Bức tượng Phật được vớt lên từ biển
Lạ kỳ tượng Phật “tự tìm” tới ngôi chùa
Tọa lạc tại thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn (huyện Tuy An – Phú Yên), chùa Thanh Lương bao năm qua vốn dĩ là ngôi chùa bình dị, thưa thớt khách vãng lai. Bao đời trụ trì đến rồi đi không lưu lại dấu ấn, thế nhưng hơn chục năm nay, ngôi chùa bình dị này lại mang trong mình một bức tượng Phật kỳ lạ, được Phật tử nơi đây thờ cúng với sự thành kính thiêng liêng nhất. Đó là một pho tượng Phật Bà trôi dạt từ biển về với chùa.
Kể về lai lịch bức tượng Phật Bà bằng gỗ này, ông Lê Trung Tánh, Phó ban nghi lễ và cũng là một trong số nhưng người đã ra đưa Phật Bà về chùa kể lại. Vào sáng sớm ngày 24 tháng 12 năm 2004, khi đi thuyền ngoài biển, ngư dân của làng chài Mỹ Quang Nam phát hiện một pho tượng Phật bà bằng gỗ đang trôi dập dềnh ngoài biển. Mặc dù sóng lớn nhưng pho tượng Phật cứ lấp lửng trôi gần bờ chứ không bị sóng cuốn ra ngoài, cũng không dạt vào bờ như những cây gỗ khác. Thấy sự kỳ lạ như thế, mọi người liền chạy về chùa thông báo rằng họ phát hiện một bức tượng Phật lạ kỳ, nhờ chùa đến xem xét. Phật tử đạo hữu và cả trụ trì chùa Thanh Lương là đại đức thích Quảng Ngộ cũng nhau chay ra xem. Lúc này nhiều người bơi thuyền ra để vớt bức tượng lên, nhưng kỳ lạ thay, hàng chục con thuyền bơi ra nhưng chẳng con thuyền nào tiếp cận được với pho tượng này cả. Pho tượng cứ như trêu người con người, mặc dù dùng cây sào dài để kéo, hay dùng cả lưới để vớt lên nhưng vẫn không được. Pho tượng cứ trượt khỏi lưới, tránh khỏi cây một cách tài tình.
“Ngay khi có người báo tôi cùng với 4 người nữa đưa ghe đi ra ngoài đảo. Nói thiệt lúc đó trời biển động nên rất ít người dám ra biển. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng Phật bà đang chờ ngoài đó nên quyết định vận động anh em cố gắng bơi ra. Khi đi chúng tôi đâu có biết là tượng to lắm nên không mang theo dây, cây kèo… để đưa Ngài lên thuyền. Đến nơi, tôi thấy tượng được dựng đứng rất đẹp. Mặc dù thân tượng ngấm đầy nước, hàu bám quanh nhưng từ Ngài phảng phất ra một dáng đứng trang nghiêm, khi thấy ai cũng phải vái lạy. Sau khi chiêm bái đức Ngài xong, anh em lo chạy đi kiếm dây và cây để bưng Ngài lên thuyền. Do biển động nên anh em phải để ghe cách chỗ tượng đang được dựng đứng hơn 100m, đường đi rất khó, mọi người vừa bưng vừa cẩn thận bước đi để tránh trượt chân té. Từ lúc chúng tôi bắt đầu đi là 6h sáng mà đến 15h chiều mới đưa được Ngài về đến chùa. Nói thiệt từ lúc Ngài về tại chùa ở đây, chúng tôi cảm thấy rất yên tâm khi làm ăn, thiên tai cũng ít đi, người chết vì đi biển không còn. Mọi người trong làng đều rất vui!”, ông Tánh chia sẻ.
