Đình làng Kim Ngân phố Hàng Bạc. (Ảnh:hanoimoi.vn)
Theo thống kê, trong khu phố cổ ở Hà Nội hiện nay vẫn còn hơn 60 đình làng trong tổng số 112 công trình tôn giáo tín ngưỡng từng có ở đây. Không quá khi nói rằng, đình làng là hồn cốt của người Việt. Hình ảnh cây đa, bến nước, mái đình đã trở thành hình tượng không thể thiếu khi nói đến Việt Nam. Hình ảnh đó đã đi vào tâm khảm của mỗi người dân đất Việt.
Ngôi đình Việt có từ thời Trần và nở rộ vào thời Lê Trung Hưng. Trong suốt hơn 700 phát triển, tồn tại, đình làng là nơi quần tụ của dân làng giống như một nơi hội họp bàn về “việc làng”. Đình làng còn là nơi thờ Thành Hoàng - một vị thần có công với làng, với nước. Ngôi đình cũng là nơi gắn với lễ hội, rước thần và tế thần, cũng là nơi vui chơi sau những ngày vất vả của người dân. Đình làng chính là sân khấu tự nhiên nhất của chiếu chèo, của những trò diễn xướng dân gian. Vì nhiều lý do như vậy, đình làng đã bước vào tâm thức của người Việt một cách rất tự nhiên.
Hà Nội khi là kinh đô của nước Đại Việt được bao quanh bởi các làng. Rồi từ làng mọc lên phố, những thị dân thành phố vốn có gốc từ làng vì thế mà khi lên phố lập nghiệp họ đã mang theo những nghề sinh nhai, nghề truyền thống của làng, tâm thức về cội nguồn chính là mái đình làng - nơi hội tụ ký ức, cũng là nơi quần tụ người cùng làng. Đình làng trong phố đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
Về mặt chức năng, các ngôi đình trong phố vẫn thờ Thành Hoàng và tổ nghề nhưng có thể nhận thấy về mặt quy hoạch kiến trúc, quy mô và cấu trúc không gian, đình trong phố có những điểm khác với những ngôi đình truyền thống ở các vùng quê Bắc Bộ.
Hầu hết các đình trong phố sẽ không có hồ nước, sân đình cũng khiêm tốn hơn nhiều so với đình làng ở các làng quê. Điều này dễ hiểu bởi trong phố khó có những khu vực đất rộng và có hồ. Tuy nhiên, đình làng trong phố thường được xây dựng quay mặt về phía sông, hồ hay nguồn nước trong khu vực.
Bởi diện tích và quy mô bị thu hẹp do đó kiến trúc nghệ thuật của đình làng trong phố cũng giảm sự đặc sắc so với những ngôi đình ở miền quê. Mặc dù vậy, nét tinh tế, sự khéo léo trong kiến trúc đình trên phố vẫn có nét hấp dẫn riêng. Nghệ thuật chạm khắc dân gian vẫn còn lưu dấu vết đậm nét trên các cửa võng, cuốn thư, hương án, kết cấu mái gỗ, khung cửa của đình.
Đình làng Yên Thái. (Ảnh: vanhien.vn)
Đã nhiều thế kỷ trôi qua kể từ thời người dân làng lên phố lập nghiệp tạo thành từng khu phố riêng với những ngôi đình thờ Thành Hoàng và tổ nghề khác nhau. Cũng đã có nhiều biến cố lịch sử nhưng may thay, qua cơn bể dâu, đến nay Hà Nội vẫn còn giữ được nhiều ngôi đình cổ. Trong số đó có những ngôi đình thờ tổ nghề nổi tiếng như: Đình Hàng Quạt (thờ tổ nghề quạt), đình Lò Rèn (thờ tổ nghề rèn), đình Kim Ngân (thờ tổ nghề vàng bạc), đình Hoa Lộc Thị (thờ tổ nghề nhuộm vải), đình Hà Vĩ (thờ tổ nghề sơn)...
Các ngôi đình thờ tổ nghề đó đã trở thành ngôi nhà chung, nơi kết nối, hội tụ những người cùng họ tộc, quê quán, góp phần tăng thêm tính gắn kết của các mối quan hệ cộng đồng.
Trong xã hội phát triển hiện nay, đình làng thực sự là một di sản vô cùng quý giá. Chúng không chỉ góp phần giữ hình ảnh cổ kính của Hà Nội mà còn là những minh chứng sống động của lịch sử, của nguồn cội mỗi người dân thủ đô.
(Theo Cinet.vn)