Điện Bàn (Quảng Nam): Một di tích cần được bảo tồn

21/06/2019 09:40

Theo dõi trên

Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu được thành lập năm 1958. Trải qua 60 năm, trường trở thành trung tâm văn hóa – giáo dục của vùng đất Điện Bàn văn hiến, hiếu học và anh hùng.

Từ năm 2016, tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương di dời và xây mới nhà trường sang địa điểm khác theo hướng quy mô, hiện đại hơn. Tuy nhiên, đây không chỉ là một ngôi trường mà còn là một di tích lịch sử – văn hóa cần được gìn giữ…
 


Hội thảo “Trường Trung học phổ thông Nguyễn Duy Hiệu - Truyền thống và Hiện đại”.

1. Việc di dời và đầu tư xây dựng mới nhà trường  
 
Có thể khẳng định, chủ trương di dời, xây mới nhà trường được thực hiện theo trình tự và các thủ tục đầu tư. Xin phép được lược trích các văn bản sau đây để thấy rõ vấn đề này:

- Thông báo số 130-TB/TU ngày 19/10/2016 về “Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy Điện Bàn”, mục 8- nêu rõ: “Về đầu tư mới trường THPT Nguyễn Duy Hiệu: Thống nhất chủ trương di dời và đầu tư mới trường THPT Nguyễn Duy Hiệu; đề nghị UBND tỉnh phê duyệt danh mục đầu tư và bố trí vốn để xây dựng công trình trong năm 2017. Tuy nhiên, thị xã Điện Bàn cần làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường để thống nhất chủ trương xây dựng lại trường THPT Nguyễn Duy Hiệu ở địa điểm mới, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện dự án”.

- Hai năm sau, Thông báo số 381-TB/TU ngày 18/9/2018 về “Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với lãnh đạo thị xã Điện Bàn”, mục 3.3-, Tỉnh ủy giao nhiệm vụ: “Thống nhất đầu tư mới trường THPT Nguyễn Duy Hiệu: Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và thị xã Điện Bàn triển khai thực hiện theo Kết luận của của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 130-TB/TU, ngày 19/10/2016.”

- Gần 8 tháng sau, Công văn số 2647/UBND-KGVX ngày 14/5/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy “V/v Đầu tư xây dựng Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu”, để báo cáo chi tiết hơn về việc thực hiện chủ trương nói trên. Công văn này đã nêu lí do đầu tư xây dựng mới nhà trường, việc chỉ đạo triển khai của UBND tỉnh, cụ thể: “Qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, cơ sở vật chất của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Duy Hiệu đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh, thiếu nhiều phòng học, phòng đa năng, quy mô diện tích nhỏ, ảnh hưởng đến sự phát triển của Trường trong tương lai, Bên cạnh đó, vị trí của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Duy Hiệu nằm ở ngay nút giao thông và các phương tiện qua lại đông đúc rất dễ dẫn đến tai nạn cho các em học sinh và vị trí này khó có khả năng mở rộng diện tích vì kinh phí bồi thường rất lớn.”; “Xuất phát từ yêu cầu phát triển của Trường, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thị xã Điện Bàn, các ngành liên quan nghiên cứ, khảo sát, đề xuất Dự án đầu tư xây dựng Trường tại địa điểm mới theo hướng hoàn chỉnh, khang trang, hiện đại, xứng tầm và đảm bảo công năng, tiện ích sử dụng, theo chủ trương của  đạt yêu cầu trường đạt chuẩn quốc gia, phục vụ tốt nhất cho việc học tập, sinh hoạt, hoạt động thể chất của học sinh theo chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 130-TB/TU, ngày 19/10/2016.”; “Thực hiện chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức Đoàn khảo sát thực tế tại địa điểm xây dựng công trình. Từ thực tế khảo sát, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân thị xã Điện Bàn và Trường Trung học phổ thông Nguyễn Duy Hiệu đã thống nhất đề xuất quy mô 44 lớp học, tổng mức đầu tư 123,717 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 116,496 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phòng mặt bằng, tái định cư khoảng 25 tỷ đồng, tăng 56,496 tỷ đồng so với nguồn vốn bố trí theo Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh (Công văn số 573/SKHĐT-LĐVX ngày 25/4/2019 của Sở Kế hoạch và Đầu tư).”
 

Văn bản của Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Quảng Nam về việc Đầu tư xây dựng mới trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, thị xã Điện Bàn.