Hơn một buổi sáng hàng chục chiếc thuyền đánh vật với pho tượng để vớt lên bờ nhưng không được, mọi người đồn đoán có lẽ tượng Phật đang chờ người nào đó để được lên bờ. Đem chuyện này nói với sư Quảng Ngộ, hiểu lẽ Phật và biết Phật duyên, sư Quảng Ngộ ngồi lên thuyền cùng một số ngư dân nữa chạy ra biển, sau khi niệm Phật và cầu xin, thì chẳng hiểu sao bức tượng Phật lại dạt vào mạn thuyền, và cứ thế theo thuyền vào bờ rồi được người dân cung thỉnh lên. Đại đức Thích Quảng Ngộ, trụ trì chùa Thanh Lương, kể lại: “Vào sáng sớm hôm ấy, một duyên sự trọng đại đã đến với chùa Thanh Lương khi Phật tử phát hiện pho tượng Bồ tát Quan Thế Âm bằng gỗ từ ngoài biển khơi trôi dạt vào Hòn Dứa, cách chùa không xa, được ngư dân báo cho chùa. Chùa thông báo đến chính quyền và tổ chức Phật tử ra thỉnh về tôn trí. Tượng Phật dạt vào bờ trong tư thế đứng, giữa khe đá. Nhiều nhân lực và phương tiện được huy động nhưng không thỉnh được tượng về. Chỉ đến khi niệm đúng danh tính của Ngài thì có một con sóng rất lớn ập vào để trợ giúp và tượng ngài được đưa về chùa”.
Đại đức Thích Quảng Ngộ cho biết thêm: Pho tượng tuy không còn nguyên vẹn do sự bào mòn của thời gian và chìm ngấm dưới biển lâu năm, nhưng vẫn dễ dàng nhận ra nguyên bản dáng đứng của Bồ Tát Quan Âm. Từ đó đến nay, có rất nhiều cá nhân, đoàn thể trong và ngoài nước đến tham quan chùa và tôn trí pho tượng. Người ta không xác định được xuất xứ cũng như niên đại của tượng mà chỉ đoán khoảng hơn 100 năm, bức tượng cũng được tạc từ một loại gỗ rất lạ kỳ mà dù nhiều khách hành hương từ phương xa tới, hay ngay cả nhiều thợ đi rừng lâu năm nhiều kinh nghiệm vẫn không xác định được. Nhiều người dân vẫn coi đây là một hiện tượng hi hữu trong khu vực Đông Nam Á vì bức tượng không biết đến từ đâu, không biết làm từ loại gỗ gì mà lại có duyên với mảnh đất này đến thế. Độc đáo hơn là hình ảnh Bồ Tát Quan Âm không có đôi bàn tay. Nhiều Phật tử có tâm đã ngỏ ý được phục chế pho tượng nhưng đại đức Thích Quảng Ngộ kiên định giữ nguyên hiện trạng.
Phật tử nơi đây ít gọi là bức tượng này là Quan Thế Âm mà hay gọi là tượng Mẹ, biểu trưng đầy ý nghĩa cho người Mẹ phương Đông. Đại đức Thích Quảng Ngộ cho biết: “Khi thỉnh ngài về tam bảo của chùa, trên tượng là Chi chít những vết hà biển đục lỗ rỗ như nói lên rằng mẹ đã phải gánh chịu mọi nỗi khổ, hứng chịu nỗi đau trên thế gian này. Điều đó cũng chính là “hạnh” vị tha của Quan Thế Âm. Vẻ bề ngoài của bức tượng cũng mang một thông điệp rằng mọi chiếc áo đều bị rách nát bởi sự va đập của cuộc sống, nhưng pho tượng không mất đi màu trắng trinh nguyên!”. Được biết, pho tượng Bồ tát Quan Thế Âm được làm bằng gỗ quý trong dáng đứng trên một con rồng, cao 2,2 mét, nặng 74 kg, chiều ngang 0,6m và tỏa ra mùi thơm ngát. Pho tượng tuy không còn nguyên vẹn do sự bào mòn của thời gian và ảnh hưởng khi bị chìm ngấm dưới biển lâu năm, nhưng vẫn dễ dàng nhận ra nguyên bản dáng đứng của Bồ Tát Quan Âm.
