Cần thống nhất bài bản quy chuẩn
Để thực hiện những cam kết với UNESCO là tiếp tục làm cho nghệ thuật ĐCTT xứng đáng là di sản quý báu của Việt Nam và của nhân loại, 7 nội dung trọng tâm của Chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật ĐCTT Nam bộ (giai đoạn 2014 - 2020) của Bộ VH-TT-DL đang được các tỉnh thành Nam bộ quyết tâm thực hiện. Riêng TPHCM đã có nhiều nỗ lực thực hiện cam kết cộng đồng - một nội dung không thể thiếu trong hồ sơ đệ trình UNESCO về bảo tồn và phát huy ĐCTT dưới nhiều hình thức và biện pháp khác nhau. Một tín hiện đáng mừng là phong trào ĐCTT đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Nếu như năm 2011, tại TPHCM có khoảng 100 CLB với hơn 1.000 tài tử đờn, tài tử ca thì đến nay, TPHCM đã có hơn 200 CLB thu hút hơn 3.000 tài tử đờn, tài tử ca tham gia sinh hoạt. Phong trào tuy đã có sự lớn mạnh về số lượng tuy nhiên, làm sao để ĐCTT giữ được bản sắc vốn có, lan tỏa sức sống và phát triển bền vững thì vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm.
Nghệ nhân dân gian Tấn Nhì, người gần cả đời gắn bó với âm nhạc tài tử, nhìn nhận: “CLB tuy có mở ra nhiều nhưng không nhiều nơi mở lớp dạy cho đội ngũ kế thừa, một phần do không có kinh phí, một phần do thiếu đội ngũ thầy cô có trình độ căn cơ, bài bản. Do đó, kết quả đào tạo không đạt được bao nhiêu. Theo tôi, việc đưa âm nhạc tài tử vào giảng dạy ở trường học là rất nên làm. Tuy nhiên, phải tính toán liều lượng bài bản ra sao, hơi điệu nào thích hợp với giới trẻ để các em tiếp cận, làm quen; khi quen dần các em mới yêu thích”.
Đồng tình ý kiến này, TS Mai Mỹ Duyên, chủ nhiệm CLB ĐCTT Trung tâm Văn hóa TPHCM tâm tư: “Đằng sau những con số phấn khởi kia vẫn còn nhiều thực trạng phải quan tâm. Các nghệ nhân truyền nghề bằng cả tâm huyết và tình yêu của mình nhưng chưa có sự thống nhất về chương trình đào tạo căn bản và nâng cao, bài bản, phong cách đờn ca cũng như kiến thức liên quan đến nhạc tài tử để mở rộng hiểu biết. Thực tế ngày càng ít người trẻ chịu khó học hỏi ngón đờn hay, đặc biệt là với nhạc cụ dân tộc như đờn kìm, đàn tranh, đàn bầu”.
Có nên làm mới ĐCTT?
Soạn giả Ngô Hồng Khanh cho rằng: “Có phải nghệ thuật ĐCTT Nam bộ quá cũ nên ta cần phải làm mới? Tôi nghĩ, nhìn nhận ở góc độ làm thế nào để nghệ nghệ thuật ĐCTT hay hơn trong thời đại ngày nay thì sẽ thuyết phục hơn”. Ông nói thêm: “Bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng có mối quan hệ giữa hình thức và nội dung, nội dung nào thì hình thức nấy. Không phải nghệ thuật ĐCTT khi trình bày là phải cứ khăn đóng, áo dài the”.
PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Giám đốc Nhạc viện TPHCM đặt ra một vấn đề xác đáng, được các đại biểu đồng tình: “Mong muốn của chúng ta là đưa ĐCTT vào trường học, đưa nghệ thuật ĐCTT tiếp cận ngày càng gần hơn với lớp trẻ thế nhưng, làm sao để có những sáng tác mới, lời ca mới (theo 20 bài bản tổ của ĐCTT) phù hợp với lứa tuổi, nhận thức các bạn trẻ, phù hợp cuộc sống hiện tại là vấn đề đáng bàn. Không thể để các cháu 7 - 8 tuổi mới theo học ĐCTT lại chỉ biết ca toàn bài về tình yêu đôi lứa, bài của người lớn”.
Quả thật, năm 2013, cuộc vận động sáng tác lời mới cho 20 bài bản tổ của bộ môn này đã gặt hái thành quả đáng mừng. Hơn 300 bài bản mới ra đời và được in thành sách có nội dung phong phú, tạo được sự phấn khởi cho các CLB, các trung tâm văn hóa quận huyện khi tổ chức giao lưu, biểu diễn và chơi ĐCTT. Trong năm 2015, TPHCM sẽ tổ chức cuộc thi sáng tác lời mới 20 bài bản tổ ĐCTT dành cho lứa tuổi thiếu nhi.
Bên cạnh đó, liên hoan ĐCTT TPHCM năm 2015 mở rộng với Giải Hoa sen vàng lần 2 sẽ là nền tảng cho việc triển khai những chiến lược đưa ĐCTT Nam bộ đến gần hơn với giới trẻ. Ngoài ra, sở cũng giao nhiệm vụ cho Trung tâm Văn hóa TPHCM xây dựng đề án chiến lược đưa ĐCTT Nam bộ vào học đường”.