
Nếu như chùa Giám gắn với những năm tháng đầu đời của Đại danh y Tuệ Tĩnh thì đền Xưa là ngôi đền chính thức được xây dựng để thờ ông. Chưa xác định được đền được khởi dựng từ năm nào nhưng căn cứ di vật kiến trúc hiện còn có thể xác định vào thế kỷ 17 đã có một ngôi đền kiên cố, chạm khắc tinh tế. Hiện tại, di tích còn khoảng 50 cổ vật có giá trị như: chuông đồng đúc năm Tự Đức thứ 8 (1855), sắc phong cho Tuệ Tĩnh vào các thời Thiệu Trị, Tự Đức, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại. Đây là những vật chứng cho sự nghiệp y học lẫy lừng đã được ghi nhận trong lịch sử của Đại danh y Tuệ Tĩnh.
Đến thăm đền Bia được xây dựng để thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh và tấm bia tương truyền được tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đặt khắc theo nguyên mẫu tấm bia đặt trên mộ ông bên Giang Nam (Trung Quốc). Bên cạnh tấm bia này, ngôi đền còn có công trình vườn thuốc nam rộng lớn, phong phú các loại dược liệu. Đền Bia không phải là nơi thờ chính Tuệ Tĩnh nhưng lại được nhân dân địa phương đến thăm viếng nhiều nhất vì nơi đây là trung tâm thuốc nam uy tín. Vào dịp lễ hội (1/4 âm lịch) khách trẩy hội rất đông để cắt thuốc nam như một cách cầu may về sức khỏe.

“Thân phận” ly kỳ
Danh y Tuệ Tĩnh là người tài hoa nhưng số phận long đong. Có lẽ bởi vậy nên xoay quanh những di tích thờ ông cũng có những câu chuyện khá ly kỳ. Hơn 40 năm về trước, chùa Giám đi liền với đình và nghè Giám đã được dịch chuyển vị trí trong một cuộc di dời hiếm có. Trải qua những năm kháng chiến chống Pháp, nhà tổ, hành lang, tam quan không còn, nhiều cổ vật bị thất lạc hoặc bị hủy hoại. Năm 1971, do yêu cầu giải phóng dòng chảy, chống lũ lụt, toàn bộ xã Cẩm Sơn phải di chuyển đến một địa điểm mới cách 7km về phía Tây. Năm 1972, toàn bộ công trình gồm chùa, cửu phẩm và nghè Giám được tháo dỡ, chuyển theo dân cư về xã mới. Trong hoàn cảnh chiến tranh cộng với vỡ đê, ngập lụt, mất mùa, khó khăn bủa vây nhưng nhân dân và chính quyền địa phương vẫn quyết tâm di chuyển và dựng lại di tích tại địa điểm mới, gìn giữ một biểu tượng tinh thần thiêng liêng của làng xã mình. Các chi tiết công trình được giải hạ, các kết cấu gỗ được bao gói bằng bao tải độn lót lá cỏ, xếp lên xe bò, từng chuyến, từng chuyến chuyển về địa điểm mới. Hai năm sau, công trình được dựng lại an toàn tại trung tâm xã mới. Đây được đánh giá là một cuộc dịch chuyển kỳ công, một việc chưa từng có trong lịch sử tỉnh Hải Dương.
Đền Bia là ngôi đền nổi tiếng linh thiêng và câu chuyện về tấm bia được thờ ở đây đầy ly kỳ và xúc động. Tương truyền, năm 55 tuổi, Tuệ Tĩnh được phái vào đoàn sứ bộ đi Trung Quốc và mất tại Giang Nam. Năm 1669, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho, người cùng làng với Tuệ Tĩnh đi sứ sang Trung Quốc đã đến viếng mộ Tuệ Tĩnh tại Giang Nam. Tấm bia đặt trên mộ người con xa xứ ấy có khắc ghi dòng chữ “Ai về nước Nam, cho tôi về với”. Lời dặn ấy là tấm lòng đau đáu hướng về quê hương của Tuệ Tĩnh. Xúc động trước tình cảm ấy, Nguyễn Danh Nho đã cho dập mẫu tấm bia, thuê thợ làm lại và chở về quê. Khi đó cả vùng quê ông đang bị ngập lụt, xuôi thuyền đến địa phận đền Bia hiện nay thì thuyền bị lật, tấm bia rơi xuống. Đến khi nước cạn, người dân tìm thấy tấm bia ở nơi doi đất có hình con dao cầu (dao thái thuốc). Cho là ý nguyện của Tuệ Tĩnh linh ứng vào mảnh đất này nên nhân dân đã dựng miếu thờ bia. Từ ngày dựng bia, người khắp nơi kéo về lấy thuốc, hái lá, xin nước đền Bia về uống, hi vọng khỏi bệnh. Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), một ngày có hàng nghìn người đến đền Bia nên vua đã hạ chiếu cấm việc cúng lễ và xin thuốc mang màu sắc mê tín, mất vệ sinh, sai người mang tấm bia cất giữ trong kho. Đến năm 1936, một người của làng Văn Thai làm chức thủ kho đã lấy lại bia và bí mật đem về nhưng đáng tiếc là tấm bia này đã bị đục hết chữ, không còn đọc được. Phát huy truyền thống y dược và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, chính quyền và ngành y tế, Hội Y học cổ truyền dân tộc huyện Cẩm Giàng đã thành lập tổ chuẩn trị y học, chuyên bốc thuốc nam chữa bệnh và trồng nhiều cây thuốc tại khu vực đền Bia. Nhân dân thập phương vẫn đến đền Bia để cắt thuốc và tưởng nhớ Tuệ Tĩnh - Đại danh y của dân tộc với tấm lòng thành kính.

Những câu chuyện truyền tụng trong dân gian phủ một sắc màu huyền hoặc và linh thiêng lên các di tích. Song, cốt lõi của những câu chuyện ấy là cuộc đời, đức độ có thật của Đại danh y Tuệ Tĩnh. Cùng với những câu chuyện ấy, tài năng, công đức, tấm lòng với quê hương của ông sẽ còn sống mãi trong lòng những người con của mảnh đất này.