“Đôi tay vàng” vẫn đau đáu giữ lửa nghề

13/09/2016 08:14

Theo dõi trên

Mặc dù ở cái tuổi xưa nay hiếm, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế (làng Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) vẫn đau đáu với dòng tranh dân gian Đông Hồ.

Suốt nhiều thế kỉ, cả làng Hồ đều biết làm tranh điệp. Theo kí ưc của người xưa, có thời làng Hồ đông đúc, tấp nập, trên bến dưới thuyền nô nức người phương xa đến buôn tranh đi các tỉnh. Những ngày gần Tết Nguyên Đán, nhà nhà làm tranh, cả làng buôn trạnh. Chợ tranh đông vui, sầm uất được tổ chức ngay trong đình làng. Những tưởng vẻ đẹp, nét văn hóa dân gian ấy sẽ được gìn giữ và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nhưng không, trước những khó khăn, nhọc nhằn trong cuộc sống, còn mấy ai tâm huyết được với nghề.

Nhiều năm trở lại đây, những trăn trở, suy tư về việc phục hồi, bảo tồn và phát huy dòng tranh ấy khiến không ít người lo lắng. May mắn thay, đâu đó vẫn còn bóng dáng của những nghệ nhân ngày đêm tâm huyết với nó. Trong số đó phải kể đến nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm tranh, từ nhỏ nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã gắn liền với bức tranh gà - lợn. Vì vậy, ông hiểu và yêu dòng tranh này hơn bất kì ai. Đời ông là đời thứ 20 làm tranh và gìn giữ nó. Tâm nguyện của ông cũng như tâm nguyện của gia đình là " không thể để dòng tranh dân gian Đông Hồ chỉ còn là tiềm thức, mà phải gìn giữ, bảo tồn và phát huy nó cho tới mai sau."




Ba thế hệ trong gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế in tranh.

Ông Nguyễn Đăng Chế từng công tác tại trường Đại học mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, sau đó ông được phân sang làm việc tại Nhà xuất bản dân tộc. Với tài năng của ông và nhận rõ giá trị dòng tranh quê hương mình, ông xin nghỉ hưu sớm, trở về quê hương khôi phục lại dòng tranh khi nó dần dần bị xóa sổ. Năm 1994, ông tham dự Đại hội Hội Văn Hóa Dân Gian Việt Nam, ông bảo con cái mang theo một bọc tranh Đông Hồ với mục đích tuyên truyền và giới thiệu về dòng tranh, để từ đó mọi người hiểu thêm về giá trí trị của nó. Mừng vì những nỗ lực của mình được đền đá.

Tháng 3/2007, ông và 5 người con đứng ra thành lập doanh nghiệp tư nhân tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế. Ông tiếp tục xây dựng Trung tâm lưu giữ và bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ tại làng Hồ. Trung tâm có 3 hạng mục công trình là khu sản xuất, khu trưng bày và khu triển lãm tranh với số vốn đầu tư lên đến gần 3 tỷ đồng.




Xưởng tranh của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế.

Tranh do các con ông Chế làm tại chỗ có giá 15.000 đồng/bức chưa có khung và khoảng 100.000 đồng/bức đóng khung gỗ. Anh Nguyễn Ngọc Chiến, con rể ông Chế chia sẻ, một ngày tối đa anh có thể in được 200 - 300 lượt tranh nhưng mỗi ngày chỉ in được một màu. Tranh in Đông Hồ làm thủ công, mỗi khuôn in cho ra một màu khác nhau. In hết một bộ khuôn để cho ra một loạt mấy trăm tranh cũng phải mất vài ba ngày. Hiện tranh Đông Hồ xuất từ xưởng đi khắp cả nước. Tranh được bán tại cửa hàng của ông Chế ở phố Chân Cầm (Hà Nội) nhiều năm nay và tại bảo tàng dân tộc học, các điểm du lịch văn hóa nổi tiếng như phố cổ Hội An, Huế, TP.HCM…



Tranh điêu khắc gỗ của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế.

Ngoài tranh in, xưởng tranh Đông Hồ còn có tranh khắc gỗ do anh Nguyễn Đăng Tám, con trai thứ của lão nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế thực hiện. Anh Tám chia sẻ, người chơi tranh thường chơi theo bộ. Một bộ tranh gồm 4 bức anh phải mất tầm 1 tháng để hoàn thành. Tranh khắc gỗ thô có giá khoảng 10 triệu đồng/bộ, nếu được sơn phủ sẽ đẹp hơn, giá lên tới 40 triệu đồng/bộ.



Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế truyền lửa cho thế hệ trẻ.

Ông Chế cũng cho hay: “Những sản phẩm sáng tạo không làm mất đi bản sắc của dòng tranh mà còn khiến rất nhiều người ưa thích”. Có ngày ông bán được hơn 6.000 tấm lịch. Những ngày đông khách, chỉ riêng bán tranh ông cũng thu được 20-30 chục triệu đồng/ngày. Đặc biệt trong thời gian gần đây, một số khách công ty còn đặt tranh số lượng lớn với ông để xuất khẩu sang nước ngoài. Hiện bên cạnh thị trường trong nước ông Chế còn xuất khẩu trực tiếp ra thị trường Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan… Giờ gia đình ông với hơn 15 nhân công tất cả đều chuyển sang làm tranh.

Ông Chế dự định sẽ phát triển trung tâm tranh dân gian Đông Hồ thành một khu du lịch sinh thái, kết hợp mở các lớp dạy nghề làm tranh truyền thống cho con em trong làng và những người có niềm say mê hứng thú đối với nghề tranh truyền thống mang đậm tính nhân văn này.

(Theo Làng Việt Online)

TUỆ BÌNH
Bạn đang đọc bài viết "“Đôi tay vàng” vẫn đau đáu giữ lửa nghề" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.