Lời đầu tiên, trưởng đoàn phía Indonesia ông Agus Widiatmoko, đại diện cơ quan Bảo tồn Văn hóa khu vực, trân trọng cảm ơn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, đặc biệt là Cục Hợp tác quốc tế đã hỗ trợ đoàn trong chuyến công tác tại Việt Nam lần này. Với mục tiêu tìm hiểu văn hóa và tập quán cộng đồng tại hai địa điểm du lịch trọng yếu về di sản là Khu di tích Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An, được làm việc với Cục Hợp tác quốc tế là một bước quan trọng để phía Indonesia hiểu hơn về những chính sách cũng như hỗ trợ của Nhà nước nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với cộng đồng.
Về phía Việt Nam, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa chào mừng đoàn và nhấn mạnh lịch sử hợp tác sâu sắc giữa Việt Nam và Indonesia, được đặt nền móng bởi mối quan hệ thân thiết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno. Sau chuyến thăm chính thức đến Việt Nam của Tổng thống Joko Widodo vào đầu tháng 01/2024, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đón tiếp 22 trưởng làng Indonesia là một minh chứng rõ ràng về mối quan hệ văn hóa luôn được coi trọng giữa hai quốc gia. Bên cạnh đó, với danh tiếng là quốc gia có số dân theo Hồi giáo nhiều nhất thế giới, việc Indonesia lần này muốn giới thiệu một di tích về Phật giáo càng làm rõ sự đa dạng văn hóa và tôn giáo của nước này. Bà Nguyễn Phương Hòa cũng nhấn mạnh rằng đây chính là một nguồn lực mạnh mẽ mà Indonesia có thể khai thác để phát triển.
Về việc Indonesia đề nghị học hỏi Việt Nam, bà Nguyễn Phương Hòa cho rằng ông Agus Widiatmoko đã đưa ra nhận định còn khiêm tốn về nguồn lực di sản của Indonesia, với Borobudur là một trong những kỳ quan phật giáo hàng đầu thế giới. Sự khác biệt của Việt Nam là mặc dù không còn những di tích đồ sộ như vậy, nhưng Phật giáo luôn tồn tại và sống trong chính cộng đồng. Do đó, bà Nguyễn Phương Hòa đánh giá cao cách tiếp cận của các trưởng làng Muara Jambi, đề xuất bạn tiếp tục liên kết di sản với sinh hoạt và thực hành tín ngưỡng của người dân để du khách có trải nghiệm sâu sắc hơn. Bà cũng nhấn mạnh đoàn sẽ được chứng kiến trực tiếp cách xây dựng mô hình gắn du lịch với tín ngưỡng văn hoá khi đến thăm Mỹ Sơn và Hội An.
Trong buổi làm việc, hai bên còn dành thời gian trao đổi về việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bà Nguyễn Phương Hòa khẳng định trong thời đại số, công nghệ càng nên được tận dụng để phát huy giá trị di sản, thông qua việc kiểm kê, tư liệu hóa di sản, v.v. Bà cũng cho biết Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn có chính sách xuyên suốt và đầu tư thích đáng cho việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc; giữ gìn, khôi phục di sản có giá trị lịch sử; chú trọng an sinh xã hội và phát triển kinh tế cho dân tộc thiểu số; đầu tư phục dựng lễ hội, với việc người dân cùng chung tay tổ chức lễ hội hàng năm để tái hiện những lễ hội truyền thống của địa phương, dân tộc mình. Về mô hình chợ nổi ở khu vực sông Mê Kông mà phía Indonesia muốn học tập, bà Nguyễn Phương Hòa thông tin một trong những lý do quan trọng khiến hình thức này thu hút được nhiều du khách là vì đây là một nét văn hóa, gắn với đời sống sinh hoạt của cộng đồng và những dịch vụ trải nghiệm cho du khách phát sinh từ chính đời sống của người dân. Từ đó, bà gợi ý phía Indonesia và các nhà quản lý hướng tới phát triển mô hình du lịch gắn với đặc điểm văn hóa nổi bật của địa phương, dựa vào cộng đồng và bền vững.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, bà Nguyễn Phương Hòa mong các cán bộ văn hóa và trưởng làng phía Indonesia được truyền cảm hứng từ chuyến thăm và làm việc tại các di sản văn hóa của Việt Nam, học hỏi và tìm ra được cách phát huy chất văn hóa riêng của mình. Bà cũng hy vọng Việt Nam và Indonesia sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong nhiều mặt, hướng tới kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Indonesia vào năm 2025.
Muara Jambi là quần thể di tích đền chùa Phật giáo nằm bên cạnh con sông Batanghari ở huyện Maro Sebo thuộc tỉnh Jambi (Indonesia), có diện tích rộng lớn lên đến 3900 ha, với 8 ngôi làng Phật giáo và nhiều kiến trúc cổ chưa được khai quật. Năm 2022, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thăm, nhấn mạnh ưu tiên bảo tồn, phục dựng và đưa quần thể di tích Phật giáo này vào chương trình ưu tiên quốc gia.