- Và mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 755/-LĐVX ngày 31/5/2019 gửi UBND tỉnh Quảng Nam “V/v đầu tư xây dựng mới Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, thị xã Điện Bàn” để báo cáo về quá trình phối hợp, khảo sát, đề xuất quy mô, kinh phí xây dựng trường; cụ thể hơn: “Qua quá trình thực tế khảo sát địa điểm và xác định quy mô công trình do UBND tỉnh tổ chức ngày 14/3/2019 và cuộc họp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, BQL dự án đầu tư xây dựng công trình, UBND thị xã Điện Bàn và Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu ngày 11/4/2019, các bên thống nhất đề xuất quy mô xây dựng mới trường với 44 lớp học với tổng mức đầu tư dự kiến 123,717 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh là: 116,496 tỷ đồng và ngân sách huyện là: 7,221 tỷ đồng. Trong đó, phần ngân sách tỉnh tăng thêm là 56,496 tỷ đồng so với nguồn vốn ngân sách tỉnh theo Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 để thực hiện các hạng mục: Bồi thường giải phòng mặt bằng (16,85 tỷ đồng); bổ sung thêm khối 08 phòng của khối lớp học; bổ sung đoạn đường giao thông tiếp cận cổng chính, nhà đa năng, sân thể thao, diện tích chiếu sáng ngoài nhà, hệ thống thoát nước và san nền (39,496 tỷ đồng)”.
 
 
Tượng đài Nguyễn Duy Hiệu tại khuôn viên trường - Nhà điêu khắc Đỗ Toàn

Qua các văn bản nêu trên, có thể nhận thấy rằng, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam có chủ trương đầu tư trường lớp cho thị xã Điện Bàn là thể hiện trách nhiệm của Đảng và chính quyền đối với sự nghiệp giáo dục; việc chi ngân sách hàng trăm tỷ cho một ngôi trường thị xã là một nỗ lực được người dân ghi nhận. Qua các thông báo kết luận, công văn, công tác lãnh đạo, chí đạo, phối hợp giữa tỉnh với thị xã, giữa Thường trực tỉnh úy với HĐND, UBND tỉnh, giữa các sở – ban – ngành, giữa lãnh đạo thị xã với Sở Giáo dục và Đào tạo và nhà trường là đầy đủ các bước, theo đúng trình tự. Đặc biệt, trong các văn bản, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu cơ sở cần làm việc, trao đổi để thống nhất, đồng thuận với chủ trương: “Tuy nhiên, thị xã Điện Bàn cần làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường để thống nhất chủ trương xây dựng lại trường THPT Nguyễn Duy Hiệu ở địa điểm mới, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện dự án” (Thông báo số 130-TB/TU ngày 19/10/2016 về “Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy Điện Bàn”).

Nếu Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu là một trường bình thường khác, với chỉ những lí do mà các cấp đưa ra làm cơ sở cho việc di dời, thì chủ trương này thật sự sẽ “tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện dự án”.
 
Chỗ đáng bàn không phải là xây mới khang trang, hiện đại hơn (việc này luôn rất cần và luôn được trông đợi!); vấn đề cần được xem xét lại là việc thay đổi vị trí, việc chuyển dời không gian và cảnh quan vốn đã mang ý nghĩa lịch sử – văn hóa cần được bảo tồn. Rất có thể, ngay từ đầu khi có chủ trương, các cơ quan tham mưu chưa nghĩ đến ý nghĩa đó, chưa nghĩ đến thiệt hơn khi dời trường. Nhưng càng về sau, khi vấn đề được soi xét, phân tích, cân nhắc bởi các nhà khoa học – nghiên cứu lịch sử, các cán bộ quản lí văn hóa – giáo dục, và tất cả những người quan tâm sâu sắc đến ngôi trường thì việc di dời ngôi trường này cần phải được khuyến nghị xem xét lại chủ trương.
 
2. Kiến nghị, đề xuất thay đổi một quyết định
 
2.1. Để công tâm, cần phân tích và trao đổi về các lí do mà tỉnh Quảng Nam, thị xã Điện Bàn và các cơ quan tham mưu đưa ra nhằm chuyển trường đến địa điểm mới. Lập luận cho việc dời trường, các văn bản đã nêu trên chỉ ra rằng: Trường đã xuống cấp, ở vùng đất thấp lụt, diện tích không đủ lớn, lại ở nút giao thông v.v…
 
