Đọc Tiểu thuyết "Những kẻ giời hành" của Đặng Vương Hưng
20/09/2017 14:14
Tôi vừa được Đặng Vương Hưng “Quý tặng” Tiểu thuyết "Những kẻ giời hành" từng đoạt giải ba cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống", do Bộ Công an và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức (giai đoạn 2012 - 2015). Tuy xuất bản được 3 năm nay đã đến tay nhiều bạn đọc và đã có không ít bài viết giới thiệu về tiểu thuyết này của Đặng Vương Hưng nhưng đối với tôi bây giờ mới được đọc.
Tiểu thuyết "Những kẻ giời hành" khổ 16X24 cm, dày 406 trang, giấy in đẹp, trông bắt mắt gồm có bài mở đầu sách của Đại tá, Nhà văn Phạm Hoa “Đặng Vương Hưng từ “Thủ khoa” thơ tới... “Những kẻ giời hành” và 16 chương cùng bài viết của Nhà phê bình Bùi Việt Thắng ở cuối sách “Những kẻ giời hành” thêm phát lộ Đặng Vương Hưng” – một cây bút tiểu thuyết có nghề.
Dù bận rộn nhưng tác giả “Quý tặng” sách, tôi rất trân trọng và tranh thủ đọc một mạch khá hấp dẫn. Điều cảm nhận đầu tiên sau khi đọc xong "Những kẻ giời hành" chứng tỏ Đặng Vương Hưng – đúng là "một cây bút tiểu thuyết có nghề".
Tiểu thuyết lấy bối cảnh nông thôn Việt Nam thập niên 1980, trước và sau khi đổi mới. Nhân vật trong tác phẩm được phân tuyến theo lối khá truyền thống: chính diện và phản diện.
Sầm là người trông bãi tha ma Vạn Điềm. Sầm vốn là chàng Vệ quốc hiền lành, chất phác, ra quân về làng, là người tốt, sống hồn nhiên, không biết khổ, không biết sướng, không đòi hỏi bất cứ điều gì. Sầm có công trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Cuộc đời riêng của anh không ít bi kịch. Anh trở về từ chiến tranh với gương mặt bị biến dạng. Anh từng có con với một phụ nữ dở hơi tên Hĩm Gái nhưng họ lạc nhau sau khi Sầm tham gia kháng chiến. Trở về làng, đơn độc và mất mát, Sầm gắn cuộc đời mình với những cái chết khi làm công việc ở nghĩa trang.
Chị Xuyến vốn là một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, là một cán bộ đoàn, làm chủ nhiệm HTX đầu tiên của xã Tân Trang, là người năng nổ trong những ngày kháng chiến. Bi kịch bắt đầu khi chồng chị bị "nghi án" mất tích, là kẻ chiêu hồi, phản bội. Sống giữa những áp lực tinh thần nặng nề, chị Xuyến dần trở thành một kẻ mộng du, thậm chí có lúc “dâm tình” hay còn gọi là bện "giờ hành mộng ảo".
Tác giả dành cái kết có hậu cho những người cố gắng vươn lên trong cuộc sống như Sầm, bằng một tình yêu ở tuổi xế chiều với nhân vật Xuyến sau khi chồng Xuyến là Vũ Thành được minh oan. Vũ Thành đã hy sinh anh dũng trong cái đêm vượt sông bảo vệ cán bộ về Trung ương cục họp, chứ không phải đào ngũ, chiêu hồi, phản bội như có kẻ tung tin.
Khác với ông Sầm, chị Xuyến, vốn là những người có bản tính lương thiện, Hữu Hoạt lại là một người sống gian dối, vô lương tâm. Và câu chuyện của Hữu Hoạt cũng không phải là câu chuyện về một người bị dòng đời chà đạp đến thay tâm đổi tính. Hay nói chính xác hơn là Hữu Hoạt đã tự hành mình và cũng là một dạng bị “giời hành”.
Là Tổng giám đốc doanh nghiệp “lắm tiền”, Hữu Hoạt là một nhân vật sống cơ hội, lừa lọc, thủ đoạn, đặt đồng tiền lên trên hết - cuối đời phải chịu cuộc sống ám ảnh. Cô sinh viên vừa ra trường mà Hoạt cưỡng đoạt là Thủy cũng chính là người mà con trai hắn đem lòng yêu thương. Từ đó, tấn bi kịch của Hữu Hoạt bắt đầu. Hữu Hoạt mang bóng dáng của nhiều nhân vật có thật trong đời sống ngày nay.
Với câu chuyện về các số phận bị “giời hành” đến thảm hại, tiểu thuyết “Những kẻ giời hành” của Đặng Vương Hưng đã toát lên một thông điệp nhân văn sâu sắc: Nếu một khi đã trót “hư” thì hãy cố gắng đừng “hỏng”. Bởi hầu như ai đã sinh ra và sống ở cõi đời này đều có số phận định đoạt và đều bị “giời hành”, không ít thì nhiều, không sớm thì muộn. Điều quan trọng là mỗi người phải biết cách tự đứng dậy, vượt qua bản thân để làm chủ số phận của mình hay không!
Được biết, những nhân vật trong tác phẩm được Đặng Vương Hưng lấy cảm hứng từ chính những trải nghiệm khi làm báo. Chính vì thế, tiểu thuyết mang đậm hơi thở của cuộc sống khiến cho bất cứ ai cũng có cảm giác tìm được sự đồng cảm và gặp mình trong đó.
Đúng như Đại tá, nhà văn Chu Lai nhận xét: “Hơi thở của từng con chữ, từng trang viết cứ lặng lẽ cảm hóa, như thôi miên người đọc... Tác giả đã biết khai thông cái mạch huyệt đậm chất folklore đời thường, để bật lên những góc khuất cuộc đời. Đó là cái rất khó mà không phải cây bút thuần thục, có nghề nào cũng làm được”.
“Có thể coi “Những kẻ giời hành” là những phiên bản chồng và ghép của cuộc sống. Trong đó, con người với những số phận đã không hẹn mà gặp cùng nhau hội ngộ bởi những nguyên cớ hiện tại khởi nguồn từ quá khứ. Sự tham lam, bảo thủ, cơ hội, lừa lọc, phản trắc... cùng lòng tốt và sự tha thứ, hy sinh, những giá trị nhân văn cùng đan chen và thể hiện như hai mặt không thể tách rời. Câu chuyện bắt đầu xuất phát ở nơi gặp gỡ và chia biệt của kẻ sống, người chết, khiến ta có thể soi mình vào quá khứ để nhận ra rằng: Triết lý “nhân quả” linh nghiệm đến nỗi không phải chờ đến kiếp sau!”, nhà phê bình Chu Thị Thơm nhận xét.
Đăng Vương Hưng là Đại tá, Nhà văn sinh ngày 28 tháng Chạp năm Đinh Dậu (tức ngày 15/2/1958). Tổ quán: Hưng Yên. Sinh quán: Xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Đặng Vương Hưng đã có nhiều năm phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân, là tác giả của hơn 40 cuốn sách với nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tự truyện, phóng sự… Đặc biệt, Đặng Vương Hưng còn được nhiều người biết đến với tư cách là tác giả ý tưởng. Người khởi xướng và tổ chức nhiều công trình tác phẩm “Sưu tầm và Giới thiệu” độc đáo và đặc biệt xuất sắc, với bộ sách “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam”.
Vũ Xuân Bân
Bạn đang đọc bài viết "Đọc Tiểu thuyết "Những kẻ giời hành" của Đặng Vương Hưng" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ.
Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.