Từ đó đến nay, có rất nhiều đoàn thể, cá nhân trong cũng như ngoài nước, đến tham quan và chiêm bái pho tượng này. Chư Tôn đức thuộc hàng giáo phẫm trong Hội đồng trị sự Trung ương GHPGVN, những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khảo cồ, cũng đã từng về chiêm bái và khẳng định sự gặp gỡ nhân duyên mang nhiều ý nghĩa này của pho tượng.
Ngôi chùa làm bằng san hô và gáo dừa
Cùng với bức tượng Phật có nguồn gốc đặc biệt này, chùa Thanh Lương còn là một ngôi chùa độc đáo và tuyệt đẹp với chính điện được xây dựng từ san hô và gáo dừa. về trụ trì nhiều năm ở miền đất trùng dương cát trắng, sư Quảng Ngộ đã ấp ủ dự định tạo tác các sản vật biển thành chất liệu xây dựng công trình kiến trúc hữu dụng. Dựa trên ý tưởng ấy, ngôi chánh điện cùng gian thờ Tổ với tổng diện tích xấp xỉ ngàn mét vuông đã được ốp mái, trang trí toàn bộ bằng đá san hô và gáo dừa, những chất liệu tiêu biểu đặc trưng nơi vùng đất ven biển này. Từng khối san hô bao đời bỏ phế nơi đầu bờ cuối bãi được nhặt nhạnh mang về phân loại, kỳ công đẽo gọt và mài nhẵn. Sau đó được ốp trang trí mái, lam, đầu rường, mặt tiền theo hình chữ vạn hoặc hình kỷ hà, ngọn sóng. Nội thất bên trong sử dụng muôn vạn mảnh gáo dừa lắp ghép ốp tường tạo hình thay gỗ với các sắc màu nâu, đen, trắng xen lẫn hài hòa. Với đặc tính bền nhẹ, tản nhiệt mùa hè và giữ ấm mùa đông, từng có nhà sử dụng gáo dừa làm mái hoặc san hô ốp tường trang trí. Nhưng phối hợp cả hai chất liệu thì chùa Thanh Lương là nơi ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam, một công trình độc đáo, gần gũi thân thiện với môi trường.
Nói về tên chùa, đại đức Thích Quảng Ngộ bộc bạch: “Thanh Lương nghĩa là thanh thản và bình yên. Trong nhịp sống bộn bề này, đôi khi người ta muốn sống chậm lại, đến chùa vãn cảnh để thâm tâm được an lạc, lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống. Cảnh trí nơi đây được bố trí theo ý nghĩa ấy để những thông điệp bình dị có thể len lỏi vào tâm hồn mỗi người”. Cảnh quan ở đây e ấp kín đáo, không lộng lẫy tân thời mà uy nghi trầm mặc như tính cách bình dị của người Phú Yên. Kiến trúc tâm linh của ngôi chùa thể hiện ngay ở con đường dẫn. Đi qua cổng chùa, ta sẽ bắt gặp ngay trước mắt bức tượng đức Phật Di Lặc với nụ cười an nhiên tự tại của một người như đã hiểu hết lẽ đời. Kế đến là không gian của đá, những hòn đá được đặt cạnh nhau tạo nên một thế giới riêng. Bên trái ngôi chùa, sen đang ngát hương như tô điểm cho bức tranh thêm sức sống. Mái tam quan được giữ nguyên vẻ cổ kính với mái ngói nâu đỏ rêu phong. Toàn bộ cảnh chùa như ẩn hiện dưới tán cây cổ thụ, tạo cho ta một cảm giác yên bình.
Bây giờ, pho tượng Bồ tát Quan Thế Âm trong dáng đứng cưỡi rồng từ muôn trùng khơi trở thành báu vật thiêng liêng nơi miền đất đầu sóng, ngọn gió này. Với tâm nguyện của Phật tử nơi đây, Thanh Lương tự đang trở thành điểm hành hương mang giá trị tâm linh độc đáo của tỉnh Phú Yên.