Chúng tôi xin trao đổi lại vấn đề này. Nói về diện tích, với khoảng hơn 7.000 m2 (chưa tính có thể mở rộng thêm) là vẫn đủ để cho một trường THPT loại I khoảng trên dưới 25 lớp với các phòng chức năng, nhà đa năng và sân chơi bãi tập (Năm 2015, trường đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận Trường đạt chuẩn quốc gia). Nếu giữ nguyên Trường THPT Nguyên Duy Hiệu và xây thêm một trường mới thì sẽ đảm bảo quy mô phát triển học sinh và lợi ích nhiều mặt hơn là dời trường. Trên diện tích này, ngoài khu nhà học cần bảo tồn, có thể xây mới các khối nhà học (2,3 tầng) để đảm bảo công năng. Từ nay đến 2030 – 2045, theo phát triển dân số của thị xã Điện Bàn, còn phải đầu tư thêm trường lớp, nhất là ở trung tâm thị xã và các vùng lân cận. Hơn nữa, xu thế giáo dục hiện đại, trường lớn với nhiều phòng, nhiều lớp, nhiều học sinh không còn phù hợp nữa; việc tổ chức hoạt động ngoại khóa, ngoài trời đâu còn bó hẹp trong khuôn viên. Còn nút giao thông thì các phường Điện An – Vĩnh Điện – xã Điện Minh đã có đường tránh, hệ thống khu đô thị mới Phương An có nhiều tuyến đường mới để phân luồng, không giống như đầu cầu Vĩnh Điện cách đây mười mấy năm v.v…
 
Mọi công trình xây dựng, theo thời gian, đều xuống cấp. Một di tích (thường xây dựng đã lâu) càng không tránh khỏi quy luật đó. Nếu xuống cấp thì có cách bảo tồn hiện trạng thông qua gia cố, thay thế chi tiết tương tự chứ không phải lúc nào cũng phá bỏ đi, xây mới ở một nơi khác. Lấy ví dụ, nếu khoảng 60 năm sau khi xây dựng, xét thấy Chùa Cầu, phố cổ Hội An vừa nhỏ hẹp vừa ngập sâu trong lũ lụt nên đập bỏ và dời đi chỗ khác, thì liệu hôm nay chúng ta có còn một Hội An di sản văn hóa thế giới?! Có thể xây vài ba Chùa Bái Đính hoặc các ngôi chùa đạt kỉ lục thế giới về mặt này mặt kia nhưng lấy gì thay cho chùa Bút Tháp, chùa Tây Phương?! Nếu bóc hết các viên gạch vỡ thời nhà Đinh ở cố đô Hoa Lư thay bằng đá granite thì sự thể sẽ như thế nào?!… Trường Tiểu học An Phước, Phù Đổng ở Đà Nẵng đã xây dựng hơn 100 năm còn nhỏ hẹp hơn nhiều, xuống cấp hơn nhiều, cũng ngay nút giao thông, cũng đôi lần muốn dời đổi nhưng vẫn được nỗ lực giữ gìn và thấy rõ giá trị trong hôm nay…
 
Cơ sở thực tiễn để dời trường sang nơi mới có lí lẽ nhất định; nhưng nếu có những lí do khác thuyết phục mạnh mẽ hơn, thì tại sao không cùng xem xét lại và thay đổi một quyết định có lợi hơn, phù hợp hơn, nhất là trong tầm nhìn mấy chục, mấy trăm năm sau?

2.2. Đến đây, xin được trao đổi về giá trị văn hóa – lịch sử của ngôi trường; từ đó, việc gìn giữ trường sẽ là điều đáng làm, là trách nhiệm lịch sử hay chỉ là tâm tư nguyện vọng của những người tiếc nhớ một thời áo trắng.
 
