Bức hoành phi chữ Hán Nôm được treo ở gian thờ chính. Sách Di sản Hán Nôm làng Ngọc Than (Nhà xuất bản Lao động, năm 2014, trang 135) đã in chữ Hán nôm, phiên âm, dịch nghĩa. Xin giới thiệu phần phiên âm, dịch nghĩa (có tham khảo bản in trong sách Di sản Hán Nôm làng Ngọc Than):
Phiên âm:
Tự Đức Bính Dần xuân khâm phụng ngự phê(chữ bên phải hoành phi)
Thế gia Nho nghiệp (chữ khổ lớn)
Thần (chữ bên trái hoành phi) Đinh Mùi khoa Giải nguyên, Hồng lô tự khanh, Cáo thụ Trung thuận đại phu, Biện lý Hộ Bộ sự vụ Khâm phụng Như Đông sung bình chuẩn Chánh sứ, Đặng Huy Trứ phụng lập.
Cáo thụ phụng nghị đại phu Hà Nội Đốc học Kỷ Dậu khoa ân khoa Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân, Nhân Mục, Lê Đình Diên bái đề. Ngoại tôn bản phủ, Lạp Tuyết xã, nguyên giáo học Kiều Quang Thuyết bái tập.
Dịch nghĩa:
Mùa xuân năm Bính Dần, niên hiệu Tự Đức (1866) vua ban tặng chữ:
Theo nghiệp Nho, làm nên dòng tộc hiển quý
Thần khoa Đinh Mùi (1487, kỳ thi Hương ân khoa), đỗ giải nguyên (đỗ đầu). Chức Hồng lô tự khanh, Cáo thụ Trung thuận đại phu (hàm tứ phẩm, hạng 4/9 bậc quan chế nhà Nguyễn), Biện lý Bộ Hộ sự vụ Khâm phụng Như Đông, Sung Chính sứ Đặng Huy Trứ tuân mệnh vua tổ chức viết chữ.
Cáo thụ phụng nghị đại phu (hàm chánh ngũ phẩm, hạng 5/9 bậc quan chế), Đốc học tỉnh Hà Nội, Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân khoa Kỷ Dậu (1849) Lê Đình Diên kính cẩn viết chữ lên hoành phi.
Cháu ngoại, nguyên Giáo học Kiều Quang Thuyết, xã Lạp Tuyết (nay là xã Liệp Tuyết), phủ Quốc Oai, kính cẩn biên tập.
Khảo sát văn bản học bức hoành phi, chúng tôi thấy một số chữ phiên âm ở sách Di sản Hán Nôm làng Ngọc Than (sách Di sản Hán Nôm) chưa đúng (chữ biện, chữ chuẩn, chữ lập, chữ đề). Lời dịch “Thế gia Nho nghiệp” trong sách Di sản Hán Nôm, cần được bàn luận. Tính trung thực của người phụng mệnh vua tổ chức tạo dựng, người viết chữ lên bức hoành phi cần được nói rõ hơn.
Dịch: Thế gia Nho nghiệp là: Nối đời theo nghiệp nhà Nho. Tuy đảm bảo lời dịch đúng nghĩa ghi trong tự điển, nhưng có lẽ chưa được tường tận dòng họ Đặng gốc Trần mà Ts Đặng Trần Chuyên là hậu duệ. Theo tộc phả dòng họ Đặng gốc trần, thủy tổ là hậu duệ cụ Trần Hưng Đạo (Hưng Đạo Đại Vương- Trần Quốc Tuấn). Những đời sau cụ thủy tổ, nhiều người đỗ đại khoa, làm quan trong triều, ngoài trấn, có nhiều công lao với dân với nước, được sử sách ghi chép.
Những chữ: “Lê Đình Diên bái đề 黎 廷 延 拜 題”, nhầm chữ “đề 題” thành chữ “hiển 顯. Chữ đề 題 (viết chữ lên trên khiến người trông thấy là biết ngay gọi là đề- Từ điển Hán Việt Thiều Chửu). Chữ hiển 顯 (rõ rệt; vẻ vang; danh xưng cha, mẹ trong gia phả- Từ điển Hán Việt Thiều Chửu). Hai mặt chữ khác nhau, nghĩa cũng khác nhau.
Từ xác định nhầm chữ nên lời dịch trong sách Di sản Hán Nôm chưa dịch các chữ “hiển ngoại tôn”. Sách Di sản Hán Nôm phiên âm “Đặng Huy Trứ phụng tả”. Hình chữ trên hoành phi là chữ “Đặng Huy Trứ phụng lập 鄧 輝 奉 立 - Đặng Huy Trứ vâng lệnh vua tạo dựng hoành phi (viết chữ )”, phiên âm là “tả”, dịch nghĩa là “viết”, cần được sửa lại.
