Gò Vấp và Hóc Môn nhập lại) do đồng chí Phạm Khải làm Bí thư[2].
Năm 1967, đồng chí Phạm Khải được phép nghỉ trị bệnh 10 tháng tại Campuchia.
Từ năm 1967 - 1968 là Khu ủy viên Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Ủy viên Thường trực Phân khu 6 (nội đô Sài Gòn - Chợ Lớn).
Ngày 17 tháng 2 năm 1968, đồng chí bị Mỹ - ngụy bắt giam giữ (đợt 1 Mậu Thân) và được trao trả ở Lộc Ninh năm 1973, sau đó tham gia học tập chính trị đến tháng 8 năm 1974.
Tháng 9 năm 1974, đồng chí là Ủy viên Thường trực Phân ban Nông thôn của Khu ủy Gia Định, Trưởng Ban Binh vận, Trưởng ban Nông thôn Gia Định.
Tháng 11, 12 năm 1974 đồng chí dự khóa 8 Trường Chính trị Trung Cao. Khóa học diễn ra hơn một tháng thì tạm đình chỉ cho cán bộ về địa phương tham gia công tác chiến dịch Đông Xuân 1974 - 1975.
Tháng 3 năm 1975 đồng chí là Thành ủy viên Sài Gòn - Gia Định, Thường trực Thành ủy. Từ ngày 30 tháng 4 đến 30 tháng 8 năm 1975 là Thành ủy viên, Trưởng Ban Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phụ trách Hành chính, Nhà đất.
Từ tháng 9 đến tháng 12 năm 1975, đồng chí Phạm Khải là Thành ủy viên, Trưởng Ban Nông vận, Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng Thành phố Hồ Chí Minh.
Tháng 11 năm 1975, Ủy ban nhân dân Thành phố thành lập Ủy ban Thanh tra Thành phố. Từ tháng 12 năm 1975 đến tháng 01 năm 1976 đồng chí Phạm Khải là Thành ủy viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh[3].
Đồng chí Phạm Khải từ trần năm 2007, thọ 85 tuổi.
Ghi nhận công lao của đồng chí Phạm Khải, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng đồng chí:
- Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
- Huân chương Độc lập hạng Nhất.
- Huân chương Quyết thắng hạng Nhất.
- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.
- Kỷ niệm chương Tù đày Côn Đảo.
___________________
[1] Có tài liệu thể hiện đồng chí Phạm Khải sinh ngày 22 tháng 9 năm 1922.
[2] Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Hóc Môn (1859 - 1975), Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hóc Môn, 1991.
[3] Bản lý lịch tự khai ngày 10 tháng 8 năm 1976, sao tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.