Trong thời gian rất ngắn vừa qua, nhất là qua Hội thảo khoa học “Trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu – Truyền thống và hiện đại” và qua các cơ quan báo chí, truyền thông, có nhiều bài viết, ý kiến rất đáng tin cậy về nội dung này (Các báo cáo khoa học: Nghĩ về Nguyễn Duy Hiệu và Trường Nguyễn Duy Hiệu – Bùi Văn Tiếng, Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT, Chủ tịch Hội Lịch sử TP. Đà Nẵng; Trường Nguyễn Duy Hiệu và Vĩnh Điện xưa – TS. Huỳnh Văn Hoa, Nguyên Thành ủy viên, nguyên Giám đốc Sở GDĐT TP. Đà Nẵng; Vài nét về truyền thống dạy học của Trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu – Đại tá, nhà báo quân đội Lê Anh Dũng; Trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu – Từ góc nhìn không gian lịch sử đến không gian phát triển đô thị Điện Bàn – Nguyễn Thị Tuyết Lê và Bùi Duy Nghĩa; Về di tích Trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu – Phùng Tấn Đông; Hồn của ngôi trường – Nguyễn Trí Viễn, Nguyên Hiệu trưởng nhà trường; Kiến trúc Trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu – 60 năm nhìn lại – Nhà giáo Nguyễn Đức Quảng. Các bài báo: Cần ứng xử với trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu như một điểm đến văn hoá – Vĩnh Lộc, Báo Quảng Nam; Nên giữ lại ngôi trường 60 mươi năm tuổi – Nhà báo Trương Điện Thắng, Báo Thanh Niên; Giữ lại Trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu – Bây giờ hoặc không bao giờ – Nguyễn Minh Hùng, Nguyên CHS, CGV, Nguyên P. Giám đốc Sở GDĐT thành phố Đà Nẵng; Quảng Nam: Chủ trương di dời Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu gây bức xúc do đâu? – Nhà báo Thúy Hồng, https://newsthoidai.vn; Nuối tiếc ngôi trường 60 năm tuổi Nguyễn Duy Hiệu – Thái Bá Dũng, Tuổi Trẻ online; “Chốt” số phận Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu – Hà Dung, Báo Công an thành phố Đà Nẵng; Thị xã Điện Bàn: Sẽ di dời Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu – Hoàng Anh, cadn.com.vn, tintuc.vn v.v..). Rất nhiều cựu giáo viên, cựu học sinh và người dân Điện Bàn, Quảng Nam, Đà Nẵng đều bày tỏ ý kiến một cách thống nhất, đồng thuận về việc cần giữ lại ngôi trường trên chính mảnh đất đã khai sinh ra nó.
 
Từ các ý kiến khoa học trên, tựu trung có thể khẳng định giá trị lịch sử – văn hóa của Trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu được biểu hiện qua 5 nội dung sau:
 
Một là, chính nơi đây, Viện cơ mật của Nam triều đã kết án tử hình Nguyễn Duy Hiệu vào ngày rằm tháng Tám năm Bính Tuất (15 tháng 10 năm 1887) tại Huế rồi bêu đầu người anh hùng đất Quảng tại mảnh đất này. Rất hiếm có ngôi trường nào được mọc lên từ giọt máu nhỏ xuống của người mà nhà trường được vinh dự mang tên!
 
Hai là, Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu là trường do dân Điện Bàn tự nguyện đóng góp trong hoàn cảnh khó khăn, nghèo ngặt dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Sự tự nguyện chung tay đó chính là biểu tượng của lòng hiếu học Điện Bàn, của đất “Ngũ phụng tề phi”, “Địa linh nhân kiệt”.
 
Ba là, kiến trúc độc đáo của trường cùng vị trí cửa ngõ đắc địa (sông – cầu – quốc lộ…) tạo nên một không gian thẩm mỹ, từng là nguồn cảm hứng của bao văn nghệ sĩ, là ký ức không thể phai mờ trong lòng dân bản xứ, khách phương xa hơn 60 mươi năm qua… Tạo dựng được một không gian như vậy là không dễ; làm mất đi là đáng tiếc, là không thể khôi phục lại nữa.
 
Bốn là, ngôi trường có vai trò hàng đầu trong việc nâng cao dân trí Điện Bàn, giúp họ đóng góp sức lực trên mọi mặt đời sống, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ nền tảng đó, xuất hiện những nhà khoa học, giáo sư, nhà giáo, lãnh đạo, quản lý, văn nghệ sĩ, nhà báo, bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân, anh hùng liệt sĩ… tên tuổi trong và ngoài nước qua các thời kỳ. Tinh thần “Chi bằng học”, “Khai dân trí…” ấy đã góp phần xây dựng nhân cách người Điện Bàn: Sống chân thật, tình nghĩa, dũng cảm, khí khái, mạnh dạn đổi mới… Điều đó góp phần vào cội nguồn phát triển Điện Bàn hôm nay nói riêng và quê hương Đất Quảng nói chung.
 
