Đình Chánh Tân Kim: Mái đình cổ dưới những tán cây

23/08/2021 17:29

Theo dõi trên

Đình Chánh Tân Kim (khu phố Tân Xuân, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1997. Đình Chánh Tân Kim gắn liền và là chứng nhân cho cuộc hành trình khai hoang mở đất, lập làng.

3-1629714452.jpg
Đường vào đình Chánh Tân Kim rợp mát bóng cây

Trải qua nhiều năm tháng, đình còn là biểu trưng của lòng yêu nước của nhân dân khi trở thành nơi hội họp, che giấu cách mạng. Hơn 150 năm (tính từ năm 1860), đình Chánh Tân Kim vẫn là thiết chế văn hóa làng xã không thể thay thế được. Các phong tục cúng, viếng vẫn được người dân giữ gìn đến tận ngày nay để cầu mong sức khỏe, ấm no, hạnh phúc cho làng xã.

Đường dẫn vào đình Chánh Tân Kim rợp mát bóng cây. Cũng như bao ngôi đình làng Nam bộ khác, đình Chánh Tân Kim được dựng nên là biểu trưng cho làng xã, đáp ứng như cầu tinh thần của người dân. Theo hồ sơ di tích đình và lời kể của Ban Quản trị đình, bậc tiền hiền có công lập làng, dựng ấp ở vùng Rạch Cát xưa là ông Mai Văn Giã - một lưu dân từ miền Trung rời bỏ quê hương mưu cầu cuộc sống tốt đẹp hơn. Qua bao đổi thay, ngôi đình nhiều lần dời vị trí, từ mái tranh, vách lá được chính thức xây dựng khang trang lại vào năm 1860 ở vị trí như hiện nay.

Hơn 150 năm, ngôi đình Chánh Tân Kim trải qua bao thăng trầm lịch sử và là minh chứng cho lòng yêu nước của người dân Tân Kim xưa nói riêng và vùng Cần Giuộc, Long An nói chung. Mái đình đó là nơi chở che, nuôi giấu bao cán bộ cách mạng ta. Người dân làng Tân Kim xưa có không ít tấm gương có lòng hướng về cách mạng, dù hy sinh bản thân cũng quyết tâm che giấu, bảo vệ cho cán bộ, chiến sĩ ta. Trong Hồ sơ di tích đình Chánh Tân Kim, nhiều cái tên được nhắc đến như một sự ghi ân những người dân đã hết lòng vì cách mạng: Nguyễn Văn Ba, Mai Văn Nhân, Nguyễn Văn Điền, Nguyễn Văn Thành,… Câu chuyện ông Nguyễn Văn Ba dù nghèo túng vẫn hết lòng nuôi giấu cán bộ đến nay vẫn còn được nhắc đến. Ông từng bị địch bắt và đánh đập dã man nhưng vẫn không hé răng nửa lời. Sau này, có thời gian, ông là từ (người coi đình) của đình Chánh Tân Kim.

dinh-chanh-tan-kim-can-giuoc-2-1629714436.jpg
Trong sân đình ngày nay có tấm bia Tổ quốc ghi công để nhắc nhở thế hệ sau về những hy sinh của cha ông

Mái đình từng là nơi lui tới, đi về ẩn nấp của cán bộ, chiến sĩ ta và điểm liên lạc với Rừng Sác, Vườn Thơm,… Năm 1947, đình là điểm chốt phục kích bắn xe quân sự, chặn chốt các xe khả nghi chở lương thực, thực phẩm lên Sài Gòn (nay là TP.HCM). Nhiều cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã được “mái đình che chở, lòng dân bảo bọc, nuôi dưỡng”.

Hồ sơ di tích có đoạn ghi: “Trải qua bao thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, ngôi đình là nơi chở che cán bộ hoạt động bí mật, điểm tập trung hội họp, truyền đạt giao, nhận mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên và đầu mối giao lưu liên lạc từ đây tỏa đi các nơi: Rừng Sác, Rừng Thơm, Sài Gòn”.

Thành viên Ban Quản trị đình Chánh Tân Kim - Nguyễn Văn Lược kể: “Trước đây, đình là nơi nuôi giấu cách mạng. Người dân đào hầm quanh đình cho cán bộ, chiến sĩ ta về ẩn nấp. Nhưng về sau, do đình hư hỏng, sửa chữa nhiều lần nên các di tích trên không còn nữa”.

Chỉ có tấm lòng yêu nước của người dân Tân Kim, Cần Giuộc thì không bao giờ thay đổi. Trong sân đình ngày nay có tấm bia Tổ quốc ghi công để nhắc nhở thế hệ sau về những hy sinh của cha ông. Theo ông Lược, đình được tu sửa nhiều lần với nhiều hạng mục khác nhau. Kinh phí đều do người dân đóng góp. Và hàng cây rợp bóng dẫn vào đình, trên sân đình cũng là do người dân cùng Ban Quản trị đình chung tay trồng, chăm sóc.

Đình Chánh Tân Kim mang dáng dấp cổ kính nép mình dưới bóng cây râm mát tạo nên không khí bình yên. Khuôn viên đình còn được tận dụng làm nơi sinh hoạt văn hóa của khu phố dễ khiến người ta hồi tưởng đến những ngày xưa. Ông Lược cho biết, hàng năm vào lễ cầu an tháng Giêng, người dân địa phương và các nơi khác đến cúng viếng lên đến hàng ngàn người. Khi dịch Covid-19 bùng phát, Ban Hội hương chỉ tổ chức nội bộ nhưng vẫn giữ được nếp truyền thống trước nay của đình. Cứ 3 năm 1 lần, Ban Hội hương bầu mới ông Hương Cả lo việc cúng tế tại đình, điều đó giúp đình Chánh Tân Kim không bao giờ phải lo lắng về việc thiếu người kế thừa.

Mái đình vẫn bình yên ở đó, vững vàng cùng năm tháng như lòng dân vững lòng yêu nước, chung tay xây dựng quê hương./.

Theo Báo Cần Thơ
Bạn đang đọc bài viết "Đình Chánh Tân Kim: Mái đình cổ dưới những tán cây" tại chuyên mục Từ trong di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.