Đình Sài Đồng.
Đình Sài Đồng được xây dựng có nhiều nét đẹp độc đáo khác lạ. Trong đó nổi bật là có kiến trúc tòa đình soi bóng giếng rồng. Đình ngoảnh mặt về hướng Nam. Trước cửa có "Long tỉnh" (giếng rồng), mang hình thức tụ thủy, theo thuyết phong thủy của người xưa. Nước giếng dùng để tế thánh và cho nhân dân dùng làm nước ăn. Từ giếng nước lên là một nhà dạng thủy tọa, xây kiểu vòm cuốn. Toàn bộ trước hiên đình soi bóng xuống giếng. Chính kiểu xây dựng này tạo cho đình Sài Đồng có nét kiến trúc độc đáo, khác hẳn với các ngôi đình truyền thống ở các làng quê phía Bắc. Từ mặt nước nhìn lên là ngôi đình thâm nghiêm cổ kính được xây dựng theo kiến trúc chữ "Đinh". Tòa đại đình gồm năm gian xây kiểu tường hồi bít đốc, nội thất 4 hàng chân, mái lợp ngói vẩy, bờ nóc trang trí hình hai nghê chầu, giữa mái đắp nổi hổ phù ngậm chữ thọ. Trong trung cung thờ ngai vị đức thánh Linh Lang Đại vương và các binh khí. Tiếp đến là gian hậu cung thờ Đức thánh mẫu cùng kim đồng ngọc nữ. Hai bên tả vu và hữu vu là tòa nhà dùng để kiệu son, trống chiêng, cờ quạt và là nơi sinh hoạt tập trung của các cụ cao niên trong làng. Giá trị nhất hiện nay trong đình là còn giữ được 12 đạo sắc phong, một bộ bát bửu chạm khắc hình rắn, đó là biểu tượng cho thần Linh Lang là con Long Vương đã hóa rắn, 9 chiếc đài bằng đồng đặt bên trong là 9 chiếc chén bằng bạc. Bên cạnh đó, đình còn giữ được một số hoành phi, câu đối cổ ca ngợi danh nghiệp cùng công đức của thành hoàng làng. Tiêu biểu là bức đại tự "Thánh cung vạn tuế. Thiên Nam tông linh từ" (Đức thánh muôn tuổi. Đền thiêng của trời Nam). Với những nét độc đáo về kiến trúc cùng với hiện vật có giá trị, đình Sài Đồng đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia từ năm 1992.
Ông Ngô Văn Hóa, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy phường Phúc Đồng cho biết: "Nhằm phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của đình Sài Đồng, địa phương đã có nhiều biện pháp gìn giữ tôn tạo ngôi đình làng nhằm bảo tồn những nét kiến trúc độc đáo, tổ chức quản lý chặt chẽ, nghiêm cẩn các đồ thờ tự, coi đó là những hiện vật quý báu của địa phương. Đồng thời khôi phục lại hoạt động lễ hội để dân làng cùng khách thập phương về chiêm bái tế lễ, vui hội". Theo đó, hoạt động lễ hội diễn từ ngày mùng 8 đến 10-2 âm lịch hằng năm nhân ngày hóa của Đức thánh. Trong lễ hội, làng tổ chức tế lễ, rước kiệu, các trò chơi dân gian, hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao. Đình làng Sài Đồng linh thiêng đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, gắn kết họ hàng, làng xóm, hình thành nếp sống văn minh trong khu dân cư.