Độc đáo ở ngôi chùa cổ Nam bộ

17/07/2015 14:47

Theo dõi trên

Chùa Ông gồm 3 tòa kiến trúc riêng biệt liên kết nhau, gồm điện thờ chính và hai dãy nhà bao quanh. Trên nóc điện thờ trang trí bức phù điêu bằng gốm men xanh, một loại gốm Cây Mai do lò Bửu Nguyên ở Sài Gòn – Gia Định sản xuất vào cuối thế kỷ 19. Kế đó là một bức phù điêu bằng gốm lớn tả cảnh “vinh quy bái tổ”.

 
Chùa Ông hay còn gọi Thất phủ cổ miếu ở Cù Lao Phố, một ngôi chùa Hoa sớm nhất ở Nam bộ

Bước vào bên trong tiền điện qua hai cánh cửa gỗ sơn màu đỏ tươi nhìn rất uy nghiêm.Trên cửa có một tấm biển đá xanh khắc chữ Hán sơn đỏ “Thất Phủ cổ miếu”. Các mảng tường chung quanh vẽ nhiều bức tranh sơn thủy, hoa điểu, tiên ông và tiểu đồng… như dẫn dắt du khách đến một nơi thanh nhàn, cực lạc.
 
Trung điện là gian nhà ngang gồm 2 mái lợp ngói ống giống như tiền điện. Hậu điện là nơi chính thờ đức Quan Công, bà Thiên Hậu…
 
Các bức chạm khắc trang trí nội thất: vì kèo, bao lam, hoành phi, bàn hương án… là những mảng điêu khắc rất đẹp. Kỹ thuật chạm khắc đã lên đến đỉnh cao bởi nét đục già dặn, tinh vi, sắc sảo, khỏe khắn và sinh động. Các nghệ nhân rất khéo trong cách bố cục đề tài theo nguyên tắc vô tận, gây cảm giác cho người xem về một thế giới khôn cùng, cái vô hạn trong hữu hạn rất phong phú và phù hợp với tinh thần lão giáo.
 
 
Cây si che khuất cả một khoảng sân rộng ở mặt tiền chùa ông
 
Chùa ông thờ đức quan Thánh Đế Quân, hay còn gọi là Quan Công, một nhân vật lịch sử Trung Hoa sống vào thời Tam Quốc, cuối đời nhà Hán. Dân gian thờ ông vì ông tượng trưng cho danh dự, lòng chung thủy, sự can trường, công minh chính trực. Chùa Ông còn thờ hai người con nuôi của Quan Công là Quan Bình và Châu Xương.
 
Ngoài ra, Chùa Ông còn thờ tự khá đầy đủ các vị thần linh chính yếu của cộng đồng người Hoa: Thiên Hậu, Cửu Thiên Huyền Nữ, Tề Thiên Đại Thánh, Kim Huê thánh mẫu, Bà Mẹ Độ, Quan Âm, Bao Công, Hiếu tử... và tất nhiên không thể thiếu con ngựa Xích Thố.
 
Chùa Ông gọi là chùa cũng không hẳn đúng.Bởi đối với người Việt, đã là chùa thì đối tượng thờ cúng chỉ là các tượng Phật và phải cúng chay. Trụ trì chùa là các tăng, ni tu hành đắc đạo. Đối với người Hoa, Chùa Ông có ý nghĩa khác hẳn, chùa không thờ Phật mà thờ đức Quan Công nên thường tổ chức cúng mặn.Qua đây cho thấy Chùa Ông của người Hoa cũng gần giống như đình của người Việt, ngoài chức năng cúng bái, lễ giỗ còn là nơi hội họp ở địa phương mỗi khi có việc.
 
Chùa Ông đã được Bộ VHTTDL công nhận di tích lịch sử văn hóa – kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Cao Phương (Báo Du Lịch)

Bạn đang đọc bài viết "Độc đáo ở ngôi chùa cổ Nam bộ" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.