Năm là, từ khi có thông tin dời trường, báo chí, dư luận, người dân (đã hoặc chưa từng học trường Nguyễn Duy Hiệu), cựu giáo viên, cựu học sinh, thầy và trò hiện nay… đều không đồng tình; trong đó, có nhiều ý kiến phân tích thấu tình đạt lí và cũng không ít phản ứng bức xúc; nhất là khi Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn bỗng dưng có văn bản không dời trường (Thông báo 661/UBND ngày 22/4/2019), để rồi sau đó một tháng, Tỉnh ủy Quảng Nam lại có Công văn 1989-CV/TU ngày 21/5/2019 khẳng định vẫn xây dựng Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu tại địa điểm mới! Nếu thăm dò, số người có nguyện vọng gìn giữ lại và đầu tư phát triển nhà trường trên địa điểm hiện nay sẽ chiếm đại đa số. Thay mặt cựu học sinh, GS.TS. Trần Văn Nam, Nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng, đã có đơn kiến nghị đến Thủ tướng và các cấp lãnh đạo về việc giữ lại ngôi trường tại nguyên địa điểm hiện nay.
 
Việc làm này hoàn toàn phù hợp Hiến chương Burra của Hội đồng quốc tế các di tích và di chỉ Australia. Hiến chương đã giải thích về địa điểm có ý nghĩa văn hoá như sau: “địa điểm bao gồm di chỉ, vùng đất, cảnh quan, công trình xây dựng và công trình khác…; ý nghĩa văn hoá có nghĩa là các giá trị thẩm mỹ, lịch sử, khoa học, xã hội hoặc tinh thần đối với các thế hệ quá khứ, hiện tại và tương lai…”. “Các địa điểm có ý nghĩa văn hoá làm phong phú cuộc sống con người, đem lại cho họ một mối quan hệ sâu sắc đầy cảm hứng với cộng đồng và cảnh quan, với quá khứ và những trải nghiệm đã qua…”. Hiến chương Burra cũng chủ trương cách xử lý thận trọng sự thay đổi đối với các địa điểm có ý nghĩa văn hoá: “làm mọi việc cần thiết để trông nom được tốt địa điểm và làm cho nó hữu dụng, song mặt khác càng ít thay đổi càng tốt để cho địa điểm giữ được tối đa giá trị văn hoá của nó”.
 
Việc điều chỉnh, bổ sung nghị quyết, điều chỉnh quy hoạch là việc làm bình thường và cần làm thường xuyên của các cấp lãnh đạo, quản lí. Không thay đổi, giữ nguyên những gì đã quyết, nhất là những quyết định chỉ đúng nhất thời, hoặc nhận thấy sai mà vẫn quyết mới là chuyện bất thường. Thiết nghĩ, tỉnh Quảng Nam chắc chắn sẽ cân nhắc trước khi thực sự phá dỡ, san ủi mặt bằng để bàn giao khu đất lịch sử cho một công trình khác.
 
Để có thể thay đổi một quyết định quan trọng như vậy, chúng tôi nghĩ rằng, theo đúng trình tự, Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu cần có Tờ trình cho các cấp lãnh đạo với nội dung rõ ràng, thuyết phục (những lí do như nói trên và tình hình cụ thể của nhà trường, nguyện vọng hợp lí của cán bộ, giáo viên, học sinh các thế hệ…). Thị xã Điện Bàn với tư cách là cơ quan lãnh đạo Đảng, Chính quyền địa phương, Sở GD ĐT Quảng Nam với chức năng tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh Quảng Nam về GDĐT, phải có Tờ trình về việc Điều chỉnh quy hoạch, bảo tồn và phát triển nhà trường, có kế hoạch phân bố sĩ số học sinh phù hợp trên địa bàn, đầu tư CSVC, trang thiết bị, cơ chế chính sách cho nhà trường… Mặc dù, trước đây, thị xã, Sở GDĐT đã từng thống nhất chủ trương, tham gia vào trình tự xúc tiến đầu tư Dự án xây dựng trường mới nhưng việc đề xuất lại, tham mưu lại cấp trên với cơ sở lập luận vững chắc, toàn diện hơn thì không ngại ngần việc “tiền hậu bất nhất”, hoặc không có nếp nghĩ rằng bất cứ điều gì mà cấp trên đã quyết rồi thì cấp dưới cứ thế mà thi hành… Việc làm ấy mới chính là phát huy nhiệm vụ của cơ quan tham mưu, giúp việc, của người đứng đầu ngành giáo dục, của thị xã. Chỉ có sự im lặng, tuân thủ máy móc, thiếu phản biện tích cực của cơ quan, cán bộ tham mưu thì mới là thái độ khó được chấp nhận, đồng tình.
 
Khi chúng ta có niềm tin ở sự đổi mới, sự lắng nghe thì chắc chắn sẽ có câu trả lời thỏa đáng.
 
Nguyễn Minh Hùng/VHVN

Bạn đang đọc bài viết "Điện Bàn (Quảng Nam): Một di tích cần được bảo tồn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.