Độc đáo nhà thờ đá Phát Diệm

10/10/2014 15:00

Theo dõi trên

Đến Ninh Bình, du khách không thể không ghé thăm nhà thờ đá Phát Diệm, một tòa kiến trúc bằng đá độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Ở nơi đây, văn hóa Đông - Tây đã hòa làm một.

Nơi sinh ra cái đẹp

Cách thành phố Ninh Bình 28km về phía Nam, nhà thờ Phát Diệm toạ lạc trên một khu đất rộng 117m, dài 243m, giữa trung tâm thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Đầu thế kỷ XIX nơi đây chỉ là vùng đất bồi với bùn lầy và ngút ngàn cỏ sậy. Năm 1828, Nguyễn Công Trứ được triều đình nhà Nguyễn ở Huế phái ra Bắc với chức “Dinh Điền Sứ” đã khai phá lập ra vùng đất này. Kim Sơn là “núi vàng” và Phát Diệm có nghĩa là “Phát sinh ra cái đẹp”.

Nhà thờ được xây dựng trong suốt 24 năm (1875 - 1899) với vô vàn khó khăn, phương tiện làm việc thô sơ. Hàng ngàn tấn đá, có phiến nặng tới 20 tấn, hàng trăm cột gỗ lim có nhiều cây cột dài tới 12m, chu vi 2,35m, nặng tới 7 tấn... được vận chuyển từ Thanh Hoá, Nghệ An và nhiều nơi khác xa hàng trăm cây số về Phát Diệm. Phương đình là hạng mục công trình được hoàn thành sau cùng vào năm 1899, là điểm nhấn, kiệt tác về nghệ thuật, kiến trúc. Tầng dưới lớn nhất, nếu bỏ đi hai lối lên gác thì phần giữa có hình dáng của một cổng tam quan trong kiến trúc truyền thống, được xây dựng bằng đá xanh với kỹ thuật thủ công tinh xảo. Giữa phương đình đặt một sập làm bằng đá nguyên khối, phía ngoài và bên trong là những bức phù điêu được khắc chạm trên đá hình ảnh chúa Jêsu và các vị thánh với những đường nét thanh thoát. Tầng thứ hai của phương đình treo một trống lớn. Tầng ba treo một quả chuông cao 1,4m, đường kính 1,1m, nặng gần 2.000kg, quả chuông lớn ở phương đình được đúc vào năm 1890. Một tiếng chuông vang xa được ví như cả 3 tỉnh (Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa) nghe thấy.

Tuy đây là một công trình kiến trúc mang đậm màu sắc tôn giáo Tây phương nhưng phía trên tòa tháp của nhà thờ lại lợp ngói mũi hài, với đầu đao cong lượn thanh thoát, tạo thành sự phối hợp tinh tế của hai lối kiến trúc Đông Dương - Gotic. Một điểm nữa cần nhắc tới là những mảng sơn son thếp vàng trên đồ thờ bằng gỗ trong nhà thờ gợi lên một không gian thờ truyền thống của dân tộc Việt.

Không gian thuần khiết

Một điểm cộng cho thắng cảnh nhà thờ đá Phát Diệm chính là ở đây không có sự đông đúc, ồn ào của các địa điểm du lịch khác. Quanh khuôn viên nhà thờ không có cảnh xô bồ tấp nập mà chỉ có bầu không khí rêu phong tĩnh mịch và sự vắng lặng khiến người ta thấy tâm hồn mình gần hơn với các đấng siêu nhiên. Đi qua phương đình, du khách bước vào nhà thờ lớn đồ sộ, có 5 lối vào làm bằng đá, trạm trổ tinh tế, điêu luyện với các hoa văn, họa tiết ấn tượng. Nhà thờ lớn dài 74m, rộng 21m, cao 15m, được dựng bởi 6 hàng cột gỗ lim, trong đó có 2 hàng cột ở giữa cao 11m, chu vi mỗi cột là 2,35m, nặng 7 tấn, đều làm bằng nguyên một thân cây lim. Nằm song song hai bên nhà thờ lớn có 4 nhà thờ nhỏ đăng đối nhau là nhà thờ Thánh Rôcô, nhà thờ Thánh Giuse, nhà thờ Trái tim Đức Mẹ và nhà thờ Thánh Pêrô. Mỗi nhà thờ là một tác phẩm kiến trúc mỹ thuật mang nét riêng vốn có.

Hiện nay, quần thể nhà thờ đá Phát Diệm là một điểm đến không thể thiếu trong các tour du lịch từ Hà Nội đến Ninh Bình hoặc kết hợp với thắng cảnh khác của các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Nam Định… để làm thành chuỗi các sản phẩm du lịch hấp dẫn.

UBND tỉnh Ninh Bình và các nhà nghiên cứu Nhật Bản đang hoàn thiện hồ sơ về kiến trúc nhà thờ Phát Diệm để đề nghị UNESCO công nhận nhà thờ Phát Diệm là di sản văn hóa thế giới.

Theo Dân Việt
Bạn đang đọc bài viết "Độc đáo nhà thờ đá Phát Diệm" tại chuyên mục Từ trong di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.