Chức vụ, học hàm của Đặng Huy Trứ khi tạo dựng bức hoành phi (có lẽ là ngay năm vua Tự Đức ban tặng chữ), năm 1866 . Tức là sau 19 năm, sự cố Đặng Huy Trứ dự thi đình năm 1847. Trong bài thi, ông viết chữ “dữu hại gia miêu” (柚 害 嘉 苗); Gia Miêu chính là làng nơi phát tích của hoàng tộc Nguyễn Phước. Ông bị xử hủy kết quả vì phạm chữ húy. Sách Những ông nghè ông Cống triều Nguyễn ghi ông đỗ tiến sỹ năm 1847 (mục 0421, trang 153). Học vị của Đặng Huy Trứ ghi trong hoành phi: đỗ cử nhân ân khoa năm Đinh Mùi (1847); chức vụ: Hồng lô tự khanh, Cáo thụ Trung thuận đại phu, Hộ lý Bộ Hộ sự vụ Khâm phái Như Đông, Phụ Chính sứ. Từ ghi chép trong hoành phi “thế gia Nho nghiệp” ta nhận được thông tin trung thực của ông viết về học vị, chức quan của chính mình. Đây là văn bản có niên đại tuyệt đối. Nó là trọng tài cho những đối chiếu dữ liệu lịch sử. Hoành phi có tuổi 153 năm, tính đến năm 2019. Nó là cổ vật theo Luật Di sản văn hóa.
Theo sách Các nhà khoa bảng họ Đặng Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, năm 2010: Đặng Trần Chuyên 鄧 陳 顓 tự là Ngọc Khuê, hiệu là Mộng Trai, sinh năm Đinh Sửu (1817) đời vua Gia Long. Trong miếu Văn Thánh Huế còn tấm bia: Hoàng triều Tự Đức nguyên niên Mậu Thân hội thi Tiến sĩ đề danh bi. Bia ghi các vị thi đỗ khoa Mậu Thân năm Tự Đức 1 (1848). Hai vị đỗ Đệ nhị giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Nguyễn Khắc Cân người xã Trung Hà, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây. Bùi Thức Giám người xã An Đông, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh… Sáu vị đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân là Nguyễn Đăng Hành, Nguyễn Hinh, Đặng Trần Chuyên (đỗ thứ 3), Đỗ Thúc Tĩnh, Lê Hữu Đệ và Vũ Xuân Xán.
Từ nhỏ Đặng Trần Chuyên học giỏi nổi tiếng trong vùng, có biệt tài ứng đối, xuất khẩu thành chương. Ông sinh ra trong cảnh gia đình nghèo khó, nên ít nhiều có ảnh hưởng tới sự học tập, vì phải lo kế sinh nhai. Mãi đến năm 30 tuổi (1846) ông mới đi thi lần đầu và đỗ Tú tài. Năm sau thi đỗ Cử nhân, được dự thi hội. Năm Mậu Thân (1848) ông thi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Mến tài năng văn chương uyên bác của ông, Thái Hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) gả em gái nuôi làm vợ thứ Đặng Trần Chuyên. Ông Chuyên làm Tri phủ Kiến Thụy rồi chuyển về kinh làm Việt sử cục toản tu, sau làm Hình Bộ Lang trung, Án sát Bắc Ninh. Năm 1863 thăng hàm Quang lộc tự khanh, xung chức Biện lý Hình Bộ sự vụ rồi Bố chánh Quảng Bình. Sau được bổ chức Tán lý quân thứ Hải An, hàm Lại Bộ Hữu tham tri. Năm 1866 đổi bổ Tuần phủ Nam Định, hộ lý Định An tổng đốc quan phòng, ông lâm bệnh và mất ngày 22 tháng 11 năm Kỷ Sửu (1869) tại lỵ sở, truy tặng chức Tổng đốc. Con cháu đưa thi hài về an táng tại quê hương. Triều đình tặng tấm Kim thánh: “Liêm Bình Cần Cán”.
Trong nhà ông viết 4 chữ “Thế gia nho nghiệp 世 家 儒 業 ” và làm thành bức hoành phi lớn treo tại gian giữa, để nhắc nhở con cháu cố gắng nối chí cha ông tổ nghiệp. Khi ông làm Tổng đốc Định An (Nam Định, Hưng Yên) dân chúng yêu mến và quý trọng, còn nhiều giai thoại về ông ở vùng này. Ông có tài an dân giúp nước, liêm khiết, vua ban bổng lộc, tiền bạc, ông mang về cung tiến cho làng dùng vào việc xây dựng cầu cống, đắp đê, khuyến nông, vì thế được dân làng hết sức yêu mến kính trọng và biết ơn. Quan tài ông được quàn quan tại đình làng ba tháng, rước 3 tháng. Đây là vinh dự hiếm có cho người qua đời. Đình làng Nhân Mục, tổng Mễ Đình, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Từ Liêm, Hà Nội) còn một tấm bia do Đặng Trần Chuyên nhuận sắc. Bia nêu cao đạo đức của thầy đồ Lê Hoàng Nhẫn Trai người làng Nhân Mục có nhiều công lao đào tạo hàng nghìn học trò nên người tài đức, tiếng thơm của ông vang xa trong triều ngoài nội. Một nghĩa cử cao đẹp, tô thêm truyền thống tôn sư trọng đạo.
Đặng Trần Chuyên có hai con trai theo gương cha học hành đỗ cử nhân, một người làm Tri huyện, một người làm Chánh quân đạo, khi giặc Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ nhất vào năm Quý Hợi (1873) hai ông treo ấn từ quan về nhà dạy học.
Đặng Văn Lộc