Đình thần Mỹ Phước

21/09/2015 09:34

Theo dõi trên

Tọa lạc tại phường Mỹ Long (TP. Long Xuyên), Đình thần Mỹ Phước được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1995. Tuy trải qua nhiều lần sửa chữa nhưng ngôi đình vẫn giữ được kiến trúc cổ, mái tam cấp mang đậm màu sắc dân gian với nhiều hình ảnh ấn tượng. Đình là nơi thờ vọng Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh – người có công đánh đuổi quân Xiêm, Miên và lãnh đạo di dân khai phá vùng đất Nam Bộ ​nói chung, An Giang nói riêng.



 Đình thần Mỹ Phước

Đình Mỹ Phước rộng 3.800m2, tường gạch bao xung quanh, một cửa chính và ba cửa phụ bằng gạch và xi măng. Cổng chính xây theo kiểu “Tam quan”, trên có ba chữ “Mỹ Phước (Phúc) Đình”, hai bên đặt 2 con lân bằng đất nung tráng men xanh ngọc bích. Từ ngoài, qua cổng “Tam quan” đi vào, miếu Sơn Quân và miếu Hội Đồng nằm ở hai bên. Ngôi đình chính dài 37m, rộng 16,5m (610,5m2), có ba cửa chính được mở thường xuyên để đón khách tham quan và cúng tế. Nóc chính điện được chạm 2 con rồng uốn khúc, đuôi xoắn tượng trưng cho uy quyền nhà Nguyễn, ở giữa là điện Ngọc Hoàng làm bằng đất nung tráng men. Nóc võ ca có gắn 2 con phụng và Bát tiên ở hai bên. Ở giữa là bàn thờ Bát quái của Thái Thượng Lão Ông, mang ý nghĩa giúp dân làng ăn ở hiền lành, trừ tà ma... Ngoài ra, phần mái được lợp ngói âm dương, có ba tầng mười hai mái, được đắp tượng cá hóa rồng, nhật nguyệt, hình người… khảm mảnh gốm sứ, mà hợp thành từng bộ theo các thể loại, mang màu sắc dân gian, tượng trưng cho âm dương hòa hợp.

Nền đình xây cao với các hàng cột tròn bằng căm xe, các bộ mái bát dần liên kết hài hòa theo kiểu “Trùng thiềm điệp ốc”, tạo khoảng không rộng rãi, thoáng mát giữa nối liền đại điện, nhà văn, võ ca. Có thể nói, đình Mỹ Phước là một quần thể gồm nhiều nhà vuông có bốn cột cái, mở rộng ra chung quanh bằng kèo đâm và kèo quyết. Chánh điện hay còn gọi là Nội điện có khánh thờ Đức Thành hoàng được sơn son thiếp vàng, bên trong là chữ Thần và hòm đựng Sắc phong của nhà vua. Khánh thờ phía trên là Lưỡng Long Châu Nguyệt, xung quanh có chạm nhiều hoa văn rất đẹp và tinh vi. Phía trước khánh thờ là Hương án có lư hương bằng đồng niên đại trên 100 năm. Hai bên khánh thờ Đức Thành hoàng là khánh thờ Thần thị và Tiên sư.

Trong đình Mỹ Phước còn thờ Tiền hiền và Hậu hiền, đây là các vị tiền bối từng bỏ công sức, tiền của gầy dựng làng, xã hay đình làng trong những ngày thành lập. Phía trước chánh điện là bàn thờ Hội đồng, được chạm long sơn son thiếp vàng, trên có các đồ thờ, như: Lư hương, chân đèn có niên đại trên 100 năm… Ngoài ra, còn có tàng lộng, cờ được thêu rất đẹp. Đặc biệt, ở đình còn có hai bộ bao lam thành vọng, khánh thờ thần phi, các bức hoành phi liễn đối… được sơn son thiếp vàng, chạm hoa văn tinh tế, công phu. Trong đó, có một bao lam thành vọng trước chánh điện, phía trên là cuốn thư rất tinh xảo, với nghệ thuật điêu khắc gỗ truyền thống. Ấn tượng với những nét chạm lộng, chạm nổi, chạm nông, khắc chìm cộng thêm kỹ thuật sơn son thiếp vàng, làm cho cuốn thư thêm sinh động với nhiều hoa văn đẹp mắt. Hơn nữa, tên của 12 vị hương chức hội tề và chữ Quốc thái dân an trên cuốn thư được chạm nổi rất độc đáo.

Đình Mỹ Phước còn giữ sắc phong của vua Tự Đức (Tự Đức đệ ngũ niên – 1852) thờ Nguyễn Hữu Cảnh - người có công chiêu dân khai phá vùng đất Nam Bộ. Ngôi đình còn là nơi ghi lại dấu ấn việc hình thành chợ Long Xuyên cũng như TP. Long Xuyên từ trước đến nay. Hàng năm, lệ cúng đình tổ chức vào các ngày 10,11,12 tháng 5 âm lịch (Kỳ Yên) thu hút nhiều người dân và khách du lịch đến cúng tế và tham quan. Có 3 lễ chính: Túc Yết, Chánh Tế và Tiền hiền, Hậu hiền, mang ý nghĩa cầu được mùa, mưa thuận gió hòa và tạ ơn Đức Thành hoàng bảo vệ xóm làng. Ngoài ra, lễ Lập miếu được tổ chức vào các ngày 10,11,12 tháng 12 âm lịch.

Theo ÁNH NGUYÊN (Tin Tức Miền Tây)

Bạn đang đọc bài viết "Đình thần Mỹ Phước" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.